Báo VTC News dẫn thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến trưa 4/9, mưa lớn diễn ra tại nhiều địa phương, lượng nước về nhiều, hàng chục hồ thuỷ điện phải xả lũ để đảm bảo an toàn hồ đập.
Cụ thể, các hồ thủy điện phải xả lũ gồm: Sơn La 879 m3/s; Hòa Bình 2.207 m3/s; Lai Châu 1.167 m3/s; Tuyên Quang 634 m3/s; Trung Sơn (Thanh Hoá) 90 m3/s; Sê San 4 (Gia Lai) 100 m3/s; Srêpốk 3 (Đắk Lắk) 692 m3/s; Buôn Kuốp (Đắk Lắk) 563 m3/s; Buôn Tua Srah (Đắk Lắk) 276 m3/s; Hàm Thuận (Bình Thuận) 171 m3/s; Trị An (Đồng Nai) 1.345 m3/s; Thác Mơ (Bình Phước) 294 m3/s...
Các hồ thủy điện có lưu lượng về nhiều, dao động nhẹ so với hôm qua gồm: Hồ Sơn La 1.984 m3/s; hồ Hòa Bình 2.726 m3/s; hồ Thác Bà 188 m3/s; hồ Tuyên Quang 220 m3/s; Lai Châu 810 m3/s, hồ Trung Sơn 170 m3/s, Bản Vẽ (Nghệ An) 170 m3/s, Srêpốk 3 711 m3/s, Buôn Kuốp 563 m3/s, Buôn Tua Srah 277 m3/s, Hàm Thuận 218 m3/s, Trị An 1.560 m3/s...
Các hồ thủy điện lớn còn lại đều có mực nước mức quy định và chủ động vận hành phát điện để sử dụng hiệu quả nguồn nước.
Trước đó, ngày 30/8, Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị số 10/CT-BCT về tăng cường công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
Chỉ thị nêu rõ, từ đầu mùa mưa bão 2023 đến nay, thời tiết cực đoan đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp, mưa lớn kéo dài gây tình trạng lũ quét, sạt lở đất tại nhiều khu vực như Lâm Đồng, Đắk Nông, Yên Bái, Hà Giang... Một số công trình thủy điện đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phải dừng hoạt động để khắc phục sự cố.
Trước tình trạng trên, để đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai những nội dung cấp thiết và phù hợp để tăng cường công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thuỷ điện.
Yêu cầu các chủ hồ chứa điện nghiêm túc thực hiện quy trình vận hành hồ chứa thuỷ điện và quy trình vận hành liên hồ chứa thuỷ điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng của các hạng mục công tình như đập dâng, công trình xả lũ, cửa nhận nước, các bờ vai đập,… các thiết bị cơ khí, thiết bị điện và thiết bị quan trắc chuyên dùng; khắc phục kịp thời các hư hỏng, khiếm khuyết (nếu có) để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Rà soát, bổ sung phương án ứng phó thiên tai cho công trình, hạ du đập và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; tổ chức diễn tập theo phương án được duyệt, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du trong mọi tình huống. Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư, nhu yếu phẩm theo các phương án đã được phê duyệt để sẵn sàng phục vụ ứng phó với các tình huống thiên tai.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thuỷ văn và phối hợp với các cơ quan có liên quan đến vận hành hồ chứa theo đúng quy trình, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du. Chủ động áp dụng cách thức cảnh báo, thông báo đến nhân dân vùng hạ du khi vận hành phát điện và xả lũ. Cung cấp đầy đủ, kịp thời số liệu, thông báo về hồ chứa, vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định.
Thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn đập, hồ chứa thuỷ điện theo Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập và hồ chứa nước và Thông tư số 09/2019/TT-BCT ngày 8/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thuỷ điện.
Vân Anh(T/h)