(ĐSPL) - Mua nhầm đồ ăn cắp có bị xử lý pháp luật không? Người mua có thể kiện đòi người bán bồi hoàn hay không?
Kính gửi báo Đời sống & Pháp luật!
Tôi có mua 1 điện thoại di động tại cửa hàng bán điện thoại cũ. Khi mua về tôi có rao bán nó trên mạng thì có người đến xem và mua máy với giá 3.900.000VNĐ. Sau đó, người mua đã báo công an rằng đó là điện thoại của họ bị mất trộm. Tôi bị mời về cơ quan công an để điều tra, và tôi đã bị cơ quan công an tịch thu số tiền bán máy cho chính người mất là 3.900.000 VNĐ.
Khi tôi mua điện thoại tại cửa hàng bán điện thoại cũ đó, tôi không hề biết đó là máy mất trộm. Chủ cửa hàng điện thoại cũng đã được mời lên làm việc với cơ quan công an. Chủ cửa hàng cũng khai nhận là máy mua lại của người khác rồi mới bán lại cho tôi.
Vậy cho tôi hỏi: Trong trường hợp của tôi thì tôi có phải chịu trách nhiệm mất số tiền 3.900.000VNĐ hay không? Nếu tôi là người bị mất số tiền đó thì chủ cửa hàng bán cho tôi có phải trả lại số tiền mà tôi đã mua điện thoại ở cửa hàng họ hay không?.
Cơ quan công an có trách nhiệm truy thu số tiền từ chủ cửa hàng đã bán điện thoại cho tôi hay không? Hay là tôi phải chịu mất số tiền nói trên?
Hữu Huân Nguyễn <[email protected]>
Xin được tư vấn cho bạn:
Theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự (BLDS) về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì giao dịch dân sự chỉ có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;
b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
c) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
Ngoài ra điều luật còn quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực trong một số trường hợp nhất định.
Theo Điều 127 BLDS, khi giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 122 nêu trên thì vô hiệu. Theo đó, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu là: “Các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”.
Đối chiếu với các quy định vừa viện dẫn thì việc chủ cửa hàng bán cho bạn chiếc điện thoại là tang vật của một vụ trộm là đã vi phạm điều cấm của pháp luật. Do vậy, việc mua bán đương nhiên bị vô hiệu, và các bên phải trả lại nhau những gì đã trao. Chủ cửa hàng có trách nhiệm trả lại bạn số tiền mà bạn dùng để mua điện thoại.
Như vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trong trường hợp thương lượng không đạt kết quả, bạn có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để đề nghị xét xử, buộc chủ cửa hàng phải hoàn lại tiền cho bạn.
Đối với chủ cửa hàng
Trong trường không biết chiếc điện thoại đó là tang vật của một vụ trộm cắp thì cũng tương tự như trường hợp của bạn, có quyền yêu cầu người bán hoàn trả lại số tiền đã thanh toán.
Còn trường hợp người chủ cửa hàng biết rõ chiếc điện thoại đó là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn mua thì hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khoản 1 Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có như sau: “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Theo đó, hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Trong đó, tài sản do người khác phạm tội mà có được hiểu là tài sản đang được một người chiếm hữu không hợp pháp và tài sản đó là đối tượng của tội phạm mà họ thực hiện trước đó như tội phạm thuộc nhóm tội chiếm đoạt tài sản (trong tình huống này là tội trộm cắp tài theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999) hoặc tội phạm khác.
Hành vi tiêu thụ tài sản được hiểu là những hành vi có tính chất dịch chuyển tài sản từ người có tài sản do phạm tội sang người khác như hành vi mua, tạo điều kiện để bán hoặc để trao đổi tài sản đó. Bên cạnh đó, hành vi phạm tội tiêu thụ tài sản có đặc điểm trên chỉ cấu thành Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có khi không có sự hứa hẹn trước.
Nếu chủ cửa hàng thu mua tài sản do trộm cắp biết rõ tài sản có được là do trộm cắp, đã có sự chào giá, hứa hẹn trước sẽ thu mua tài sản do người trộm cắp có được sau khi thực hiện hành vi trộm cắp là chính xác thì hành vi của người thu mua tài sản này có thể là hành vi đồng phạm với vai trò là người giúp sức trong vụ án trộm cắp tài sản trên với người trộm cắp theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Luật Gia: ĐỒNG XUÂN THUẬN