Theo chính quyền địa phương, số người chết vì lũ lụt tàn phá khắp miền Tây nước Đức đã tăng lên 106 người, đẩy tổng số người chết vì lũ lụt ở Tây Âu lên 125 người, khi công tác tìm kiếm hàng trăm người vẫn chưa được hoàn tất, trang Aljazeera đưa tin.
Trong khi lượng mưa lớn ập xuống các vùng của Pháp, Thụy Sĩ, Luxembourg và Hà Lan, các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là miền Tây nước Đức, nơi ít nhất 63 nạn nhân đã được báo cáo ở bang Rhineland-Palatinate và 43 người ở bang North Rhine-Westphalia. Ở Bỉ, số người chết đã tăng lên 23 người.
Có những lo ngại rằng có thể tìm thấy thêm nhiều nạn nhân khi nước rút đi khắp khu vực bị tàn phá, các hoạt động thu dọn và cứu hộ được đẩy mạnh. Gần 900 nhân viên quân đội đã tham gia cứu hộ ở Đức khi khoảng 1.300 người vẫn được thông báo mất tích.
Tuy nhiên, các nhà chức trách cho biết nỗ lực liên lạc với họ có thể bị cản trở do đường xá và kết nối điện thoại bị gián đoạn.
Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Âu (EU) Ursula von der Leyen cho biết cường độ và độ dài của các hiện tượng thời tiết như lũ lụt kinh hoàng ở Tây Âu là một "dấu hiệu rõ ràng" về biến đổi khí hậu nhấn mạnh sự cần thiết phải có "hành động khẩn cấp".
Phát biểu tại Dublin, chính trị gia người Đức Ursula von der Leyen cho biết EU đã kích hoạt các cơ chế để hỗ trợ các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng.
Phát biểu một thông báo, bà Von der Leyen ngày 16/7 (giờ địa phương) cho biết cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng mang lại cơ hội to lớn để thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng các công nghệ sạch hiện đại và chuyển sang một nền kinh tế vòng tròn sử dụng ít năng lượng và chất thải hơn.
Khi nước dâng cao phá vỡ một con đê và các thành phố đầm lầy, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã tuyên bố về một thảm họa quốc gia ở tỉnh Limburg, miền Nam nước này, nằm giữa các khu vực bị ngập lụt nặng ở miền Tây nước Đức và Bỉ.
Các nhà chức trách đang chuẩn bị sơ tán các khu vực lớn của thành phố Venlo vào chiều 15/7, và yêu cầu người dân ở thành phố Meerssen rời khỏi nơi ở của họ.
Bích Thảo(Theo Aljazeera)