+Aa-
    Zalo

    Mua bán trẻ chùa Bồ Đề: Hai bảo mẫu phải đối mặt với mức án nào?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – “Hành vi mua bán trẻ em của Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt có thể bị phạt tù theo khoản 2 Điều 120 Bộ luật Hình sự".

    (ĐSPL) – “Hành vi mua bán trẻ em của Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt có thể bị phạt tù theo khoản 2 Điều 120 Bộ luật Hình sự với mức phạt từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân”.

    Đây là nhận định của Luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh về mức án mà 2 bảo mẫu Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978) và Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, quê quán tại xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) có thể phải đối mặt về hành vi mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề gây chấn động dư luận vào ngày 3/8 vừa qua.

    Mua bán trẻ chùa Bồ Đề: Hai bảo mẫu phải đối mặt với mức án nào?

    Đối tượng Phạm Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Thanh Trang.

    Điều tra về bé Cù Nguyên Công sẽ làm thay đổi mức án của các bảo mẫu

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, Luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng: "Trước mắt Cơ quan Công an mới chỉ xác định được hai đối tượng Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt có hành vi mua bán một bé trai tên Cù Nguyên Công.

    Tuy nhiên có thông tin cho rằng bé Công đã chết hoặc đã bị bán ra nước ngoài. Nếu bé Công bị bán ra nước ngoài thì hành vi của Trang và Nguyệt tương ứng với điểm e khoản 2 Điều 120 Bộ luật Hình sự (BLHS), còn nếu bé Công không còn sống nữa thì hành vi đó tương ứng với điểm k khoản 2 Điều 120 BLHS".

    Mua bán trẻ chùa Bồ Đề: Hai bảo mẫu phải đối mặt với mức án nào?

    Bé Cù Nguyên Công.

    Theo đó, Điều 120. Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em quy định như sau:

    "1. Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

    a) Có tổ chức;
    b) Có tính chất chuyên nghiệp;
    c) Vì động cơ đê hèn;
    d) Đối với nhiều trẻ em;
    đ) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
    e) Để đưa ra nước ngoài;
    g) Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo;
    h) Để sử dụng vào mục đích mại dâm;
    i) Tái phạm nguy hiểm;
    k) Gây hậu quả nghiêm trọng.

    3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm hoặc phạt quản chế từ một năm đến năm năm".

    Thêm vào đó, Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 23/7/2013 cũng quy định về tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại điểm k khoản 2 Điều 120 của Bộ luật hình sự là một trong các trường hợp sau đây:

    "a) Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dẫn đến việc nạn nhân bị chết (nạn nhân uất ức mà tự sát; nạn nhân bị ốm, bị bệnh tật hoặc không được chăm sóc chu đáo nên đã chết);

    b) Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dẫn đến việc nạn nhân bị mắc các bệnh truyền nhiễm, nan y như: AIDS, giang mai v.v…;

    c) Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dẫn đến hậu quả là không xác định được nạn nhân đang ở đâu tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm;

    d) Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dẫn đến việc thân nhân của nạn nhân tuyệt vọng, đau buồn mà chết hoặc tự sát hoặc bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe."

    "Như vậy, hành vi mua bán trẻ em của Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt có thể bị phạt tù theo khoản 2 Điều 120 BLHS với mức phạt từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân", Luật sư Giang Hồng Thanh nêu rõ.

    Chùa Bồ Đề và UBND phường Bồ Đề phải chịu trách nhiệm liên đới

    Đánh giá về trách nhiệm của chùa Bồ Đề cũng như UBND huyện Bồ Đề trong sự việc này, Luật sư Thanh cho rằng, việc CQĐT xác minh mối liên quan giữa một số cá nhân trong chùa, trong đó có sư trụ trì Thích Đàm Lan, với hai đối tượng đã bị khởi tố về hành vi mua bán trẻ em là vô cùng quan trọng.

    Bởi nếu CQĐT xác định được việc họ biết hoặc tạo điều kiện để hai đối tượng Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt thực hiện việc mua bán trẻ em, khi đó họ sẽ bị xử lý hình sự về tội danh tương tự như hai đối tượng này.

    Đối với chính quyền địa phương, ở đây là UBND phường Bồ Đề chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước đối với lĩnh vực nuôi con nuôi.

    Mua bán trẻ chùa Bồ Đề: Hai bảo mẫu phải đối mặt với mức án nào?

    Luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh.

    Điều 15 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định rõ: "Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi có trách nhiệm tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ em; nếu có người nhận trẻ em làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật; nếu không có người nhận trẻ em làm con nuôi thì lập hồ sơ đưa trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng".

    Thêm vào đó, theo quy định tại Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 (sửa đổi bổ sung ngày 8/10/2012), chỉ có các cơ sở bảo trợ xã hội mới được tiếp nhận trẻ em bị bỏ rơi. Chùa Bồ Đề không phải là cơ sở bảo trợ xã hội.

    "Tuy nhiên có một thực tế là hiện nay chùa Bồ Đề nói riêng hoặc các cơ sở thiện nguyện nói chung đã và đang tiếp nhận nhiều trẻ bị bỏ rơi, không nơi nương tựa để nuôi nấng, chăm sóc, dạy dỗ. Cá nhân tôi cho rằng đó là những việc làm tốt đẹp, rất đáng trân trọng. Chỉ có điều nếu không có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương thì đó lại là nơi dễ phát sinh những hành vi vi phạm pháp luật mà vụ việc đã xảy ra tại chùa Bồ Đề là một ví dụ điển hình.

    Như vậy trong trường hợp này, lẽ ra UBND phường Bồ Đề phải đưa trẻ em đang được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề vào các cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật", Luật sư Thanh đánh giá. 

    Vụ việc xảy ra tại chùa Bồ Đề đã tạo ra một làn sóng các trạng thái tâm lý trong toàn xã hội.

    Đầu tiên người ta cảm thấy bức xúc, phẫn nộ đối với hành vi mua bán trẻ em xảy ra ngay tại nơi mà họ luôn đặt sự tin tưởng tuyệt đối về sự an lành.

    Tiếp theo, người ta thấy hoang mang, lo lắng cho những em bé còn đang được nuôi dưỡng ở trong chùa và cho cả những em bé có khả năng đã rơi vào tình trạng như bé Cù Nguyên Công.

    Cuối cùng là sự mất niềm tin đối với nơi đã mang lại cho người ta đức tin (là nhà chùa), và đối với cả nơi thực hiện chức năng quản lý giám sát các hoạt động xảy ra trên địa bàn (là chính quyền địa phương).

    Tất nhiên, những gì đã xảy ra tại chùa Bồ Đề không phải là hiện tượng phổ biến trong toàn xã hội, và cũng không phải tất cả những nhà tu hành, sinh sống trong chùa Bồ Đề đều liên quan đến sự việc đó. Tuy nhiên, một sự nghi ngờ đã lan tỏa mạnh mẽ đối với các hoạt động mang tính thiện nguyện như vậy không phải là không có căn cứ.

    Rồi đây sẽ có người phải chịu những hình phạt thích đáng đối với hành vi vi phạm pháp luật của mình. Nhưng như thế là chưa đủ để lấy lại niềm tin của người dân, chừng nào người ta chưa thấy được sự vào cuộc quyết liệt, liên tục của các cơ quan, ban ngành nhằm ngăn chặn những hành vi tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

    Luật sư Giang Hồng Thanh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mua-ban-tre-chua-bo-de-hai-bao-mau-phai-doi-mat-voi-muc-an-nao-a45468.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Sắp có kết luận thanh tra chùa Bồ Đề

    Sắp có kết luận thanh tra chùa Bồ Đề

    (ĐSPL)- Theo kế hoạch, trong đầu tuần tới, UBND quận Long Biên sẽ có kết luận thanh tra toàn diện về chùa Bồ Đề- nơi liên quan đến nghi án mua bán trẻ em rúng động dư luận.