Một số người cho rằng uống nước ép tốt hơn nước lọc vì vừa cùng cấp nước lại bổ sung vitamin khoáng chất cho cơ thể. Tuy nhiên, theo tờ Tri thức & Cuộc sống, TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam khuyên tuyệt đối không nên dùng các loại nước ép thay thế nước lọc.
Nước lọc cần thiết cho cơ thể
Theo VTC News, nước lọc tuy không có mùi vị hấp dẫn nhưng là loại nước cần thiết và quan trọng với cơ thể. Với những người mong muốn giảm cân, nước lọc sẽ là sự lựa chọn tốt hơn, bởi nước lọc không có calo. Nước lọc giúp thải độc tốt hơn so với nước ép trái cây.
Đặc biệt nước lọc có khả năng rửa toàn bộ hệ thống, loại bỏ độc tố tích tụ lâu ngày, thúc đẩy quá trình trao đổi chất.
Vì sao không nên thay nước lọc bằng nước ép hoa quả
Phần lớn nước hoa quả đều cung cấp một lượng đường nhất định cho cơ thể. Uống nước hoa quả thay nước lọc hàng ngày sẽ khiến bạn bị béo phì, thậm chí tiểu đường.
Nếu so sánh về khả năng thải độc giữa nước trái cây và nước lọc, thì nước trái cây vị ngọt, chứa nhiều đường, không tinh khiết bằng nước lọc, khả năng thải độc cũng kém hơn hẳn, khi chỉ có thể thải độc tố tích lũy trong cơ thể vài ngày.
Nước lọc có thể sử dụng xuyên suốt cả ngày, trong khi các loại nước ép không được khuyến khích sử dụng vào buổi sáng khi bụng đói hoặc tối trước khi đi ngủ.
Ngoài ra một số loại nước ép trái cây sẽ gây hại cho sức khỏe nếu uống chung với thuốc. Ví dụ như nước ép bưởi có chất làm giảm nồng độ một loại enzyme trong thành ruột non, khiến sự hấp thu thuốc vào cơ thể bị thay đổi.
Uống nước là nhu cầu cần thiết mọi lúc moi nơi, việc uống nước ép thay nước lọc gây mất thời gian khi phải thực hiện việc ép các loại quả. Trường hợp ép nước hoa quả bỏ tủ lạnh để uống dần lại làm cho chất dinh dưỡng trong hoa quả bị thay đổi tuyến tính, giảm bớt tác dụng hoặc có thể gây rối loạn tiêu hoá.
Một số loại nước hoa quả để vài giờ trong tủ lạnh mất chất, thậm chí còn xuất hiện vị đắng, điển hình như nước cam.
Lời khuyên từ các chuyên gia
Dưới góc độc dinh dưỡng, bác sĩ Sơn cho rằng, thay vì dùng nước ép hoa quả người dùng nên ăn trực tiếp. Việc uống nước ép không giúp chúng ta sử dụng đa dạng các loại quả được bằng ăn trực tiếp.
Đặc biệt, khi sử dụng nước ép mọi người cần lưu ý như sau:
Theo báo Tiền Phong, thời điểm lý tưởng nhất để uống nước ép trái cây là giữa 2 bữa ăn hoặc sau khi vận động.
Không dùng nước ép cho trẻ dưới 6 tháng tuổi
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, nước lọc hay nước hoa quả không được khuyến khích cho bé sử dụng. Khi mẹ cho bé uống nước ép trong 6 tháng tuổi, việc làm này còn ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ dinh dưỡng của bé khiến quá trình phát triển tự nhiên của cơ thể bị chậm lại.
Không nên pha nước ép với sữa
Axit tartaric trong nước ép sẽ phản ứng với protein có trong sữa, gây trở ngại cho quá trình hấp thụ của cơ thể, thậm chí còn có thể gây đau bụng với những ai có dạ dày yếu.
Không uống thuốc với nước ép trái cây
Hành động này sẽ gây hại tới sức khỏe chúng ta. Ví dụ như nước ép bưởi có chất làm giảm nồng độ một loại enzyme trong thành ruột non, khiến sự hấp thu thuốc vào cơ thể bị thay đổi. Chính vì vậy khi uống thuốc mà ăn thêm bưởi thì có nguy cơ thuốc xâm nhập nhiều vào máu, tạo ra hiện tượng quá liều
Không hâm nóng nước ép trái cây
Đây là hành động làm mất đi các dưỡng chất có trong nước ép nếu nhiệt độ hâm nóng quá cao. Không những thế trong quá trình hầm nóng một số loại chất còn gây biến đổi có hại cho sức khỏe người uống.
Nguyễn Linh(T/h)