+Aa-
    Zalo

    Múa cột trong lễ khai giảng: Thái độ khó hiểu của nhà trường!?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trước những xôn xao về clip múa cột phản cảm trong ngày khai giảng, PV báo Đời sống và Pháp luật đã liên hệ với lãnh đạo nhà trường để thông tin đến bạn đọc về kết quả xử lý vụ việc.

    (ĐSPL) - Trước những xôn xao về clip múa cột phản cảm trong ngày khai giảng, PV báo Đời sống và Pháp luật đã liên hệ với lãnh đạo nhà trường để thông tin đến bạn đọc về kết quả xử lý vụ việc. Tuy nhiên, đại diện nhà trường không những không tiếp, mà còn có thái độ né tránh PV.

    Múa cột chào mừng năm học mới?

    Ngay sau khi clip múa cột với những hình ảnh phản cảm trong ngày khai giảng tại phân hiệu trường THPT Lê Thị Hồng Gấm (thuộc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – Hướng nghiệp, quận 3 TP.HCM) phát tán khiến dư luận bàng hoàng, xôn xao bàn tán. Không ít chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa cũng phải ngỡ ngàng, e ngại về việc quản lý, thiếu trách nhiệm của đơn vị để diễn ra tình trạng này. Vụ việc là hồi chuông báo động về những biến tướng trong môi trường giáo dục xuất phát từ công tác quản lý kém chất lượng.

    Xôn xao clip múa cột trong ngày khai giảng năm học 2014:

    Phân hiệu trường THPT Lê Thị Hồng Gấm.

    Đoạn clip múa cột phản cảm dài hơn hai phút được tung lên mạng xã hội ngay sau ngày khai giảng năm học 5/9. Điều đáng nói là trong suốt đoạn clip, nhân vật chính là nam giả gái không ngừng thể hiện động tác uốn người, lắc mông. Nhiều bộ phận cơ thể được phô diễn như: Mông, ngực, đùi. Còn đạo cụ phục vụ cho tiết mục múa cột chủ yếu là cột và ghế. Đông đảo học sinh trong trường nhiệt tình theo dõi, vỗ tay tán dương. Nhiều em còn dùng điện thoại để quay lại tiết mục “sôi động” này.

    Trước những thông tin gây xôn xao dư luận, trả lời báo chí, ông Nguyễn Hữu Khánh, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – Hướng nghiệp cho biết: “Lễ khai giảng của đơn vị được tổ chức tại hội trường. Sau buổi lễ, trường giao cho một trợ lý thanh niên của đơn vị phụ trách chương trình văn nghệ cho học sinh thì dẫn đến vụ việc trên”.

    Nói về sai sót nghiêm trọng trong ngày khai giảng, ông Khánh chia sẻ: “Kịch bản lễ khai giảng đã được chúng tôi duyệt từng tiết mục nên không thể lọt vụ này. Hơn nữa, việc múa cột xảy ra vào buổi trưa, sau buổi lễ khai giảng nên nhà trường không kiểm soát được”.

    Trả lời về nhân vật trong clip múa cột, ông Khánh cho hay: “Người thực hiện chính tiết mục múa cột là cựu học sinh của trường vừa đậu tốt nghiệp. Đến dự buổi lễ khai giảng, có thể cựu học sinh này cao hứng nên múa cột gây phản cảm trong khuôn viên nhà trường. Đây là sự cố đáng tiếc mà nhà trường cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc”.

    Trao đổi về công tác xử lý sau vụ việc không hay diễn ra, ông Khánh cho biết: “Nhà trường đã làm việc với giám thị và trợ lý thanh niên. Riêng nhân vật liên quan đến tiết mục múa cột sẽ được mời lên làm việc rồi mới đưa ra hướng giải quyết cuối cùng”.

    Để tìm hiểu thêm vụ việc, chiều 8/9, PV có mặt tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – Hướng nghiệp. Tại đây, khi PV vừa dừng chân trước cổng, thì không chỉ nhân viên bảo vệ mà một số cán bộ trong trường cũng chạy lại dò hỏi. Sau khi kiểm tra giấy tờ tác nghiệp, nhân viên bảo vệ cho biết, ông Khánh hiện đang bận nên đề nghị PV liên hệ sau để lấy thông tin. Tuy nhiên, để chắc chắn hơn, PV đề nghị nhân viên bảo vệ cho vào trong đặt lịch hẹn chính thức với lãnh đạo nhà trường.

    Tại đây, một Phó hiệu trưởng cho biết: “PV phải liên hệ trực tiếp với thầy Khánh để biết kết quả xử lý”. Khi PV đang đi tìm phòng làm việc của thầy Khánh, thì một thầy trong phòng giám thị cho biết, thầy Khánh đang có cuộc họp hội đồng để đưa ra hướng xử lý. Chính vì vậy, thầy giám thị hướng dẫn PV ngồi trên băng ghế trong khuôn viên trường chờ.

    Xôn xao clip múa cột trong ngày khai giảng năm học 2014:

    Hình ảnh múa cột bị tung lên mạng.

    Thái độ khó hiểu của đại diện nhà trường

    Theo sự hướng dẫn của thầy giám thị nói trên, PV tiếp tục ngồi đợi ở băng ghế đá với hy vọng gặp được ông Khánh để biết được kết quả xử lý. Thế nhưng, PV ngồi ở đây chưa được bao lâu thì một người đàn ông có thân hình cao to, ăn mặc lịch sự tiến lại hỏi: “Cô ở báo nào đến đây?”.

    Sau khi kiểm tra giấy tờ tác nghiệp của PV, người đàn ông này cho biết: “Thông tin về vụ việc, lãnh đạo nhà trường đã trả lời rất cụ thể trên báo trước đó. Còn về kết quả xử lý thì hiện tại chưa thể trả lời”. Ngay sau đó, người đàn ông này thẳng thắn: “Ban giám hiệu có dặn là những PV tới đây làm việc nếu được ban giám hiệu nhà trường mời đến thì làm việc. Còn PV không được mời thì mời về, ban giám hiệu không có gì phải làm việc cả. Kiểm tra giấy tờ của cô, tôi thấy cô không được mời tới”.

    Quá bức xúc về thái độ cư xử của người đàn ông này, PV đứng dậy và nói: “Như vậy, theo lời của thầy thì ở trường này, những PV được mời mới được làm việc, còn không được mời thì không được phép làm việc với nhà trường, đúng không, thưa thầy?”. Khi PV hỏi danh tính và chức vụ, vị này cho biết: “Em không cần biết tôi là ai, làm việc ở phòng nào cả. Tôi là người của trường thôi”.

    Trước thái độ của cán bộ phận Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – Hướng nghiệp nói trên, PV thẳng thắn nói: “Em xin lỗi thầy, thầy làm chúng tôi quá thất vọng. Bởi lẽ, thứ nhất thầy là người lớn tuổi hơn em rất nhiều; thứ hai, thầy đang làm việc trong một môi trường giáo dục, vậy tại sao thầy lại có cách ứng xử như thế với PV. Chúng tôi đến đây có giấy tờ tác nghiệp đàng hoàng và đã có cán bộ trong trường cho phép ngồi đợi”. Thấy PV làm căng lên, vị đại diện này lên tiếng: “Bạn tôi cũng làm PV, chứ không phải chỉ có một mình cô làm PV đâu”.

    Trước những câu trả lời gai góc của PV, vị cán bộ này hạ giọng: “Đây là nguyên văn của ban giám hiệu nhà trường: Nếu PV có tới làm việc thì kiểm tra xem ban giám hiệu có hẹn trước không để tiếp PV đó. Còn hiện chưa có kết quả xử lý cuối cùng. Nãy giờ, trong quá trình trao đổi, tôi có nói điều gì không vừa lòng thì tôi xin lỗi cô”.

    Ngụy biện, không dám đối diện với sai lầm

    Đánh giá về vụ việc xảy ra tại phân hiệu trường THPT Lê Thị Hồng Gấm, PGS.TS Phan An, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ chia sẻ: “Vụ việc xảy ra đã thể hiện sự yếu kém trong công tác quản lý của nhà trường. Không thể chấp nhận được hành vi múa cột phản cảm, phản văn hóa xuất hiện trong môi trường học đường như thế. Bởi môi trường học đường là nơi có văn hóa nhất.

    Đặc biệt, với ngày khai giảng năm học mới thì cần phải có sự trang nghiêm và đáng được trân trọng. Do đó, việc múa cột phản cảm trong ngày khai giảng đã khiến dư luận đối diện với một cú sốc nặng, ảnh hưởng đến tâm lý, nhận thức của học sinh. Để dẫn đến việc làm này, trách nhiệm trước hết thuộc về lãnh đạo nhà trường. Ban giám hiệu phải dũng cảm đối diện với những sai sót và sự yếu kém của mình chứ không thể ngụy biện trả lời rằng do không biết. Bởi anh là người trực tiếp quản lý thì phải nắm được mọi hoạt động diễn ra trong trường”.

    Trợ lý thanh niên của trường chịu hình thức kỷ luật ở mức khiển trách

    Theo thông tin báo Đời sống và Pháp luật nhận được, sau sự cố cựu học sinh múa cột trong lễ khai giảng, ban Giám hiệu nhà trường đã tổ chức hai cuộc họp và đưa ra quyết định xử lý cuối cùng vào cuối giờ chiều ngày 8/9.

    Theo đó, người chịu trách nhiệm chính là ông M. - trợ lý thanh niên của trường sẽ chịu hình thức xử lý kỷ luật ở mức khiển trách. Riêng đối với nam thanh niên có màn biểu diễn giả gái gây phản cảm, nhà trường không thể đưa ra hình thức xử lý được vì không còn là học sinh của trường.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mua-cot-trong-le-khai-giang-thai-do-kho-hieu-cua-nha-truong-a50255.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.