+Aa-
    Zalo

    Mua vé xe Tết qua mạng: Cú lừa ngoạn mục “vé hời dịp Tết”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng tâm lý nôn nóng của những người xa xứ mong có vé xe về Tết để trục lợi.

    (ĐSPL) - Các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng tâm lý nôn nóng của những người xa xứ mong có vé xe về Tết để trục lợi. Những chiêu thức và hành vi làm giả vé xe của các đối tượng hết sức tinh vi. Nhiều người cho rằng, chính sự thiếu khoa học trong việc bán vé của các nhà xe cũng là một phần lý do để người dân phải tìm mua dịch vụ trên mạng khiến không ít hành khách "dính" quả lừa.

    Nhiều người xếp hàng chờ mua vé xe về Tết ở bến xe Miền Đông.

    Biết thì đã muộn

    Vừa qua, đường dây nóng báo Đời sống và Pháp luật nhận được thông tin phản ánh từ độc giả cho biết, có một số người chèo kéo bán vé xe Tết qua mạng có dấu hiệu lừa đảo.

    Từ thông tin trên, PV đã lần theo những dấu vết của dân "lừa đảo" vé xe qua mạng và phát hiện hình thức này không còn mới mẻ, nhưng trước nhu cầu đi lại của người dân vào thời điểm cận Tết, nó đã gây ra không ít phiền toái, nhất là những ai nhẹ dạ cả tin.

    Theo thông tin từ các nhà quản lý vé xe, vừa qua một vụ mua bán vé xe Tết giả qua mạng đã bị phát hiện kịp thời. Được biết, chị T.H. mua vé xe Tết từ một người quen trên mạng qua facebook đi tuyến TP.HCM - Phú Yên. Sau khi nhận được vé, phát hiện có điểm khác biệt so với thông thường, nên chị H. sinh nghi mang đi kiểm chứng ở hãng. Khi tới hãng, các nhân viên ở đây cho biết đó là vé xe giả.

    Vé xe làm giả thương hiệu của hãng Cúc Tư (trên) và vé xe thật (dưới).

    Chị H. cho biết, vé xe mang tên hãng xe khách Cúc Tư, chị mua qua mạng với giá 480.000 đồng. Sau khi biết mình mua phải vé xe giả, chị H. liền gọi điện thoại vào số máy của người đã bán cho chị trước đó, thì chủ thuê bao đã khóa máy. Sau khi tiếp nhận vé xe mang tên hãng của chị H., đại diện hãng xe Cúc Tư, ông Nguyễn Hữu Phúc xác nhận, đây chính là vé xe giả được các đối tượng làm giả tinh vi.

    Theo ông Phúc, những đặc điểm bên ngoài của chiếc vé chị H. đưa và vé thật của hãng Cúc Tư có nhiều điểm khác biệt. Ông Phúc cho biết: "Đối với vé của hãng  phát hành, phải có số sê ri bên góc phải, dấu mộc giáp lai giữa hai liên vé và có mã số thuế phía dưới tấm vé. Đồng thời, vé xe Tết phải ghi rõ ngày giờ xuất phát, biển số xe, tài xế và số ghế. Ngoài đặc điểm trên thì giữa hai loại vé thật - giả cũng có màu khác nhau, cỡ chữ cũng không giống nhau...".

    Trường hợp mất gần nửa triệu đồng mua phải vé giả của chị H. là lời cảnh tỉnh với những ai nhẹ dạ cả tin đặt mua vé xe của những người rao bán trên mạng. Hình thức lừa đảo của những đối tượng này là khai thác điểm yếu về tâm lý cần vé về Tết của nhiều người. Chị Hằng Nga (quê Hà Tĩnh) cho biết:

    "Vì công việc bận bịu nên tôi cũng thường tìm mua vé xe về Tết trên mạng. Năm ngoái tôi lân la tìm trên mạng facebook, khi vào đường link của một người bạn thấy có người rao bán vé xe Tết. Chị ta nói mình là nhân viên bên quảng cáo, dự tính về Tết ngày 23 tháng Chạp nhưng vì có dự án mới nên phải làm qua Tết, không được về. Chị ta còn bảo chấp nhận lỗ một số tiền để bán lại cho ai có nhu cầu. Tôi xin số điện thoại và hẹn gặp bên quận 4 (TP.HCM) để mua vé, sau khi trao tiền, nhận vé, chị ta đi rồi tôi phát hiện vé có điểm nghi vấn. Gọi điện đến hãng xe đăng ký ngày đi thì phát hiện vé giả, liên hệ với "nhân viên quảng cáo" thì máy đã khóa".

    Khắc phục bằng cách nào?

    Trước thông tin xuất hiện vé xe giả trong dịp Tết, nhiều người xa xứ tỏ vẻ hoang mang. Chị Nguyễn Thị Hồng (quê Quảng Ngãi) cho biết: "Do bận bịu hoặc vì lý do nào đó, khá đông người lao động xa quê như chúng tôi mong chờ có một dịch vụ đặt vé xe về Tết qua mạng. Nếu tìm được ai đó san sẻ cho tờ vé với giá hời vì lý do công việc mà họ không đi được thì đây vẫn được xem là lựa chọn hợp lý. Hơn nữa, việc chen chúc ở bến xe rồi mất công cả nửa ngày mà chưa chắc chọn được vé tốt thì tội gì không tìm trên mạng. Nhưng đúng là không có nhiều cơ sở để tin vào những vụ mua bán như vậy, vì không có gì làm đảm bảo, khi bị lừa là mất sạch".

    Theo tìm hiểu của PV, nhiều nhà xe mang mác xe du lịch nhưng dịp giáp Tết vẫn tìm cách chở khách lẻ để kiếm thêm lợi nhuận. Hầu hết các hãng xe này đều ở xa khu vực bến xe Miền Đông và bến xe Miền Tây nhằm đánh vào tâm lý lười biếng của người dân có nhu cầu đi lại. Một dịch vụ xe về Tết mang tên T.N. được đặt ở hàng rào của một quán nhậu thuộc huyện Bình Chánh, TP.HCM chuyên phục vụ khách về Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi có biểu hiện thiếu minh bạch. Khi PV vào vai người có nhu cầu đặt vé xe tại đây, người tiếp nhận chỉ đưa mức giá và nói trước ngày về vài ngày, khách phải đến đóng tiền. Như vậy, không hề có một sự ràng buộc nào khiến người đặt vé xe tại đây có thể đối diện với nguy cơ không có vé để về quê ăn Tết.

    Trước thông tin xuất hiện vé xe về Tết giả, ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc bến xe Miền Đông nhận định: "Việc làm giả vé xe của các doanh nghiệp hoạt động trong bến thỉnh thoảng có xảy ra. Có một điểm lưu ý với khách là nhiều trường hợp ở các quán cà phê hay các nhà ven đường, một số doanh nghiệp, nhà xe trưng bảng có bán vé xe Tết nhưng không có sự đảm bảo chắc chắn. Một số doanh nghiệp này đến lúc cận Tết thường không đủ xe, dễ gặp trục trặc, người đặt vé không đi được thì không biết kêu ai. Nhiều người vẫn nghĩ đã lỡ mua vé Tết nhưng muốn trả lại vé cho các nhà xe không được như các năm khác nên lo lắng. Đó cũng là một phần nguyên do khiến nhiều nhóm làm vé xe giả lợi dụng, kiếm cớ bán vé trên mạng, lừa đảo".

    Ông Hải khuyến cáo: "Người dân nên tìm đến bến xe để mua vé từ quầy vé của các doanh nghiệp đang hoạt động trong bến để tránh mua phải vé giả. Nếu hành khách mua vé bên ngoài thì bến xe không thể giám sát được. Nếu trường hợp không có điều kiện để mua vé trước thì đến ngày đi cứ ra bến xe để mua vì luôn có một lượng xe bán vé đi ngay. Còn về vé giả, vé thật thì chỉ có doanh nghiệp mới phân biệt được vì mỗi đơn vị phát hành một loại vé xe mang đặc trưng riêng. Tại bến xe Miền Đông có 208 doanh nghiệp đăng ký, trong đó 108 doanh nghiệp đăng ký để vé cho bến xe bán, còn lại thì tự giao dịch bán vé. Tính đến thời điểm ngày 20/1, có khoảng 30 doanh nghiệp đã chào bán vé xe Tết, còn lại một số hãng xe uy tín khác thì vẫn chưa bán".         

    Trao đổi với PV, luật sư Cồ Lê Huy, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: "Hình thức bán vé xe giả của các đối tượng trục lợi đã phạm tội "lừa đảo" với thủ đoạn gian dối. Suy cho cùng, thời điểm cận Tết nhu cầu đi lại của người dân cao nên cũng sẽ xuất hiện những đối tượng lừa đảo để trục lợi. Nguyên do thứ nhất là các hãng xe bán vé xe chưa thực sự khoa học, người dân còn gặp nhiều khó khăn khi mua vé xe, đặc biệt là ở những nơi xa các bến xe. Nguyên do thứ hai là do người dân kém hiểu biết thông tin hoặc lười biếng tìm hiểu. Chính những điều này khiến các đối tượng có đất để lừa đảo người dân".
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mua-ve-xe-tet-qua-mang-cu-lua-ngoan-muc-ve-hoi-dip-tet-a81181.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan