Tạp chí BMJ Global Health công bố bài phân tích nghiên cứu và được xuất bản bằng tiếng Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha. Nghiên cứu diễn ra trong hai thập kỷ với 19.000 người tham gia từ độ tuổi 12 – 34 đã phát hiện ra rằng 24% thanh niên có thói quen không an toàn khi sử dụng tai nghe với các thiết bị thông minh, 48% thanh niên được phát hiện đã tiếp xúc với mức độ tiếng ồn không an toàn tại các địa điểm giải trí như câu lạc bộ, các buổi hòa nhạc.
Theo nghiên cứu, các hành vi không an toàn được theo dõi dựa trên việc sử dụng tai nghe cũng như tham dự các địa điểm giải trí, chẳng hạn như các buổi hòa nhạc, quán bar và câu lạc bộ.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, khi tải xuống các tệp âm thanh MP3, người nghe thường chọn âm lượng cao tới 105 decibel và khi đi các địa điểm vui chơi, họ thường chọn các môi trường nằm trong khoảng từ 104 đến 112 decibel.
Tiến sĩ Lauren Dillard, nhà thính học tại Đại học Y khoa Nam Carolina và là tác giả đầu tiên của nghiên cứu, cho biết: “Một số người trẻ tuổi có thể gặp rủi ro từ cả hai yếu tố, cách tốt nhất để mọi người có thể giảm bớt nguy cơ mất thính giác do đeo tai nghe là giảm âm lượng và nghe trong thời gian ngắn hơn. Nhưng tôi thấy đa phần giới trẻ ngày nay đều thích âm nhạc lớn, nhưng đó không phải là cách hay cho sức khỏe lâu dài của bạn".
Nghiên cứu ước tính rằng có khoảng 670.000 đến 1,35 tỷ thanh niên có nguy cơ mất thính lực trong tương lai.
Trong môi trường ồn ào, dùng tai nghe khử tiếng ồn cũng có thể giúp át đi tất cả tiếng ồn xung quanh. Đồng thời, nghiên cứu cũng khuyến cáo mọi người nên cài đặt các ứng dụng trên điện thoại thông minh để theo dõi âm thanh.
Sau 67 tuổi, những hành vi và sự tiếp xúc này có thể kết hợp lại trong cuộc đời và nó sẽ có tác động khá lớn đến sức khỏe thính giác. Mất thính lực cũng dẫn đến nguy cơ tử vong cao, làm giảm sút trí tuệ.
Tiến sĩ Lauren Dillard kêu gọi các chính phủ hãy tuân thủ các hướng dẫn của WHO về nghe an toàn, bao gồm đảm bảo các điểm tổ chức âm nhạc cầm được giám sát mức độ âm thanh. Bên cạnh đó, các công ty sản xuất thiết bị điện thoại cũng cần có chế độ cảnh báo người nghe khi âm lượng quá lớn và trang bị khóa dành cho phụ huynh để hạn chế trẻ em tiếp xúc.
Theo WHO, hơn 430 triệu người (hơn 5% dân số thế giới) hiện đang bị mất thính giác, ước tính con số này sẽ tăng lên 700 triệu vào năm 2050.
Trần Ngọc (T/h)