+Aa-
    Zalo

    Một năm xung đột Ukraine: Tình hình địa chính trị thế giới xoay trục ra sao?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại nước láng giềng Ukraine đã làm thay đổi trật tự thế giới trong suốt 1 năm qua, tạo ra những khối liên minh chưa từng có kể từ thời Chiến tranh lạnh.

    Một năm xung đột Ukraine: Tình hình địa chính trị thế giới xoay trục ra sao?

    Minh Hạnh

    Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại nước láng giềng Ukraine đã làm thay đổi trật tự thế giới trong suốt 1 năm qua, tạo ra những khối liên minh chưa từng có kể từ thời Chiến tranh lạnh.

    Các khối liên minh mới

    Cuộc xung đột tại Ukraine làm gia tăng nguy cơ xung đột và đối đầu giữa nhiều khu vực trên thế giới. Xu hướng toàn cầu cũng có sự dịch chuyển, trong đó các quốc gia bắt đầu liên kết thành những khối lấy Washington và Bắc Kinh làm trung tâm.

    Nhận xét về xu thế trật tự thế giới hiện nay, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) – Joseph Borrell – cho biết: “Chúng ta đã chuyển sang thế giới đa cực hỗn loạn, nơi mọi thứ đều có thể được sử dụng làm vũ khí, từ năng lượng, dữ liệu, cơ sở hạ tầng tới vấn đề di cư. Địa chính trị trở thành một từ khoá quan trọng và mọi thứ đều xoay quanh địa chính trị”.

    Trung Á, Kavkaz, Balkan, Châu Phi và Châu Á-Thái Bình Dương đều trở thành những địa điểm chứng kiến các cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc như Trung Quốc, EU, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thông qua tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng cũng như các thỏa thuận nổi bật về hợp tác thương mại, quân sự hay ngoại giao.

    Xe tăng Ukraine ở khu vực tiền tuyến Luhansk ngày 25/2/2022.

    Cuộc xung đột ở Ukraine khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Sự kiện này đã làm suy yếu sự kìm kẹp của Nga đối với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á và mở ra một vai trò trung gian hòa giải mới cho Thổ Nhĩ Kỳ.

    Pierre Razoux, người đứng đầu tổ chức tư vấn FMES, nhận xét: “Quá trình tái tổ chức đầy hỗn loạn này là có thật nhưng có lẽ nó chỉ là tạm thời. Điều không thể tránh khỏi là khi xung đột kết thúc, Nga và châu Âu đều suy yếu và kiệt quệ”.

    Nga “xích lại gần” Trung Quốc

    Về phía Trung Quốc, họ sẽ cần xem xét cuộc xung đột này kỹ lưỡng với mục tiêu chiến lược dài hạn là trở thành cường quốc hàng đầu thế giới vào năm 2049.

    Dù Bắc Kinh đã thể hiện sự ủng hộ với Moscow trong thời gian qua nhưng họ cũng tránh những động thái có thể làm leo thang căng thẳng với phương Tây hoặc khiến phương Tây xa lánh.

    Alice Ekman, một nhà phân tích châu Á tại Viện Nghiên cứu An ninh EU, nhận định: “Trung Quốc không xa cách mà tự mình củng cố mối quan hệ với Nga”.

    Trong báo cáo thường niên được công bố vào tháng 2, các cơ quan tình báo của Estonia nhận định "còn quá sớm để coi động thái của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với chiến dịch quân sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin là một dấu hiệu xa cách”.

    Sự hỗ trợ có thể không hoàn toàn đồng nhất và Trung Quốc không đưa ra mức viện trợ như Washington đang dành cho Ukraine, nhưng “chúng ta phải nhìn vào thực tế: Các mối quan hệ kinh tế đã được củng cố”, bà Ekman nói.

    Châu Âu muốn có tầm ảnh hưởng?

    Với EU, cuộc xung đột vừa là cơ hội nhưng cũng mang lại cho họ nhiều thách thức. EU được cho là có thể thể hiện tầm quan trọng của mình trong cuộc xung đột nghiêm trọng nhất thế giới từ thời Chiến tranh thế giới II tới nay. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, khối này cũng đang đứng trước nguy cơ một lần nữa bị phụ thuộc vào Mỹ.

    Một quan chức EU giấu tên nhận định: “EU đẫ không làm quá tệ. Họ thể hiện thể hiện khả năng phục hồi, khả năng phản ứng rất nhanh ngay từ khi bắt đầu xung đột thông qua sự hỗ trợ quân sự, viện trợ cho người tị nạn, giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga”.

    Quan chức này nói thêm, EU "đã đáp ứng các nhu cầu trước mắt”. Tuy nhiên, người này lưu ý: “Nhưng EU đã chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai và vị trí của mình trên bàn cờ toàn cầu chưa? Họ vẫn còn nhiều việc phải làm”.

    Người tị nạn Ukraine xếp hàng nhận SIM mạng di động Đức miễn phí tại nhà ga trung tâm Hauptbahnhof của Berlin

    Agathe Demarais, một nhà kinh tế và chuyên gia về các lệnh trừng phạt, chỉ ra: "Rõ ràng đang có hai khối chủ chốt, một là Mỹ, một là Trung Quốc cùng với các đồng minh của họ và Nga. Liệu châu Âu có trở thành khối thứ ba hay không, hay sẽ liên kết với Mỹ?"

    Trong khi đó ông Razoux nhận định hiện tại, cùng sự thống nhất với Washington trong việc ủng hộ Kiev, các nhà lãnh đạo châu Âu muốn “củng cố mối quan hệ với Mỹ, nhưng họ hiểu họ có thể bị bỏ rơi trong một hoặc hai nhiệm kỳ chính trị” nếu một ứng cử viên theo chủ nghĩa biệt lập tuyên bố giành được Nhà Trắng.

    Với việc nhiều quốc gia thành viên EU theo chủ nghĩa Đại Tây Dương không nhìn thấy tương lai bên ngoài chiếc ô an ninh của Mỹ và NATO, liên minh đang tìm kiếm nhiều lĩnh vực hơn để giảm bớt sự phụ thuộc chiến lược bên ngoài nhiên liệu hóa thạch của Nga, hiện phần lớn đã bị cắt đứt.

    Một tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh ở Versailles bên ngoài Paris (Pháp) vào tháng 3/2022, các nước EU đã liệt kê các lĩnh vực như nguyên liệu thô chính, chất bán dẫn và sản phẩm thực phẩm là ưu tiên hàng đầu.

    Bruno Tertrais, đến từ Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược (FRS) có trụ sở tại Pháp, cho biết người châu Âu đang mắc chứng “trì hoãn chiến lược”, nghĩa là họ từ chối hành động cho đến khi không còn lựa chọn nào khác.

    Tuy nhiên, EU đang tìm cách giành lấy một ghế trong bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm chấm dứt xung đột.

    "Tôi không muốn chỉ có người Trung Quốc hoặc người Thổ Nhĩ Kỳ mới tham gia đàm phán về những gì xảy ra tiếp theo", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với tờ Le Monde vào tháng 12/2022.

    Mỹ xoay trục sang châu Á

    Cựu Tổng thống Barack Obama vào năm 2009 từng dự đoán “quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ định hình thế giới trong thế kỷ 21”, báo trước sự chuyển hướng chiến lược của Mỹ sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

    Tuy nhiên, cuộc xung đột ở Ukraine cho thấy việc rút khỏi châu Âu có thể không dễ dàng đối với Tổng thống Joe Biden – người trước đây là cựu phó Tổng thống của ông Obama.

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trực tiếp trước Quốc hội Mỹ.

    Tư lệnh quân đội Pháp Bertrand Toujouse nhận xét: “Nga đang kìm hãm sự chuyển hướng này của Mỹ sang Trung Quốc. Do đó, Mỹ sẽ cần phải nhanh chóng giải quyết các vấn đề đang diễn ra ở châu Âu”.

    Nhà nghiên cứu Giovanna De Maio, đến từ Đại học Washington, cho biết Tổng thống Biden phải nhanh chóng đưa ra "một hành động cân bằng", nhấn mạnh "những lời kêu gọi ngày càng tăng về việc giải quyết xung đột càng sớm càng tốt" từ các chính trị gia Mỹ, cũng như sự phản đối của Đảng Cộng hòa về việc viện trợ vũ khí cho Ukraine.

    Tuy nhiên, James Bierman - theo chỉ huy Mỹ tại Nhật Bản - cuộc xung đột tại Ukraine có thể là bài học cho bất kỳ cuộc xung đột tiềm ẩn nào khác trong tương lai.

    “Sau cuộc xung đột với Nga từ năm 2014-2015, chúng tôi đã chuẩn bị một cách nghiêm túc cho nguy cơ xung đột trong tương lai bằng cách huấn luyện cho người Ukraine, xác định trước các nguồn cung, địa điểm mà chúng tôi có thể hỗ trợ hoạt động quân sự của họ. Chúng tôi gọi đó là hoạt động dựng rạp. Và chúng tôi đang dựng rạp ở Nhật Bản, Philippines cũng như ở những nơi khác”.

    James Bierman - theo chỉ huy Mỹ tại Nhật Bản

    Xu hướng thế giới bị chia cắt

    Cùng với việc cung cấp vũ khí cho Kiev, các đồng minh của Ukraine do Mỹ và EU dẫn đầu đã tìm cách “bóp nghẹt” nền kinh tế Nga bằng các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt.

    Các biện pháp thương mại cũng đang gây ảnh hưởng đến hệ thống thương mại tự do toàn cầu vốn đã trong thế mặc định kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

    "Các biện pháp trừng phạt lấp đầy khoảng trống trong không gian ngoại giao giữa những tuyên bố không hiệu quả và các hoạt động quân sự có khả năng gây chết người", ông Demarais viết trong cuốn sách "Backfire".

    Giám đốc điều hành Totalenergies Patrick Pouyanne nhận định trong vấn đề năng lượng, lĩnh vực mà Nga là một đối thủ nặng ký, các biện pháp trừng phạt của G7 và EU như giới hạn mức giá với mỗi thùng dầu xuất khẩu này đã "chấm dứt thị trường toàn cầu" đối với nhiên liệu hóa thạch.

    Ông Pouyanne chia sẻ: "Ý tưởng về giá dầu toàn cầu có nghĩa là gì khi chúng tôi quyết định áp đặt mức giá trần, trong khi hai người mua chính là Trung Quốc và Ấn Độ (không áp dụng lệnh trừng phạt) có thể mua từ Nga với một mức giá khác? Đây là một cái gì đó thực sự mới và chúng tôi sẽ trải nghiệm ảnh hưởng của nó vào năm 2023”.

    Các cường quốc lớn đang phá bỏ các nguyên tắc thương mại tự do từng được ấp ủ ở những nơi khác, chẳng hạn như việc Mỹ hạn chế bán một số loại chip máy tính cho Trung Quốc, hay việc Ấn Độ đình chỉ xuất khẩu lúa mì.

    Tất cả những tác động tự nguyện này, vốn ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, đã giáng một đòn mạnh vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

    “Xu hướng thế giới bị chia cắt đã có từ trước xung đột, nhưng với cú sốc kép do đại dịch và sau đó là xung đột, quá trình này đang bị đẩy nhanh”.

    Agathe Demarais, một nhà kinh tế và chuyên gia về các lệnh trừng phạt

    DOISONGPHAPLUAT.COM |

    <% include googleAnalystic %>
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mot-nam-xung-dot-ukraine-tinh-hinh-dia-chinh-tri-the-gioi-xoay-truc-ra-sao-a566429.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan