(ĐSPL) - Bước đầu cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân tử vong của bà S là do rung nhĩ, suy tim cấp...
Theo báo An ninh Thủ đô, các phòng nghiệp vụ công an tỉnh An Giang đang phối họp cùng Công an TP Long Xuyên điều tra làm rõ cái chết của một phụ nữ xảy ra tại một phòng khám tư trên địa bàn.
Theo đó, lúc 9h ngày 24/6, bà Lê Thị S (SN 1956, trú tại phường Mỹ Thới, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) được người thân đưa đến khám bệnh tại phòng khám tư của bác sĩ Nguyễn Thị C (SN 1961) ở đường Châu Văn Liêm, khóm Bình Long 1, phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên.
Tại đây, ông Nguyễn Văn D (SN 1961, trú phường Mỹ Quý, TP Long Xuyên), là người giúp việc cho bác sĩ C đã truyền dịch cho bà S theo chỉ định của bác sĩ C. Quá trình bà S đang được truyền dịch thì người thân bà S có mua một cốc sữa đậu nành và mật ong cho bà S uống. Một lúc sau, những người tại phòng khám phát hiện bà S nằm bất động nên chuyển bà đến bệnh bệnh viện đa khoa tỉnh An Giang cấp cứu. Thế nhưng, bà S đã tử vong.
Vào cuộc điều tra, bước đầu cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân tử vong của bà S là do rung nhĩ, suy tim cấp... Sau khi khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng bàn giao thi thể bà S cho gia đình lo hậu sự.
Hiện cơ quan công an đã lấy mẫu từ chai nước truyền dịch, mẫu từ cốc sữa đậu nành để giám định nhằm làm rõ cái chết của bà S.
Nguy hiểm chết người vì lạm dụng truyền dịch
Dịch truyền có nhiều loại tùy theo tác dụng, trong đó phổ biến là loại cung cấp đường, muối và chất điện giải như glucose 5\%, 10\%; cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng...
Theo các bác sĩ, tỷ lệ người bị sốc do truyền dịch không cao nhưng vẫn có thể xảy ra. Nguyên nhân dịch truyền dù là đường glucose thì vẫn thành chất lạ với cơ thể. Phản ứng phản vệ sau tiếp xúc vật lạ có thể xảy ra tức thì, trong một vài giây hoặc vài giờ. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh rất dễ tử vong.
Chia sẻ trên báo Vnexpress, PGS Nguyễn Tiến Dũng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), khẳng định dịch truyền chỉ phát huy tác dụng khi đúng chỉ định. Đó là những trường hợp sốt quá cao, nôn quá nhiều gây mất nước, đi ngoài mất nước; người bệnh không thể ăn, uống được. Lạm dụng việc truyền dịch khi không có chỉ định của bác sĩ rất nguy hiểm, hại nhiều hơn lợi.
“Việc một số người cứ thấy sốt, mệt mỏi do sốt virus lập tức nghĩ đến truyền dịch là quan niệm sai lầm. Chưa ai chứng minh việc truyền dịch có thể hạ sốt. Hơn nữa, người đang mệt mà đi truyền rất nguy hiểm, có người chết chỉ vì truyền dịch. Thậm chí, ngay cả khi truyền dịch đúng chỉ định, bệnh nhân vẫn có thể gặp một số nguy hiểm như bị phù, đau sưng, viêm tĩnh mạch, rét run, mặt tái nhợt, vã mồ hôi, khó thở, đau ngực”, ông Dũng nói.
Ông Dũng chia sẻ, bệnh nhân viêm phổi thường không được truyền dịch. Thậm chí, khi bị mất nước, bác sĩ vẫn khuyên uống nước bồi phụ hơn là truyền dịch. Trường hợp bắt buộc phải truyền, bác sĩ cần tính toán kỹ lượng truyền chứ không thể truyền bừa bãi.
Tương tự với bệnh nhân sốt xuất huyết, theo thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà, trong 3 ngày đầu, bệnh nhân thường có biểu hiện mất dịch như: sốt cao, vã mồ hôi, thở nhanh, đau mình mẩy, chán ăn, thậm chí có người nôn, sợ không dám ăn. Lúc này, nhiều người nghĩ đến truyền dịch nhưng điều này là không nên. Bệnh nhân đang bị sốt cao, phản ứng của cơ thể rất mạnh, nếu truyền dịch người bệnh hay bị sốc.
PGS Dũng cho rằng, nếu có thể bù nước, dịch… bằng cách thông thường thì người dân nên áp dụng. Ví dụ, với tỷ lệ 5 g đường/100 ml dung dịch thì việc truyền cho trẻ một chai Gglucose 5\% chỉ tương đương với việc cho trẻ uống gần một thìa cà phê đường. Tương tự như vậy, truyền một chai dung dịch muối 9\% chỉ như uống một bát canh nhạt.
Bác sĩ khuyến cáo, nếu bắt buộc phải truyền dịch thì người bệnh nên thực hiện tại cơ sở y tế có đầy đủ điều kiện cấp cứu sốc phản vệ. Nhân viên y tế phải có chuyên môn xử trí sốc phản vệ, có kinh nghiệm lâu năm, kèm theo đó là phương tiện, dụng cụ cấp cứu tại chỗ. Bác sĩ cũng phải rất thận trọng khi chỉ định truyền dịch để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm xảy ra với người bệnh.
BTV(Tổng hợp)