Chênh lệch giá
Cụ thể, theo Quyết định số 171/QĐ-NA ngày 21/3/2022, Giám đốc bệnh viện phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, gói thầu Mua sắm, lắp đặt thiết bị.
Đây là gói thầu thuộc hoạt động chi thường xuyên của đơn vị, sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước. Gói thầu được thực hiện trong 90 ngày, loại hợp đồng trọn gói với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.
So với mức giá dự toán 7.798.000.000 đồng (Bằng chữ: Bảy tỷ, bảy trăm chín mươi tám triệu đồng), số tiền tiết kiệm sau đấu thầu chỉ 12 triệu đồng, đạt tỉ lệ “tượng trưng” 0,2%
Thoạt nhìn, dường như gói thầu đã được chủ đầu tư tổ chức đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi nghiên cứu hồ sơ, kiểm tra tỉ mỉ đơn giá hàng hóa cũng như đối chiếu cẩn thận ký hiệu, nhãn mác và xuất xứ của sản phẩm, phóng viên (PV) nhận thấy một hiện tượng “bất thường”: giá thành mã hàng đang cao hơn đáng kể so với giá nhập khẩu.
Có thể kể đến Máy siêu âm Doppler mầu ≥ 4 đầu dò Affiniti 70 có nguồn gốc từ Mỹ đã được chủ đầu tư phê duyệt với giá 3.192.000.000 đồng (hơn 3,1 tỷ đồng). Tuy nhiên, chiếc máy cùng model, xuất xứ đã được nhập về Việt Nam ngày 15/2/2022 chỉ có giá hơn 968 triệu đồng sau thuế, tức bằng 1/3 giá trúng thầu, chênh lệch lên đến hơn 2,2 tỷ đồng.
Tương tự, vào ngày 18/1/2022, Máy x-quang di động kỹ thuật số DR 100e với cùng model đã được nhập khẩu từ Ý với giá trị 1.793.545.744 đồng (gần 1,8 tỷ đồng, đã bao gồm thuế). Thế nhưng đơn giá trúng thầu mà chủ đầu tư phê duyệt tới 3.326.000.000 đồng (hơn 3,3 tỷ đồng), gần gấp đôi giá nhập khẩu, tức chênh lệch hơn 1,5 tỷ đồng.
Qua tìm hiểu 2/3 sản phẩm, gói thầu có dấu hiệu đội giá cao hơn nhiều so với giá nhập khẩu. Tổng số tiền chênh lệch là 3.755.625.321 đồng (hơn 3,7 tỷ đồng).
Dẫu biết rằng nhà thầu khi bàn giao cho chủ đầu tư cần phải chịu thêm một số chi phí liên quan và lợi nhuận của doanh nghiệp, thế nhưng đây vẫn là một con số đáng suy ngẫm, đặc biệt khi đối chiếu với quy định của pháp luật liên quan đến đấu thầu.
Dấu hỏi về trách nhiệm trong công tác mua sắm công
Để có những ý kiến đa chiều, thông tin về giá trị thực của các sản phẩm trong gói thầu, PV đã liên hệ với chủ đầu tư. Thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa phản hồi. Sự “im lặng” này đã đặt ra nhiều dấu hỏi về tính minh bạch và trách nhiệm trong công tác mua sắm công.
Dưới góc nhìn pháp lý về sự việc trên, luật sư Phạm Hồng Kiên (Giám đốc công ty luật Cán Cân Việt) cho hay, khi khấu trừ các chi phí mà giá thiết bị vẫn cao bất thường thì cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ. Nếu có căn cứ khẳng định giá thầu quá cao so với giá thị trường, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước từ 100 triệu đồng trở lên thì có thể khởi tố hình sự về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 222, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).
Nhằm năng cao hiệu quả công tác đấu thầu, luật sư Kiên cho rằng, điều cần làm là kiểm soát chặt việc xây dựng hồ sơ mời thầu. Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, bên mời thầu yêu cầu nhà thầu giải trình về các yếu tố cấu thành giá chào thầu.
Mặt khác, cần tăng cường hơn nữa việc công khai thông tin để nhiều nhà thầu cùng tham gia, cạnh tranh. Đặc biệt, tránh việc thiết bị được chuyển “lòng vòng” qua nhiều đại lý để nâng khống hoá đơn thì nhà thầu phải tìm mua đúng của nhà phân phối chính thức ban đầu, không qua trung gian.
Ngọc Bảo - Thuận Nguyễn