(ĐSPL) - Do mưa lớn kéo dài trong những ngày qua, các hồ chứa thủy lợi khu vực miền Trung trung bình đạt từ 80 - 90% dung tích thiết kế, buộc phải xả tràn hàng loạt.
Báo Chính Phủ đưa tin, sáng 2/12 tại trụ sở Bộ NN&PTNT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì hội nghị rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Hội nghị diễn ra ngay trong lúc tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp tại miền Trung, đặc biệt tại 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại hội nghị. Ảnh: Báo Chính Phủ. |
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh tại buổi họp rằng, “đây là hội nghị vừa rút kinh nghiệm, vừa chỉ đạo ứng phó trực tiếp”.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các tỉnh miền Trung cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện để sẵn sàng ứng cứu, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng và tài sản người dân; hỗ trợ kịp thời lương thực, thuốc men, không để bất cứ người dân nào bị đói, thiếu nước sạch; sẵn sàng triển khai các biện pháp khôi phục sản xuất, vệ sinh môi trường ngay khi lũ rút.
Theo báo Dân Việt, do ảnh hưởng của không khí lạnh và hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, từ ngày 30/10 - 7/11, tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa to đến rất to, mưa dịch chuyển dần từ Bắc vào Nam. Một số điểm có lượng mưa lớn như: Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 707mm, Đồng Tâm (Quảng Bình) 1.051mm, Phú Lâm (Phú Yên) 1.022mm, Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) 985mm...
Mưa to đã gây lũ lớn trên trên diện rộng ở các sông Trung Bộ và Tây Nguyên; trong đó các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đăk Lăk đỉnh lũ thượng lưu các sông ở mức trên báo động 3 (BĐ3) khoảng 1m, hạ lưu ở mức từ BĐ2 đến BĐ3, riêng hạ lưu sông Gianh, Kiến Giang (Quảng Bình) và sông Ba (Phú Yên) lên trên BĐ3 từ 0,7-1,5m. Các sông khác khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên ở mức BĐ2.
Theo ông Trần Quang Hoài - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, sau 2 đợt mưa lũ vừa qua, các hồ chứa thủy lợi khu vực miền Trung đã cơ bản đầy nước. Các tỉnh Bắc Trung Bộ trung bình đạt từ 80 - 90% dung tích thiết kế như: Hà Tĩnh (95%), Quảng Bình (95%), Quảng Trị (89%), Thừa Thiên Huế (69%).
Tại các tỉnh Nam Trung Bộ, hồ chứa trung bình đạt từ 75 - 95% dung tích thiết kế. Thời điểm cao nhất có 49 hồ chứa có cửa van khu vực miền Trung đã phải xả tràn. Một số tỉnh xả nhiều hồ chứa như Hà Tĩnh 5/7 hồ, Quảng Bình 6/7 hồ, Phú Yên 3/3 hồ, Khánh Hòa 8/11 hồ, Ninh Thuận 9/11 hồ.
Thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) là một trong những thủy điện xả lũ vì mưa khiến nước đầy hồ chứa. Ảnh: Dân Việt. |
Đối với hồ chứa thủy điện sau 2 đợt mưa lũ, hầu hết các hồ chứa thủy điện lớn khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã đạt 80 - 90% dung tích thiết kế. Thời điểm cao nhất đã có 29 hồ phải xả lũ, một số hồ chứa xả lũ với lưu lượng lớn nhất đạt tới trên 11.000 m3/s (hồ sông Ba Hạ, tỉnh Phú Yên).
Bàn về việc vận hành điều tiết, xả lũ, cũng như thông tin về vận hành xả lũ của một số hồ chứa, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác ứng phó ở hạ du.
Nhiều hồ thiếu thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn khu vực thượng lưu dẫn tới bị động trong vận hành; việc phối hợp với chính quyền địa phương trong đưa thông tin xả lũ đến người dân còn hạn chế, gây thiệt hại.
Là khu vực gần như năm nào cũng chịu thiệt hại do mưa bão, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên cần thực hiện thật tốt công tác chuẩn bị theo phương châm "4 tại chỗ", bởi đây là yếu tố quyết định đến hiệu quả công tác ứng phó, phòng chống mưa bão.
Trước mắt, các địa phương cần tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, nhất là kiểm soát vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên người, vật nuôi; huy động các nguồn lực khôi phục công trình thiết yếu, hỗ trợ nhân dân khôi phục sản xuất sớm ổn định đời sống.
Điều 30 Luật phòng chống thiên tai năm 2013 quy định Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai như sau: "1. Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm: a) Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân; b) Thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục hậu quả; c) Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất; d) Cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường; đ) Thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai; e) Sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng công cộng; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai. 2. Trách nhiệm thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai được quy định như sau: a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai đối với cơ sở hạ tầng, tài sản thuộc phạm vi quản lý; tham gia hỗ trợ hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai theo sự huy động của cơ quan có thẩm quyền; b) Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều này; c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai trong phạm vi quản lý và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu; d) Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm tổng hợp báo cáo đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ từ các địa phương và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và báo cáo Chính phủ về biện pháp và nguồn lực để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai". Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
(Tổng hợp)