(ĐSPL)- Mưa lớn kéo tại nhiều nơi ở Sài Gòn mấy ngày qua khiến cho người dân khổ sở đối phó với cảnh nhà ngập, tiệm buôn bán ngập…Để chống ngập, người dân đã phải thức đêm để tát nước ra ngoài.
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua khiến TP.HCM ngập nặng. (Ảnh: Thanh niên) |
“Đã 4 ngày qua tôi thức trắng đêm để tát nước. Nước dâng cao và nhanh nên nhiều giày dép trong tiệm hư hỏng. Cả gia đình phụ thuộc vào tiệm giày, giờ nước ngập thế này ai dám vào mua”, một chủ cửa hàng buôn bán giày dép than thở với báo Thanh niên.
Cùng chung cảnh ngộ, tiệm giày dép kế bên cũng đang ngập ngụa trong nước. Cả đống giày dép lấm lem bùn đất nằm ngổn ngang trước cửa tiệm. “Mấy ngày nay cứ thức trắng đêm vừa tát nước vừa canh giữ đồ đạc. Mỗi tháng thuê mặt bằng ở đây cả chục triệu. Giờ ngập buôn bán không được, giày dép lại hỏng không biết tiền đâu trả mặt bằng cho người ta”, người đàn ông nói như khóc.
Nhiều nơi khác trên địa bàn TP.HCM, người dân cũng khốn khổ mỗi khi mưa lớn. Ở Q.9, Q.Thủ Đức cũng thường xuyên xảy ra cảnh người dân hì hục tát nước khi mưa lớn.
Tương tự, người dân sống ở P.Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức) cũng chịu cảnh lội bì bõm mỗi khi mưa xuống.
Tại khu vực P.16 (Q.8), mỗi khi mưa lớn nước tràn vào nhà dân, len lỏi đến từng con hẻm nhỏ. Trong khi đó, khu vực này có nhiều cơ sở sản xuất vừa và nhỏ nên mỗi khi ngập đã ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất.
Nước tràn vào tiệm buôn bán. (Ảnh Thanh niên) |
Một chủ cơ sở sản xuất giấy, bao bì tại đây cho biết, cơ sở ông phải tạm ngưng hoạt động vì nước và rác thải tràn vào toàn bộ khu sản xuất khiến gần trăm công nhân phải nghỉ việc.
Đến chiều 10/9, khi nước rút, hầu hết các cửa hiệu kinh doanh bên đường An Dương Vương đều thuê xe chở cát, mua xi măng và thuê nhân công để gia cố cửa hiệu lên cao nhằm chống chọi lại với “lũ” nếu xảy ra mưa lớn.
Nước rút người buôn bán mang đồ ra phơi. (Ảnh VietNamNet) |
Trước đó, Vnexpress đưa tin, theo kế hoạch đầu tư các dự án chống ngập giai đoạn 2016-2020 của UBND TP HCM, bên cạnh các giải pháp nạo vét kênh rạch, lắp đặt hệ thống cống bao, xây dựng nhà máy nước thải... thành phố sẽ chi 950 tỷ đồng để xây 3 hồ điều tiết nhằm giải quyết tình trạng ngập ở khu trung tâm.
Lớn nhất là hồ Gò Dưa (quận Thủ Đức) với diện tích 95 ha, vốn đầu tư 600 tỷ đồng; Hồ Khánh Hội (quận 4) rộng 4,8 ha 300 tỷ đồng và hồ Bàu Cát (quận Tân Bình) rộng 0,4 ha với kinh phí 50 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố cũng có kế hoạch mở rộng, gia cố một số hồ cảnh quan trong công viên thành hồ điều tiết nước.
Theo các chuyên gia, giải pháp nâng cao nền đường như hiện nay chỉ là "di chuyển điểm ngập từ nơi này sang nơi khác". Nếu triển khai đồng bộ việc xây các hồ điều tiết thì lượng nước mưa tích trữ sẽ lên đến hàng chục triệu m3, giúp giảm được 30\% tình trạng ngập úng cho thành phố.
Liên quan đến việc chống ngập tại TP HCM, hồi tháng 8 Thủ tướng đã yêu cầu địa phương này phải giải quyết tình trạng ngập úng trong 5 năm tới. Trước hết là tập trung khắc phục ở khu trung tâm để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo TP HCM phải quản lý chặt chẽ quy hoạch xây dựng, bảo vệ và xây dựng các hồ điều hòa, vùng chứa nước; nạo vét, giải tỏa vật cản trên hệ thống kênh rạch để tiêu thoát nước nhanh khi mưa lớn. Đồng thời tăng cường quản lý, hạn chế việc khai thác nước ngầm tránh nguy cơ sụt lún.
Đức An (Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud] IhYq3EaQlw[/mecloud]