Người đưa tin thông tin, căn cứ theo khoản 1 Điều 15 luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Như vậy, thấy biên bản vi phạm giao thông của cảnh sát giao thông là trái luật thì người bị xử phạt có thể thực hiện khiếu nại về vấn đề này. Việc khiếu nại có thể đúng hoặc không đúng. Tuy nhiên, người bị xử phạt hoàn toàn có quyền khiếu nại khi có căn cứ cho rằng quyền lợi của mình bị xâm hại. Nếu việc khiếu nại không thành công thì cũng không bị xử phạt thêm về lỗi nào khác.
Về trình tự khiếu nại, người bị xử phạt khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của luật Tố tụng Hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của luật Tố tụng Hành chính.
Vấn đề yêu cầu cảnh sát giao thông bồi thường khi xử phạt sai thuộc trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (bồi thường không theo hợp đồng hay thỏa thuận trước).
Theo quy định tại Điều 275 bộ luật Dân sự 2015, một trong những căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự là “gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật”.
Cụ thể Điều 584 bộ luật này quy định, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Việc bồi thường thiệt hại trong những trường hợp nêu trên được loại trừ khi thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Từ những phân tích ở trên, rõ ràng có cơ sở pháp lý cho việc cảnh sát giao thông xử phạt sai phải bồi thường. Vấn đề ở đây là người bị thiệt hại phải chứng minh được:
- CSGT xử phạt sai.
- Bản thân bị thiệt hại do việc xử phạt sai của cảnh sát giao thông gây ra.
Việc chứng minh mức độ thiệt hại có ý nghĩa quan trọng, làm căn cứ cho việc yêu cầu bồi thường.
Mức bồi thường sẽ do 2 bên tự thỏa thuận. Nếu không thể thỏa thuận được, người bị thiệt hại có thể gửi đơn đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu cảnh sát giao thông bồi thường.
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Bên cạnh đó, Luật sư Quách Thành Lực, Công ty luật Pháp trị cũng cho biết, khi có căn cứ cho rằng cảnh sát giao thông xử phạt sai thì người dân có quyền khiếu nại hoặc gửi Đơn khởi kiện. Tuy nhiên, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, người bị xử phạt vẫn phải nộp phạt trước khi khiếu nại cảnh sát giao thông xử phạt sai, trừ trường hợp người giải quyết khiếu nại, khởi kiện đã ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định xử phạt.
Luật sư Lực cho biết, căn cứ theo thông tin được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông, việc tiếp nhận tin phản ánh tiêu cực, tham nhũng trong lực lượng cảnh sát giao thông được thực hiện qua số điện thoại đường dây nóng Bộ Công an: 06923.42593.
Vì vậy người dân nếu muốn khiếu nại cảnh sát giao thông cần gọi điện trực tiếp đến số điện thoại 06923.42593 để phản ánh trường hợp mình gặp phải và được hướng dẫn thực hiện thủ tục cần thiết, theo Dân Trí.