+Aa-
    Zalo

    Mua biệt thự cho người yêu đứng tên: Chàng Việt kiều mất tất cả?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chuẩn bị cho tổ ấm trong tương lai, chàng Việt kiều Pháp đã mua căn biệt thự đắt tiền rồi để cho người yêu đứng tên.

    Chuẩn bị cho tổ ấm trong tương lai, chàng Việt kiều Pháp đã mua căn biệt thự đắt tiền rồi để cho người yêu đứng tên. Ai dè, khi chàng về Pháp có công chuyện thì nàng đã “đá bay” mối tình cũ để lấy người khác và sử dụng chính căn biệt thự này. Đau đớn vì mất cả chì lẫn chài, chàng Việt kiều phải làm cách nào để lấy lại tài sản khi toàn bộ giấy tờ sở hữu hợp pháp đối với ngôi nhà đều không đứng tên mình?

    Đặt niềm tin không đúng chỗ

    Năm 1976, khi chưa đầy 10 tuổi, Nguyễn Tiến Dũng đã theo gia đình sang Pháp định cư. Sau hơn hai chục năm sinh sống bên trời Tây, đến năm 1997, anh đại diện cho một công ty tại Pháp trở về Việt Nam để ký kết hợp đồng kinh tế với đối tác trong nước. Xa quê lâu ngày, chàng Việt kiều Pháp như bị thôi miên bởi những phong cảnh trữ tình và đẹp như tranh vẽ của Hà Nội khi thời tiết vào thu.

    Không chỉ là phong cảnh, ngay cả những tà áo dài thướt tha của các thiếu nữ Hà thành cũng khiến anh mất ăn mất ngủ, và rồi anh như bị hút hồn bởi tà áo dài màu ngọc bích mà Minh Ánh- một nữ nhân viên văn phòng của công ty đối tác - thường hay mặc. Những lúc rảnh rỗi, cũng chính Minh Ánh là người thường xuyên đưa anh đi dạo phố, thưởng thức những món ăn mang hương vị đặc trưng của Hà Nội và gần như cô trở thành “hướng dẫn viên bất đắc dĩ” nhưng đầy tín nhiệm cuả Tiến Dũng.

    Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, các cụ vẫn thường bảo vậy. Chỉ chừng nửa năm trở về nước làm ăn, Tiến Dũng đã thổ lộ với Minh Ánh rằng anh không thể sống thiếu cô.

    Để chuẩn bị cho tương lai sau này, anh đã mua một căn biệt thự rộng rãi và thoáng mát với dự định sẽ làm tổ ấm khi hai người kết hôn. Tuy nhiên, thời điểm đó pháp luật chưa cho phép những Việt kiều như anh được mua nhà ở Việt Nam. “Trước sau gì thì cô ấy cũng là vợ của mình, tài sản của ai cũng là để phục vụ cho cuộc sống chung”- nghĩ vậy Tiến Dũng đã để người yêu đứng tên trên giấy tờ pháp lý của căn nhà.

    Ảnh minh họa.

    Sau khi mua nhà, anh và Minh Ánh đã dọn về đây chung sống những tháng ngày hạnh phúc. Nhưng do chưa chính thức là vợ chồng nên một số bạn bè đã khuyên anh nên lập thêm bản viết tay có nội dung anh là người mua nhà và trả tiền nhà, còn Minh Ánh chỉ là người đứng tên hộ, bản viết tay này phải có chữ ký của ba bên: người bán nhà, anh và Minh Ánh. Khi nghe anh ngỏ lời thăm dò, Minh Ánh cũng không phản đối và cô nhất trí ký vào tờ giấy này.

    Vì công việc kinh doanh bận rộn và phải xử lý nhiều tính huống phát sinh ngoài dự kiến nên nên Tiến Dũng đi lại giữa hai nước như con thoi. Trước khi trở về Pháp khoảng hai tháng để giải quyết nốt công chuyện, anh và Minh Ánh đã lên kế hoạch sẽ tổ chức một đám cưới sang trọng vào dịp cuối năm- khi anh quay trở lại Việt Nam.

    Trước khi đi, anh đã bàn giao toàn bộ giấy tờ nhà cũng như chìa khóa cho Minh Ánh bảo quản và sử dụng. Nhưng rồi Tiến Dũng đã không bay về Hà Nội đúng hẹn, lý do là mẹ anh ốm nặng phải điều trị lâu dài tại bệnh viện, chị gái anh lại theo chồng sinh sống quá xa, nhà chỉ còn lại anh là có thể đảm đương việc chăm sóc bệnh tật tại bệnh viện cho mẹ trong lúc này. Ba tháng, rồi nửa năm trôi qua, anh vẫn chưa thể thu xếp công chuyện để bay sang Việt Nam với Minh Ánh như đã hứa. Tuy vậy, hàng ngày anh vẫn không quên gọi điện cho người yêu động viên và không quên nhắc nhở cô về đám cưới trong dự định.

    Trắng tay sau một năm xa cách

    Về phần Minh Ánh, sau gần một năm “xa mặt cách lòng”, cô đã dần quên bóng hình của chàng Việt kiều đã thề non hẹn biển và hướng trái tim đến một người đàn ông khác- đó là trưởng phòng mới của cô. Với vẻ ngoài hào hoa, ga lăng, vị sếp mới này đã khiến bao trái tim của các cô gái cùng cơ quan thổn thức và anh ta cũng quá sành sỏi để có thể bắt được tín hiệu từ Minh Ánh. Tuy nhiên, giữa bao nhiêu bóng hồng vây quanh thì với anh ta, Minh Ánh không có ấn tượng gì đặc biệt.

    Biết mình khó có thể chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này nên Minh Anh đã giở chiêu bài “độc vị”, cô khoe với người trong mộng của mình rằng hiện cô đang sở hữu một căn biệt thự siêu sang trên con phố đẹp nhất nhì thủ đô và đây là của hồi môn của bố mẹ cho trước khi lấy chồng. Tưởng thật, người đàn ông kia đã tự động lăn vào vòng tay của cô nhân viên dưới quyền.

    Mối tình của họ diễn ra chóng vánh, chỉ vài tháng thì đám cưới linh đình đã diễn ra. Họ quyết định chọn căn biệt thự này làm tổ ấm và từ đây, trên giấy tờ họ nghiễm nhiên trở thành ông bà chủ của căn biệt thự hai tầng khang trạng và hiện đại mà Tiến Dũng đã rất vất vả mới mua được.
    Sau hơn một năm nằm viện, bệnh tình của mẹ Tiến Dũng đã bình phục hoàn toàn. Lúc này anh mới có thể thảnh thơi quay trở lại Việt Nam để thực hiện lời hứa với người yêu. Nhưng rồi sự thật bẽ bàng đã hiện ra trước mắt anh khi gặp lại tình yêu cũ.

    Sau những giây phút than thân trách phận vì tình đời bạc bẽo, anh đã có buổi nói chuyện nghiêm túc với người xưa để đòi lại căn nhà. Trớ trêu thay, cả Minh Ánh và chồng của cô đã phủ nhận tất cả, họ cho rằng anh hoàn toàn không có quyền gì đối với ngôi biệt thự này bởi ngay từ khi được mua, quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở đã đứng tên Minh Ánh. Chiếu theo các quy định của pháp luật hiện hành thì cơ quan chức năng chỉ bảo vệ quyền lợi cho vợ chồng họ, thậm chí trong những lúc căng thẳng, họ còn lớn tiếng thách thức và đe dọa anh.

    Đúng là tình ngay lý gian. Để đòi lại ngôi nhà, Tiến Dũng không có bất kỳ giấy tờ hợp pháp nào thể hiện anh mới là chủ sở hữu đích thực để làm bằng chứng. Nhưng chẳng lẽ pháp luật bó tay với những con người mưu đồ lật lọng như cặp vợ chồng như Minh Ánh. Anh phải làm gì để có thể đòi lại ngôi nhà hợp pháp của mình?

    Luật gia Hồng Hạnh, Tòa Dân sự- Tòa án nhân dân tối cao:

    Anh Dũng có cơ sở khởi kiện để đòi lại nhà

    Theo quy định tại Điều 256 Bộ luật dân sự năm 2005 thì: Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người đang chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc thuộc quyền chiếm hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản đó, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này.

    Đồng thời, tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này cũng quy định: Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu của tài sản đó kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu.

    Căn cứ vào các quy định trên, trường hợp của Tiến Dũng mua nhà nhưng để cho người yêu đứng tên, tuy nhiên Tiến Dũng có bản viết tay có chữ ký của người bán và cả Minh Ánh chứng minh anh là người mua căn biệt thự trên, trong trường hợp này Minh Ánh chỉ là người đứng tên hộ nên anh có quyền khởi kiện yêu cầu cô Ánh trả lại nhà.

    Khi khởi kiện, anh cần xuất trình các tài liệu, giấy tờ chứng minh anh là chủ sở hữu của căn biệt thự đó, chẳng hạn hợp đồng đặt cọc, giấy biên nhận tiền, văn bản viết tay có nội dung anh là người mua nhà, trả tiền và Minh Ánh chỉ là người đứng tên hộ có xác nhận của người bán, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (nếu có) để Tòa án có cơ sở thụ lý, giải quyết. Trên cơ sở căn cứ các tài liệu chứng cứ ban đầu và tài liệu do các bên cung cấp, lời khai của các bên đương sự, lời khai của người bán nhà trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án sẽ tiến hành đánh giá chứng cứ để đưa ra một quyết định chính xác.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mua-biet-thu-cho-nguoi-yeu-dung-ten-chang-viet-kieu-mat-tat-ca-a53525.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan