(ĐSPL)- Tại phiên họp báo Chính phủ tối 31/7, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, nguyên nhân tại sao để thiệt hại như trong cơn mưa lũ gần đây ở Quảng Ninh sẽ được cơ quan chức năng làm rõ và rút kinh nghiệm.
Nghiêm khắc xử lý trách nhiệm khiến mưa lũ ở Quảng Ninh thiệt hại nặng nề
Tin tức từ TTXVN, dành thời gian ngay mở đầu phiên họp báo Chính phủ tối qua (31/7), Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ hết sức chia buồn với gia đình có người thân bị chết, mất tích và thiệt hại trong cơn lũ tại Quảng Ninh.
Khẳng định "50 năm mới có cơn lũ như thế," Bộ Trưởng cũng đưa ra con số thống kê thiệt hại về người với 17 người chết, 6 người mất tích và thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng.
Mưa lũ Quảng Ninh làm 17 người chết và thiệt hại 1.500 tỷ đồng. |
Theo Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyên Xuân Phúc đã trực tiếp xuống Quảng Ninh chỉ đạo khắc phục hậu quả trận lũ.
"Trước mắt cần tập trung khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn, còn nguyên nhân tại sao lại để thiệt hại như thế thì cơ quan chức năng có trách nhiệm làm rõ để rút kinh nghiệm," Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói.
Trước đó, từ ngày 23/7, Quảng Ninh đã phải hứng chịu đợt mưa lịch sử, lớn nhất trong gần 50 năm qua diễn ra tại khu vực Bắc Bộ. Theo lãnh đạo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, tổng lượng mưa trung bình cả vùng ven biển Quảng Ninh dao động khoảng 500-800mm, có nơi trên 1.000 mm.
Do mưa quá lớn không kịp trở tay ứng phó
Vnexpress đưa tin, đánh giá nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại nặng, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho rằng "do mưa quá lớn". Đến 28/7, mưa ở Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn tới hơn 800 mm, nước từ các nơi dồn dập đổ về khiến hệ thống thoát nước quá tải. Tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị Quân khu 3 ứng cứu, nhưng thiệt hại về người và tài sản vẫn rất lớn.
"Ngoài lý do mưa lớn, người dân vẫn còn chủ quan. Một số hộ khi được nhắc nhở đã không chịu di dời, thậm chí chống đối. Chính quyền cơ sở chưa quyết liệt trong việc sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm dẫn đến nhà sập, chết người", ông Long nói và cho hay tỉnh đã họp đánh giá lại tình hình và sẽ có biện pháp xử lý. Hiện tại mọi sức lực dồn vào việc giải quyết hậu quả và đón đợt mưa mới.
Người dân Quảng Ninh dọn dẹp đường phố sau lũ lớn. |
Phân tích nguyên nhân thiệt hại của Quảng Ninh, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, đánh giá cường độ và diện bao phủ của đợt mưa tại Quảng Ninh lớn nhất trong 50 năm qua. Mưa kéo dài 10 ngày, chia làm hai đợt, tổng lượng phổ biến 200-300 mm mỗi ngày, cá biệt có những điểm trên dưới 1.000 mm như ở Cô Tô, Móng Cái 899 mm.
"Với lượng mưa lớn như vậy, việc úng ngập nặng ở thành phố ven biển là điều không tránh khỏi", ông Cường nói.
Từ góc độ địa chất, tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Phó viện trưởng Địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên Môi trường) cho rằng Quảng Ninh chưa phải là địa phương có nguy cơ sạt lở đất cao so với vùng núi Tây Bắc như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La… Nhưng mưa kéo dài, lượng mưa lịch sử 50 năm mới gặp khiến cho đất đá bị bão hòa nước, phần đất đá phía trên (phong hóa) bị ngậm nước, dễ dàng sạt lở.
Đặc điểm đất đai yếu, thảm phủ thực vật sơ mỏng khiến quá trình bão hòa lớp đất đá trên bề mặt xảy ra rất nhanh. Với cường độ mưa như hiện tại thì các sườn đồi, sườn dốc đều khó chịu được và có nguy cơ trượt lở. Hiện tại Quảng Ninh xảy ra tình trạng trượt thể hiện dưới dạng dòng bùn đá và chảy với tốc độ chậm. "Dự báo mưa còn kéo dài khoảng một tuần nữa, với vùng có cấu trúc địa chất phức tạp thì những khối trượt lở lớn sẽ được kích hoạt, tình trạng sạt lở có thể xảy ra ở tất cả vùng đồi núi Quảng Ninh", ông Hùng cảnh báo.
Chuyên gia địa chất cũng cho biết, các vùng có nguy cơ cao cần đặc biệt chú ý gồm: rìa thành phố, ven biển như Hạ Long, Cẩm Phả; khu dân cư nằm trên sườn đồi, chân đồi nhìn ra biển có cảnh quan đẹp; khu dân cư nằm dọc cửa suối. Các vùng xung yếu gồm Bình Liêu, Móng Cái, Đông Triều, Cẩm Phả, Hòn Gai, Bãi Cháy... bởi đây là những khu vực khai thác than lớn, có nhiều bãi thải.
"Nơi có mật độ sông suối dày, thảm phủ thực vật mỏng, dân số cao thì đều được đặt trong tình trạng báo động. Chính quyền nên có biện pháp tích cực với người dân ở những khu vực này để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người", tiến sĩ Hùng nói.
Chung quan điểm, tiến sĩ Bùi Minh Tăng, nguyên Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho rằng, những khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh đều nằm ven biển, có cường độ khai thác than lớn. "Mỏ sâu, bãi thải lớn có lực kết dính yếu, mưa xuống gây nên hiện tượng sạt trượt là điều dễ hiểu", ông Tăng nói.
Lý giải về nguyên nhân ngập nặng, vị tiến sĩ cho biết lượng mưa lớn kéo dài là nguyên nhân chủ yếu. Ngoài ra, đất thải nhiều cát, bùn sạt trượt làm tắc hệ thống cống rãnh, sông suối, hạn chế dòng chảy đổ ra biển và việc tiêu thoát nước.
Nhiều năm làm công tác khí tượng, ông Tăng đánh giá mưa cực đoan những ngày qua là hình thế gây thời tiết nguy hiểm thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa từ tháng 5 đến khoảng tháng 10, năm nào cũng xảy ra 1-2 lần. Khác với mọi năm, năm nay rãnh thấp gây mưa nằm trọn ở vịnh Bắc Bộ, chỉ có một phần liếm vào đất liền Quảng Ninh nên mưa đổ xuống địa phương này.
Ông Tăng nhắc lại câu chuyện năm 2008, do ảnh hưởng của bão đổ bộ rồi hình thành vùng thấp trên đất liền Quảng Tây (Trung Quốc) gây ra lũ lịch sử ở sông Kỳ Cùng, làm ngập cả thành phố Lạng Sơn trong 2 ngày. Lúc đó, mưa ở đất liền chỉ 200-500 mm.
Theo chuyên gia này, nguy cơ cần cảnh báo sớm là mưa lớn từ 31/7 trở đi. Khi đó, rãnh thấp sẽ di chuyển vào đất liền, qua vùng đồng bằng, lên trung du và sang vùng Tây Bắc. Diện mưa lớn sẽ bao phủ toàn bộ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, dự báo 200-300 mm, cá biệt có thể lên đến 600 mm.
"Khi đó, tình hình lũ, sạt trượt đất đá có thể bao trùm toàn bộ vùng núi phía Bắc, Tây Bắc chứ không phải sạt mỗi vùng ven biển như Quảng Ninh. Tình thế đó thực sự nguy hiểm", ông Tăng cảnh báo và cho rằng người dân ở các khu vực trên nên chủ động phòng lũ quét. Khi có cảnh báo, chính quyền nên rà soát khu vực để di dân đến nơi an toàn.
Đức An (Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]GVV5EGX1co[/mecloud]