Ngày 5/9 (giờ địa phương), bà Liz Truss đã được tuyên bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử đảng Bảo thủ sau khi người tiền nhiệm của bà, cựu Thủ tướng Boris Johnson từ chức vì loạt bê bối. Bà Truss sau đó cũng đã chính thức được bổ nhiệm làm thủ tướng Anh.
Bà nhậm chức trong thời điểm nước Anh đang đối mặt với loạt thách thức về kinh tế, bao gồm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng suy yếu. Bà Truss, người từng giữ chức Ngoại trưởng Anh dưới thời ông Boris Johnson, cũng vấp phải các vấn đề đối ngoại trong bối cảnh Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách thủ tướng trước số 10 số Downing, bà Truss đã nói với đất nước rằng cùng nhau, họ có thể "vượt qua cơn bão". Bà cho biết ưu tiên của bà sẽ là việc giải quyết vấn đề giá năng lượng cao, cải thiện an ninh năng lượng của Vương quốc Anh và cải thiện dịch vụ chăm sóc y tế.
Hai ngày sau khi bà Truss chính thức trở thành thủ tướng, Nữ hoàng Anh Elizabeth II băng hà. Cả Vương quốc Anh thời gian ấy đã tổ chức quốc tang để tưởng nhớ vị nữ hoàng quá cố. Bà Truss đã ca ngợi Nữ hoàng Elizabeth II là "biểu tượng của sự ổn định" khi dẫn dắt đất nước vượt qua các cuộc khủng hoảng, sự kiện đau buồn, bê bối chính trị, đại dịch và suy thoái.
Bà Truss khi ấy nói: "Nữ hoàng Elizabeth II là tảng đả, trên đó nước Anh hiện đại được dựng nên. Đất nước của chúng ta đã phát triển và vươn lên mạnh mẽ dưới triều đại của bà".
Quốc tang Nữ hoàng Elizabeth II đã cho bà Truss cơ hội để nghỉ sau chiến dịch chạy đua giành vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ vốn đã kéo dài cả mùa hè vừa qua. Thời điểm này cũng được kỳ vọng sẽ truyền cảm hứng cho một cách tiếp cận mới, thống nhất đối với tranh luận chính trị, bất kể chính trị cá nhân của mọi người.
Tuy nhiên, sóng gió đã nhanh chóng kéo đến với nhiệm kỳ thủ tướng của bà Truss. Trong động thái lớn đầu tiên, ngày 23/9, người đồng minh và người bạn thân thiết của bà Truss trên chính trường, ông Kwasi Kwarteng, đã tiết lộ một kế hoạch sâu rộng nhằm đưa đất nước ra khỏi suy thoái, bao gồm một loạt các khoản cắt giảm thuế được tài trợ bởi khoản vay của chính phủ.
CNN ví kế hoạch này như một "canh bạc", đây là khoản cắt giảm thuế lớn nhất trong 50 năm qua ở Anh, nhưng lại không có kế hoạch cụ thể về cách thực hiện các khoản thanh toán. Thông thường, các báo cáo tài chính lớn ở Vương quốc Anh đều được Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách kiểm toán một cách độc lập. Nhưng ông Kwarteng, khi ấy là Bộ trưởng Tài chính, nói rằng không có thời gian cho một cuộc kiểm toán như vậy. Động thái trên đã "gây sốc" thị trường tài chính và khiến đồng bảng Anh lao dốc.
Trong một cuộc phỏng vấn sau đó với CNN, bà Truss đã lên tiếng bảo vệ chính sách thuế gây tranh cãi trên. Theo nữ thủ tướng, bằng việc cắt giảm thuế, chính phủ của bà đang "khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và giúp đỡ người dân bình thường về các khoản thuế".
Tuy nhiên, động thái trên lại nhanh chóng bộc lộ mặt trái, giá trái phiếu sau đó sụp đổ, khiến chi phí đi vay tăng vọt, gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường thế chấp và đẩy các quỹ hưu trí đến bờ vực mất khả năng thanh toán.
Tình hình kinh tế bất ổn và viễn cảnh lãi suất thế chấp cao hơn đã buộc Thủ tướng Truss phải đảo ngược phần lớn kế hoạch tài chính của mình.
Sau khi từ bỏ kế hoạch cắt giảm thuế, ngày 14/10, bà Truss tiếp tục gây tranh cãi khi sa thải Bộ trưởng Tài chính Kwarteng. Đây được cho là nỗ lực của bà nhằm giữ chiếc ghế thủ tướng. Bà Truss khẳng định: "Trước những vấn đề mà chúng tôi gặp phải, tôi đã hành động một cách quyết đoán để đảm bảo rằng chúng tôi có sự ổn định kinh tế".
Trên trang Twitter cá nhân, ông Kwarteng cho biết ông đã đồng ý từ chức theo đề nghị của bà Truss.
Sau khi sa thải ông Kwarteng, ngày 17/10 bà Truss đã bổ nhiệm ông Jeremy Hunt lên làm Bộ trưởng Tài chính thứ 4 của Anh chỉ trong 3 tháng.
Chỉ 3 ngày sau khi được bổ nhiệm, ông Jeremy Hunt đã đảo ngược các chính sách kinh tế của bà Truss. Ông Hunt cho biết sẽ hủy bỏ "gần như tất cả" các biện pháp thuế mà người tiền nhiệm của mình đã công bố trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng và khôi phục uy tín chính phủ.
Đề xuất cắt giảm thuế suất thuế thu nhập cơ bản từ tháng 4/2023 bị hoãn lại "vô thời hạn". Mặc dù chính phủ cho biết họ sẽ vẫn đảm bảo giá năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong suốt mùa đông nhưng họ không cam kết sẽ tiếp tục giới hạn giá khi mùa xuân tới.
Các động thái này dẫn đến việc cắt đứt "kế hoạch tăng trưởng" hàng đầu của bà Truss và khiến bà rơi vào tình thế "nguy hiểm" về chính trị.
Tới ngày 19/10, Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman tuyên bố từ chức. Trong bức thư, bà Braverman cho biết bà đã gửi một tài liệu chính thức - bản dự thảo tuyên bố cấp bộ trưởng bằng văn bản - từ email cá nhân cho một đồng nghiệp trong quốc hội để nhận được sự ủng hộ cho chính sách của bà. Cựu Bộ trưởng Nội vụ Anh cho biết, điều này "cấu thành một hành vi vi phạm kỹ thuật đối với các quy tắc". Tuy nhiên, bà cũng đã đưa ra lời chỉ trích với khả năng lãnh đạo của bà Truss.
Cuối cùng ngày 20/10, sau 6 tuẫn hỗn loạn ở phố Downing, bà Liz Truss đã tuyên bố từ chức. Trong bài phát biểu từ chức, bà Truss nói: "Tôi nhận ra rằng tôi đã không hoàn thành nhiệm vụ được giao khi trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ".
Bà Truss cho biết bầ đã gửi đơn từ chức lên Vua Charles III và cuộc bầu cử lãnh đạo sẽ diễn ra trong vòng một tuần. Bà sẽ tiếp tục giữ chức thủ tướng Vương quốc Anh cho đến khi người kế nhiệm được chọn.
Minh Hạnh(Theo CNN)