Theo báo cáo của Sở Y tế tại cuộc họp khẩn do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ trì tối 29/11, tính đến 16h ngày 29/11, hệ thống giám sát của ngành y tế ghi nhận tổng số bệnh nhân đến nhập viện điều trị tại Bệnh viện Vũng Tàu và Trung tâm Y tế Vietsovpetro là 373 người. Trong số này có 124 điều trị nội trú (6 ca nặng có tụt huyết áp/sốc) và 249 ca điều trị ổn và xuất viện.
Tuy nhiên, có 1 trường hợp tử vong nghi do ngộ độc thực phẩm từ tiệm CBBĐ. Đó là bệnh nhân T.V.R (71 tuổi, ngụ phường 11, TP Vũng Tàu). Đây được coi là vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhất từng xảy ra tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, trường hợp tử vong trên có thể do 1 trong 2 nguyên nhân dưới đây mới dẫn đến sự việc đau lòng trên.
Nguyên nhân thứ nhất, ca tử vong có tiền sử bênh tim mạch, chính vì thế việc nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng số lượng nhiều gây mất nước điện giải đặc biệt trong đó là hạ Kali máu có thể gây ngừng tim.
Nguyên nhân thứ 2 có thể do bệnh nhân nhiễm khuẩn tiêu hóa thông thường, có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết đường vào từ đường tiêu hóa , không được xử lý điều trị kịp thời, dẫn tới tử vong do sốc nhiễm khuẩn.
Nhiễm khuẩn tiêu hóa nguy hiểm thế nào?
Theo BS Thiệu, nhiễm trùng tiêu hóa là bệnh lý tiêu hóa do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng gây ra với biểu hiện điển hình là đau quặn bụng, tiêu chảy ra nước nhiều lần, bị nôn mửa nhiều, đại tiện phân lỏng, thậm chí có nhầy máu và đôi khi kèm theo sốt. Bệnh chủ yếu lây qua đường ăn uống khi tiếp xúc với nguồn nước hoặc thực phẩm chứa tác nhân gây bệnh.
Nhiễm trùng đường ruột là bệnh lý có thể tự khỏi và không gây ra bất cứ nguy hiểm nào với nhiều người. Tuy nhiên, khi nó kéo dài trong nhiều ngày mà không có biện pháp can thiệp hiệu quả thì người bệnh rất dễ phải đối mặt với các biến chứng: Xuất huyết đường ruột khiến cho mức độ nhiễm trùng trở nên vô cùng nghiêm trọng; Bị hội chứng ruột kích thích; Bị viêm loét đại trực tràng; Có thể sẽ phải cắt bỏ đi một phần của ruột; Mất nước nghiêm trọng do tiêu chảy, nặng nhất có thể dẫn đến tử vong.
Chính vì thế, vị chuyên gia khuyến cáo, người dân nên thiết lập cho mình một thói quen vệ sinh sạch sẽ và chế độ ăn uống đảm bảo vệ sinh được xem là biện pháp phòng ngừa hiệu quả bệnh lý này.
- Giữ thói quen ăn chín, uống sôi, không dùng thực phẩm đã quá hạn sử dụng và phải chọn nguồn thực phẩm đảm bảo vệ sinh.
- Nguồn thực phẩm từ gia cầm cần được vệ sinh đặc biệt sạch sẽ và nấu thật chín.
- Nếu tiếp xúc với các loại gia súc, gia cầm nhiễm bệnh thì cần phải dùng dụng cụ bảo hộ và tuyệt đối không gần gũi, ôm ấp vật nuôi trong nhà đang mắc bệnh nhiễm khuẩn. Nhà cửa và những ai tiếp xúc với vật nuôi thì nên tắm rửa sạch sẽ và vệ sinh tẩy uế cả nhà để tránh virus không lây lan sang động vật nuôi khác hoặc con người.
- Xử lý an toàn chất thải gia súc, gia cầm và đưa nó cách xa nơi sinh sống để tránh tác nhân gây bệnh có cơ hội xâm nhập cơ thể.
- Trước khi ăn cần rửa tay thật sạch.
"Dù là do nguyên nhân nào, đây cũng là một điều đáng tiếc xảy ra. Mọi người không nên chủ quan khi bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm khuẩn tiêu hóa. Khi có bất cứ triệu chứng nhiễm trùng tiêu hóa nào cần thăm khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa đồng thời tránh dùng chung vật dụng sinh hoạt hay ăn uống chung với người khác để tránh nguy cơ lây lan bệnh", BS Thiệu lưu ý.
Theo công tác xác minh, sáng 27/11, bệnh nhân này có mua và sử dụng bánh mì tiệm CBBĐ. Buổi tối cùng ngày, bệnh nhân này có triệu chứng đau bụng và nôn ói, đến nhập viện tại Bệnh viện Vũng Tàu.
Sau khi điều trị ổn, bệnh nhân được xuất viện về nhà tiếp tục theo dõi. Tuy nhiên, bệnh nhân có biểu hiện ói, tiêu chảy trở lại nên 7h45 sáng 28/11 đã nhập viện tại Bệnh viện Bà Rịa.
Lúc 10h40 sáng 28/11, bệnh nhân được chuyển đến khoa Tim mạch - Lão học và được chẩn đoán nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng tiêu hóa mức độ nặng, tổn thương thận cấp/thay van động mạch chủ sinh học, chẩn đoán phân biệt ngộ độc thực phẩm, theo báo cáo của Sở Y tế.
Đến 16h10 ngày 28/11, bệnh nhân tím tái, huyết áp không đo được, mạch không bắt được. Ngay lập tức, bệnh nhân được cấp cứu và chuyển khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để xử trí. Bệnh nhân được chẩn đoán: Hồi sức sau ngưng tim, ngưng thở - choáng nhiễm trùng từ đường tiêu hóa/tăng huyết áp, thay van động mạch chủ sinh học, tổn thương thận cấp.
Đến 21h30 ngày 28/11, tình trạng bệnh nặng nên thân nhân xin về, sau đó tử vong tại nhà. Bệnh nhân R đã có tiền sử tăng huyết áp, thay van động mạch chủ sinh học.
Theo Sở Y tế tỉnh, trường hợp tử vong nghi do ngộ độc thực phẩm trên hiện đang chờ kết quả kiểm nghiệm thực phẩm từ Viện Y tế công cộng TP HCM và hiện đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra và làm rõ.