+Aa-
    Zalo

    Một loại cây cứ nghe nhạc là “nhảy múa”, mọc nhiều ở Việt Nam nhưng ít ai biết

    (ĐS&PL) - Ở Việt Nam, cây này được gọi là thóc lép lá quay, đậu lá quay. Loại cây này mọc hoang dại ở các vùng đồi núi thuộc các tỉnh miền núi của nước ta.

    Loại cây độc lạ hễ nghe nhạc là “nhảy múa”

    Một loại cây cứ nghe nhạc là “nhảy múa”, mọc nhiều ở Việt Nam nhưng ít ai biết - 1

     

    Loại thực vật này có tên là Codariocalyx motorius (Houtt.) H. Ohashi, còn được biết đến với các tên gọi như cây khiêu vũ, cây truyền tin.

    Ở Việt Nam, cây khiêu vũ còn được gọi là thóc lép lá quay, đậu lá quay. Cây khiêu vũ là loại cây bụi nhiệt đới châu Á thuộc họ đậu Fabaceae. Chúng được trồng ở nhiều nơi vì rất dễ chăm sóc.

    Loài này được phân bố rộng rãi khắp Bangladesh, Bhutan, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Nepal, Pakistan, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam.

    Ngoài ra, các nhà khoa học còn tìm thấy loài cây này trên quần đảo Society, một chuỗi từ xa các đảo ở Nam Thái Bình Dương. Chúng thường mọc hoang ở các vùng đồi núi.

    Tại Việt Nam, cây khiêu vũ có thể tìm thấy ở nhiều tỉnh thành từ Bắc vào các tỉnh Tây Nguyên đến Bà Rịa – Vũng Tàu và An Giang. Mặc dù loài cây này xuất hiện nhiều ở Việt Nam nhưng nhiều người chưa từng nhìn thấy chúng.

    Đặc điểm nhận dạng cây khiêu vũ

    Một loại cây cứ nghe nhạc là “nhảy múa”, mọc nhiều ở Việt Nam nhưng ít ai biết - 2

     

    Thông thường, cây khiêu vũ thường  cao từ 1 đến 1,5m. Cành con có hình dáng mỏng, vươn dài, phần trước có lông và phần sau nhãn. Thoạt nhìn loại cây độc lạ này có lá hình trái xoan, ở gốc có hình tim hoặc hơi tròn. Phần chóp mỏng, có lông mịn ở mặt trên chóp, phía dưới chóp có nhiều lông mọc rạp xuống, chóp có hình tù và nhọn. Trong khi đó, cụm hoa gồm nhiều hoa nhỏ xếp thành từng đôi một. Cụm hoa này thường mọc ở nách hay ngọn, có lông và thưa dài khoảng 12 đến 13 cm. Cây khiêu vũ thường ra hoa vào khoảng tháng 4 đến tháng 8 trong năm.

    Về phần quả, quả của loại cây này hơi hình cung, cong, có lông nhưng không cuống. Quả được chia thành 7-8 đốt, mỗi đốt chỉ chứa 1 hạt, phần đốt có một cạnh khum tròn và một cạnh thẳng. Quả thường có từ tháng 10 đến tháng 11.

    Điều đáng ngạc nhiên khi có âm thanh, những chiếc lá của cây chuyển động như đang "khiêu vũ" dù không có gió. Kể cả khi không có âm thanh, chúng vẫn có thể chuyển động nếu nhiệt độ trên 20 độ C.

    Cây khiêu vũ, có khả năng di chuyển nhằm tối đa hóa ánh sáng mặt trời thu được. Không chỉ vậy loài cây kỳ lạ này có thể bắt chước điệu bộ của bướm để ngăn chặn việc bướm đẻ trứng trên lá cây.

    Vì sao cây khiêu vũ có thể chuyển động?

    Thứ nhất, cây khiêu vũ chuyển động với tốc độ vừa đủ để có thể nhận biết bằng mắt thường. Các nhà khoa học cho rằng, đây có thể là một chiến lược sinh tồn của loài cây này. Chúng làm vậy để tối đa hóa lượng ánh sáng thu được bằng cách di chuyển theo ánh mặt trời.

    Mỗi chiếc lá cây khiêu vũ đều có một khớp giúp chúng di chuyển dễ dàng tới nơi có nhiều ánh sáng mặt trời hơn. Tuy nhiên, trọng lượng của những chiếc lá ở giữa lớn hơn nên khi chuyển động chúng tốn rất nhiều năng lượng. Do đó, loài cây này để tối ưu hóa chuyển động, mỗi chiếc lá lớn sẽ có thêm 2 lá chét nhỏ ở gốc. Những chiếc lá này di chuyển liên tục theo đường elip, lấy mẫu cường độ ánh sáng mặt trời và hướng chiếc lá lớn đến vùng có cường độ mạnh nhất.

    Thứ hai, cây khiêu vũ có hiện tượng lạ nhằm ngăn chặn các loài sâu hại. Sở dĩ chúng "nhảy múa" là để bắt chước chuyển động của loài bướm với mục đích ngăn chúng đẻ trứng lên lá cây.

    Công dụng của cây khiêu vũ

    Một loại cây cứ nghe nhạc là “nhảy múa”, mọc nhiều ở Việt Nam nhưng ít ai biết - 3

     

    Cây khiêu vũ được sử dụng trong y học truyền thống để điều trị nhiều bệnh khác nhau như sốt, đau bụng, đau mắt, đau cổ, mất ngủ, đau khớp, viêm da, mẩn ngứa, và các bệnh phụ khoa. Bên cạnh đó, các chất trong cây khiêu vũ còn có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm.

    Ở Trung Quốc, thân lá cây khiêu vũ được dùng phổ biến để trị tổn thương sau khi bị ngã. Bên cạnh đó, nó được dùng để ngăn tử cung bị tụt xuống... Phần hạt có thể trị bệnh đau lưng. Ngoài ra, cây khiêu vũ dùng để trị ngứa sần và viêm da thần kinh cũng rất hiệu quả.

    Cây khiêu vũ là một loại cây có nhiều ứng dụng trong y học truyền thống. Tuy nhiên, trước khi sử dụng cây khiêu vũ với mục đích điều trị, bạn nên tìm hiểu kỹ về cách dùng và liều lượng, tham khảo lời khuyên từ bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

    T/h

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/mot-loai-cay-cu-nghe-nhac-la-nhay-mua-moc-nhieu-o-viet-nam-nhung-it-ai-biet-a408913.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan