+Aa-
    Zalo

    "Mưa rửa đền" liên quan thế nào với nghi thức "Mộc dục"?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng hiện tượng “Mưa rửa đền” tại các lễ hội có liên quan trực tiếp tới nghi thức “mộc dục” trong tín ngưỡng.

    (ĐSPL) - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng hiện tượng “Mưa rửa đền” tại các lễ hội có liên quan trực tiếp tới nghi thức “mộc dục” trong tín ngưỡng thờ cúng cổ xưa.

    Trước những huyền thoại được thêu dệt xung quanh hiện tượng “mưa rửa đền” và những lời đồn thổi đầy tính liêu trai quanh sự kiện trên, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN).

    Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: “Mưa rửa đền” có liên quan tới lễ “mộc dục”.

    “Thiên nhân tương cảm”

    Thưa ông, tại nhiều lễ hội ở nước ta, người dân thường đồn nhau về hiện tượng “mưa rửa đền”. Nghĩa là cứ trước những ngày chính hội là trời sẽ có một trận mưa to, gió lớn và sau khi kết thúc lễ hội cũng có một trận mưa nữa. Dân gian gọi là mưa đón Thánh về và tiễn Thánh đi. Dưới góc độ văn hóa, ông nhận định sao về hiện tượng này?

    Trước hết, ba tiếng "mưa rửa đền" gắn trực tiếp đến nghi thức làm lễ "mộc dục" trong các tín ngưỡng thờ cúng cổ xưa. Trước khi vào thực hành nghi lễ chính thức, người ta làm lễ “mộc dục” tức là tắm tượng và các đồ thờ, linh khí  chốn đền miếu.

    Mục đích là lau rửa đồ tế khí cho sạch sẽ sau một chu kỳ giữ gìn, đồng thời làm cho không gian cúng tế được thanh tịnh, trang nghiêm. Họ cũng thể hiện lòng tận tuỵ, thành kính với thần thánh. Người đã vậy thì trời lại càng vậy, vì "thiên nhân tương cảm" mà.

    Bởi thế, nếu trước ngày lễ mà có mưa, người ta nghĩ ngay đến việc nhờ thần thánh linh thiêng mà trời cho mưa làm lễ “mộc dục” cho cả ngôi đền, người ta gọi là "mưa rửa đền", ý là thần làng mình thiêng lắm, ứng lắm và coi đó là một điều may mắn.

    Từ sự liên hệ mang ý nghĩa văn hóa như vậy mà lâu dần, cùng với quá trình bồi đắp những câu chuyện dân gian, những truyền thuyết, những giai thoại được hình thành và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Niềm tin tín ngưỡng khiến cho người dân tin đó là sự kiện có thật.

    Có ý kiến cho rằng, việc này có nguồn gốc từ những nghi thức nông nghiệp từ xưa để cầu mưa? Ông đánh giá sao về vấn đề này?

    Mưa đem đến cho con người nguồn nước nên bất cứ nơi nào cũng quý mưa cả. Người ta chỉ sợ giông, bão, sấm sét, lũ lụt, động đất, sóng thần, hạn hán chứ chả ai sợ mưa. Trong tín niệm dân gian, mưa và giông khác nhau. Vì vậy, nghi lễ gặp mưa có khi bất tiện nhưng nơi nào cũng sẵn sàng coi đó là điềm lành, điềm may mắn.

    Từ xa xưa, nước đã trở thành vật báu linh thiêng trong tâm thức nhà nông. Cũng từ đó, nghi lễ và tín ngưỡng cầu nước được nảy sinh làm cầu nối giữa con người với thần thánh lúc cần thiết. Vì thế, hầu như mọi lễ hội, kể cả tết cổ truyền - với tư cách là lễ hội lớn nhất của một dân tộc, người ta luôn bắt gặp những nghi thức thờ nước hoặc những tục trò liên quan đến tục thờ nước.

    Tôi chưa dám khẳng định hiện tượng “mưa rửa đền” có liên quan tới tín ngưỡng thờ nước nhưng rõ ràng nó có mối liên hệ với những điều tôi đã nói ở trên.

    Tín niệm dân gian

    Việc thần thánh hóa một hiện tượng tự nhiên (ở đây là cơn mưa) có phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất trong văn hóa Việt? Chúng ta phải nhìn nhận thế nào cho đúng với tinh thần khoa học để tránh rơi vào tình trạng mê tín, thưa ông?

    Như đã nói ở trên, những lễ hội nông nghiệp truyền thống đều liên quan tới nước nên việc này cũng không có gì là lạ. Sự biến đổi của các yếu tố chỉ để phù hợp với thực tiễn hoàn cảnh lễ hội đó mà thôi. Nếu suy nguyên các thành phần của lễ hội, chúng ta có thể nhận ra những yếu tố cơ bản của tín ngưỡng thờ nước.

    “Mưa rửa đền”, tục rước nước hay lễ “mộc dục”... cũng đều như vậy cả. Trong một năm thường có 24 tiết khí và nhiều tiết khác mà kinh nghiệm truyền thống đã chỉ ra, trung bình mỗi tháng có đến hai tiết khí, các lễ hội diễn ra vào các tiết khí đó thường có những biến động khí hậu, hoặc nắng hoặc mưa luân phiên.

    Việc các lễ hội gặp mưa là điều thường thấy. Mưa trước hay sau dăm ngày đều được coi là ứng nghiệm. Còn nói chắc một mực nhất thiết phải mưa ở đó vào ngay trước ngày chính lễ là cách nói thoả mãn tín niệm của người ta mà thôi. Chỉ cần mở tài liệu thiên văn 10 năm hay 100 năm ra thì thấy nó cũng thất thường lắm.

    Người phương Đông tin rằng, cứ mùng 8 tháng Tư là mưa nhưng chẳng lẽ có những cơn mưa năm nào cũng phủ khắp cả phương Đông này à? Vì thế, chúng ta phải nhìn nhận nó dưới những tín niệm dân gian để tránh mê tín hóa một cách thái quá.

    Nếu nói vậy, chúng ta có nên tin vào hiện tượng “mưa rửa đền” hay không, thưa ông?

    Dân gian thường đúc rút những kinh nghiệm, đồng thời gửi gắm vào đó những kỳ vọng, những thi vị. Đó là nơi con người gửi gắm những suy tư sâu lắng, những nhu cầu tâm linh của người sống với người chết, của con cháu với tổ tiên, của những thành viên trong cộng đồng với những người có công với làng nước...

    Có thế mới gọi là dân gian, có thế mới tạo ra sự phong phú của văn hoá tinh thần. Điều đó, chúng ta cần tôn trọng. Còn khoa học thì phải dựa vào thực chứng, thống kê, định lượng. Tôn trọng tín niệm một thì phải tôn trọng khoa học hai, ba lần. Có như vậy, chúng ta mới nhìn nhận được đúng vấn đề để tránh bị lợi dụng và bị sa đà vào mê tín dị đoan. Tín niệm dân gian cần tôn trọng nhưng mê tín thì chúng ta cần phải quyết liệt bài xích.

    Trân trọng cảm ơn ông!

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mua-rua-den-lien-quan-the-nao-voi-nghi-thuc-moc-duc-a84211.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan