(ĐS&PL) Nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng không khí tốt hơn cho người dân, thời gian qua thành phố Hà Nội đã và đang tập trung vào xây dựng giải pháp nhằm nâng cao chất lượng không khí và thực hiện việc xanh hóa môi trường.
Năm 2017, Sở Tài Nguyên và Môi trường thành phố được giao tiếp nhận và quản lý 10 Trạm quan trắc không khí. Từ đó, chất lượng không khí đã được theo dõi tự động, liên tục và công bố kết quả quan trắc hằng ngày trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Hà Nôi đã trở thành địa phương đầu tiên của cả nước đầu tư mạng lưới quan trắc không khí, được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành TN&MT năm 2018.
Trong xanh hóa môi trường, đến nay thành phố đã hoàn thành kế hoạch trồng hơn 1 triệu cây xanh. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông; tăng số lượng cầu vượt nhằm tránh ùn tắc; triển khai các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, thay thế xăng A92 bằng xăng E95; tăng cường kiểm soát chất lượng xe tham gia giao thông. Thay thế than tổ ong; cấm và hạn chế đốt rơm rạ. Đối với hoạt động xây dựng, các công trình bắt buộc phải che chắn, giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường không khí xung quanh; xe tải trọng cao, xe chuyên chở vật liệu, phế thải xây dựng phải được đóng kín thùng, rửa xe trước khi vào thành phố và trước lúc ra khỏi công trường. Thành phố đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng các bãi phế thải; áp dụng công nghệ nghiền, tái chế hiện đại hạn chế ô nhiễm bụi.
Tăng cường cây xanh Hà Nội |
Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường tự động, liên tục để chủ động trong công tác kiểm soát, cảnh báo chất lượng môi trường. Từ đó, kết hợp với công tác điều tra, kiểm kê các nguồn thải, phân tích, xác định tác nhân và xu hướng diễn biến ô nhiễm... nhằm xây dựng kịch bản ứng phó và kịp thời đưa ra cơ chế, chính sách kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí.
Cho đến nay, việc dự báo chất lượng không khí về công nghệ hoàn toàn có khả năng thực hiện, các mô hình tính toán hiện nay có khả năng đưa ra dữ liệu dự báo tin cậy về chất lượng không khí. Nhiều quốc gia đã dự báo được chất lượng không khí trước từ 3 đến 5 ngày. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của ở Hà Nội là vấn đề số liệu. Trong 10 trạm quan trắc thành phố Hà Nội lắp đặt gần đây, chỉ có 2 trạm cố định có khả năng cung cấp các số liệu đủ độ chính xác phục vụ công tác dự báo. Các trạm còn lại, là những trạm đo sensor, số liệu thu nhận được độ chính xác không cao, chỉ mang tính chất tham khảo.
Với tổng diện tích tự nhiên hơn 3.347,4 Km2 và dân số gần 8 triệu người, mạng lưới trạm quan trắc không khí của Hà Nội hiện còn quá mỏng, chưa đủ khả năng cung cấp dữ liệu phục vụ dự báo chất lượng không khí cho Thủ đô và vùng phụ cận.
Để có đủ nguồn dữ liệu quan trắc môi trường không khí, cập nhật liên tục 24 giờ trong ngày, Hà Nội phải phấn đấu để lắp đặt được 95 trạm quan trắc. Đây là vấn đề đòi hỏi phải tập trung đầu tư cả về trang bị kỹ thuật lẫn đào tạo nguồn nhân lực.
Giải quyết thách thức ô nhiễm không khí cần nhiều giải pháp đồng bộ với sự tham gia của nhiều bên, bao gồm cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Về tổng thể lâu dài cần nguồn vốn đầu tư cả về công nghệ, trang bị kỹ thuật và nguồn nhân lực có kỹ năng, song những giải pháp trước mắt vẫn có thể tiến hành được ngay như giáo dục nâng cao nhận thức, siết chặt quy định bảo vệ môi trường trong xây dựng và quản lý giao thông.
Đối với các hoạt động xây dựng, các công trình cũng bắt buộc phải được che chắn, giảm thiểu các ảnh hưởng tới môi trường không khí xung quanh, xe tải trọng cao, xe chuyên chở vật liệu, phế thải xây dựng phải được đóng kín thùng, rửa trước khi vào thành phố và trước khi ra khỏi công trường. Xử lý ô nhiễm và duy trì chất lượng nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C. Đẩy mạnh công tác đầu tư các bãi phế thải xây dựng, áp dụng công nghệ nghiền, tái chế hiện đại hạn chế ô nhiễm bụi. Đẩy mạnh tiến độ các nhà máy đốt rác công nghệ hiện đại, tiên tiến để thay thế phương pháp chôn lấp.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đã triển khai đồng bộ các Đề án nhằm cải thiện chất lượng không khí như: Đề án chống ồn, chống bụi; đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030; đề án xử lý chất thải y tế nguy hại; đề án thu gom, xử lý chất thải nguy hại.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường tự động, liên tục trên địa bàn để chủ động trong công tác kiểm soát, cảnh báo chất lượng môi trường không khí. Từ đó, kết hợp với công tác điều tra, kiểm kê các nguồn thải, các cơ quan chuyên môn sẽ đánh giá phân tích, xác định các tác nhân gây ô nhiễm, mức độ ô nhiễm, xu hướng diễn biến ô nhiễm... để xây dựng kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu và đưa ra những cơ chế, chính sách kịp thời và chính xác nhằm kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí của thành phố.
TS. Lê Thành Ý/Sức Khỏe 365