Thấp thoáng trong tiết trời trở lạnh và làn mưa bụi mong manh như khói sương của xứ Bắc, một mùa xuân nữa đang về. Đấy là lúc mùa của sinh sôi đang trào lên nhựa sống trong từng mạch cây, thớ đất. Đấy cũng là thời khắc mùa của hy vọng đang thắp lên những chồi búp non xanh mơn mởn trên những ruộng vườn, đồng bãi phì nhiêu của quê hương chúng ta từ Bắc vào Nam.
Và đấy còn là mùa của mơ ước đang mong được đơm hoa kết trái trong hồn người mỗi độ Xuân sang. Mùa lại về như nhịp chảy hồn nhiên yên lành nơi dòng sông quê đã qua mùa bão lũ dữ dằn, sông đã phải vượt qua bao nhiêu ghềnh, thác để trở lại với phù sa bồi đắp cho những vùng đất nguồn cội yêu thương.
Cứ mỗi độ Xuân về, ta lại nghe da diết, văng vẳng đâu đây trên quê hương thanh bình Việt Nam nhạc điệu bài hát “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Mùa bình thường mùa vui nay đã về/ mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông/ một trưa nắng cho bao tâm hồn/Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Người mẹ nhìn đàn con nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh/ Niềm vui phút giây như đang long lanh...”.
Sớm nay, trên vòm trời giá lạnh phía bên kia mùa đông đã thấy xao xác những cánh én đầu tiên trở về với đất mẹ. Phải chăng hơi ấm từ những cánh chim mỏng manh ấy đã làm tươi lại sắc trời đông giá, để sớm nay sắc hoa đào ửng hồng lên từ phía chân trời những đốm lửa nhỏ, báo hiệu một mùa ấm áp sẽ về trên quê hương.
Từ những màu hoa nơi biên cương, hải đảo
Những ngày đông, tháng giá đang dần qua khi phía bên này thềm lục địa của Tổ quốc Việt Nam, một mùa xuân mới đang về trên những cánh chim biển trong nắng ấm phương Nam. Vào thời khắc giao thừa thiêng liêng, xúc động đang đến trên mọi miền đất nước, mùa Xuân này, màu hoa đào phương Bắc như lửa ấm đang thắp sáng một vùng trời biên cương, nơi các chiến sĩ thân yêu của chúng ta Tết này vẫn đang cần mẫn trên các nẻo đường đường tuần tra, xuống bản.
Cũng những ngày Xuân này, màu hoa mai vàng phương Nam lại đem nắng ấm đến quần đảo Trường Sa như một lời nhắn gửi thân thương của quê hương tới những người lính đang ngày đêm trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió để giữ vững sự bình yên cho biển đảo Tổ quốc. Và trong những ngày Xuân ấm áp này, màu mai vàng phương Nam trên tay những cô gái vượt muôn trùng sóng ra thăm các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa, đã nở những đóa Xuân tràn đầy hy vọng trong tiếng chuông chùa bình yên trên đảo ở bài thơ mới viết dưới đây của tôi:
Tiếng chuông vọng giữa ngàn mây
Cầu cho sông núi từng ngày bình yên
Cho con chân cứng đá mềm
Đảo xa trụ vững giữa miền bão giông
Cầu cho tình mẹ như sông
Phù sa thơm thảo từng bông lúa vàng
Cho ngày mưa đến dịu dàng
Trên miền khô hạn chói chang quê mình
Tiếng chuông vọng giữa thanh bình
Em tôi thấp thoáng dáng hình ngày xuân
Vượt muôn trùng sóng ra thăm
Em như mây ấm mùa xuân tốt lành
Nở trên cát, đá vô danh
Những đóa tươi thắm ấm lành tình quê
Em trong như tiếng chuông thề
Mỗi ban mai đến vỗ về đảo xưa...
Và, tôi chợt liên tưởng, màu hoa đào ấm áp của phương Bắc và màu hoa mai vàng tươi sáng của phương Nam đã hòa vào bản tình ca mùa Xuân đang dâng trào trên khắp các vùng biển đảo và biên cương thân yêu của Đất nước chúng ta.
Trong hồn người có ngọn sóng nào không?
Trên mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến, trong làn mưa bụi lan tỏa như sương, như khói của mùa xuân kia, ta bắt gặp những dáng phố thân thuộc, những nếp nhà rêu phong cổ kính của khu phố cổ hiện lên trong lãng đãng khói sương kỷ niệm. Một Hà Nội ngàn xưa tinh tế và lãng mạn không có lẽ bây giờ chỉ còn gặp lại trong hư ảo những bức tranh phố của danh họa Bùi Xuân Phái, hoặc chỉ còn lại thấp thoáng trong những bức ảnh của các nhiếp ảnh gia nổi tiếng của thế kỷ trước. Những khung cảnh cổ xưa ấy, những góc phố cũ kỹ ấy, những dáng người xa xưa ấy, những nếp nhà thân quen ấy, những dáng cây như chỉ có trong tranh thủy mặc ấy... bỗng sớm nay hiện nay hiện về trong làn mưa bụi mơ màng của mùa xuân ngay trước mắt chúng ta:
Mùa đông chim sẻ phố bay rồi
Cây phố tần ngần phố nhớ ai
Sương bay vào tóc, sương chưa bạc
Đã trắng mây khua những dặm trời
Lá rụng, mùa ơi! rụng nốt đi
Trên bàn tay vắng dấu chân khuya
Tôi nghe hơi phố không còn ấm
Mà lửa đèn đêm thức nhớ gì?
Chim sẻ mùa đông, phố vắng em
Bụi mờ, sương bạc gáy sách đêm
Lật từng trang nhớ không người hát
Khát khát thơ tôi cháy cháy tìm
Sớm nay ngoài phố trăm dáng áo
Trăm sắc mây về dưới tán cây
Ngỡ như chim sẻ nghìn tay áo
Mơ thấy xuân về ríu rít bay
Còn chờ ai nữa hỡi bờ cây
Dưới mưa nụ lá mướt xanh ngày
Bâng khuâng phố cổ thềm xuân hát
Một giấc đông tan dưới ánh ngày
(Chim sẻ phố- thơ Nguyễn Việt Chiến)
Vâng, mùa Xuân đã hoàn thành bức vẽ kiệt tác của mình! Với chút gió lạnh se sắt và làn mưa bụi như khói sương kia, mùa xuân đã xóa bớt đi, đã làm dịu đi những nét góc cạnh thô tháp, vô cảm, lạnh lẽo của những dáng phố, dáng nhà thời đô thị công nghiệp hiện đại. Và, mùa Xuân đã phủ lên phố phường một làn áo mong manh, gợi cảm để cho cái đẹp hiện hữu trên từng con phố như những người thiếu nữ thấp thoáng, ẩn hiện trong màu tranh lụa đầy quyến rũ của các danh họa xưa.
Hôm nay, bức tranh thủy mặc ấy chỉ còn xuất hiện vào mùa xuân với nét chấm phá của sắc hoa đào trong các phiên chợ Tết. Có lẽ ngoài hoa đào, không có một loại hoa nào lại mang trong mình hình tượng của sự hồi sinh nồng nàn đến thế. Trên những thân cành khô héo, bạc nhược, cỗi cằn của mùa đông cũ kỹ, chợt bật sáng lên những chồi, những nụ tươi tắn của mùa xuân trẻ trung. Trong phất phơ gió lạnh, trong huyền ảo mưa bụi, sắc đào đã gợi lên trong ta nỗi nhớ về quê hương, nỗi nhớ về mẹ ta. Mẹ đã tần tảo nắng mưa, mẹ đã trải qua bao nghèo khó, nhọc nhằn năm tháng để nuôi nấng chúng ta thành người. Mẹ như thân đào khô héo, dồn chút nhựa sống cuối cùng của đời cây để nuôi dưỡng những nụ xuân, những chồi xuân cho quê hương.
Tôi luôn nghĩ rằng, từ trước đến nay, các nhà thơ thường nói lên tiếng nói của nỗi đau và khát vọng dân tộc mình, các nhà thơ đã thở hơi thở đời sống cần lao của nhân dân mình. Và các nhà thơ chỉ có thể gắn bó với đời sống tinh thần của dân tộc mình khi những bài thơ của họ nhận được sự cộng hưởng, sự tri âm từ những con người yêu nước chân chính vào những thời điểm đất nước gian lao. Trong bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của tôi có đoạn thơ sau: “Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/ Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/ Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không”. Tôi nghĩ rằng, trong tâm hồn mỗi nhà thơ chúng ta hôm nay, nếu không trào dâng lên ngọn sóng thi ca yêu nước ấy thì làm sao thơ của chúng ta có được sự cộng hưởng tri âm từ hàng triệu người đọc. Vì thế, tôi tin rằng, nhân dân và thế hệ trẻ hôm nay không hề quay lưng lại với thi ca yêu nước đâu, mà có lẽ các nhà thơ nên tự hỏi: Chúng ta đã làm gì để nói lên tiếng nói của nỗi đau và khát vọng của chính dân tộc mình trong những tháng năm này?
Mùa xuân này, cùng với màu hoa đào, hoa ban đỏ ấm áp trên biên cương phía Bắc, tôi muốn nói đến màu hoa sim luôn vấn vương, quấn quýt trên những những ngọn đồi biên ải, nơi hàng ngàn chiến sĩ thân yêu của chúng ta đã ngã xuống để giữ gìn từng tấc đất của Tổ quốc cách đây hơn ba mươi năm. Tôi ngỡ rằng, máu những người lính ấy cứ thủy chung trọn vẹn như màu tím hoa sim, luôn ở lại với đồi núi cằn khô, buốt giá: “Mùa này biên giới hoa sim/ Tím quanh mộ chí im lìm các anh/ Những người lính trận vô danh/ Hiến dâng đất nước tuổi xanh của mình/ Lặng yên vào chốn lặng thinh/ Gặp bao xương máu hy sinh giống nòi/ Màu tím vằng vặc núi đồi/ Đường lên biên giới một trời hoa sim/ Mầu hoa chẳng chịu lặng im/ Lẫn vào sỏi đá thắp nghìn nén hương”. Từ màu mây trắng trên ngút ngàn Trường Sơn thủa ấy đến màu tím hoa sim thủy chung nơi biên thùy hôm nay.
Từ màu hoa mai vàng ấm áp nắng gió phương Nam trên quần đảo Trường Sa thân thuộc đến màu hoa đào đang thắp sáng miền biên ải thân thương của Tổ quốc. Và vượt lên trên mọi màu hoa sáng tươi, rực rỡ của mùa xuân này là màu cờ của Tổ quốc thân yêu đang thắp bừng trên non sông quê hương này.
Thương Tổ quốc bên bờ biển cả
Mây Trường Sơn bay đến tận Trường Sa
Mây vẫn ấm trên mái nhà đất nước
Dẫu bão giông thấm giột phía Hoàng Sa
(Trích Trường ca Tổ quốc nhìn từ biển – Nguyễn Việt Chiến)
Mấy câu thơ nói trên của tôi trong tập trường ca “Tổ quốc nhìn từ biển” đã nhắc đến một màu mây ấm trên nền trời Tổ quốc. Màu mây thân thuộc ấy trong nửa thế kỷ trận mạc trước đây đã trở thành người bạn đồng hành của những người lính “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Hôm nay, màu mây trận mạc Trường Sơn của thế hệ cha, anh lớp trước còn bay đến tận Trường Sa với thế hệ con, em lớp sau trên quần đảo tiền tiêu đang “Vượt bão Trường Sa giữ biển trời”!,
Nhà thơ NGUYỄN VIÊT CHIẾN
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số tháng Tết