Tại Hà Tĩnh, nghề nuôi hươu lấy nhung được xem là nghề truyền thống và là nguồn thu nhập chính của hàng ngàn hộ dân tại các huyện miền núi.
Chia sẻ trên báo Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Tuấn (trú xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn) cho biết, khoảng 4 năm trở lại đây, thị trường hươu giống và sản phẩm từ nhung hươu trở nên nhộn nhịp. Người dân chỉ cần nuôi mà không lo đầu ra.
“Gia đình tôi có 5 con hươu đực và 3 con nái. Như năm vừa rồi tiền bán nhung được khoảng 40 triệu và 3 con hươu giống hơn 40 triệu nữa”, ông Tuấn vui vẻ nói.
Theo người dân huyện Hương Sơn, hươu dễ chăm sóc, lượng thức ăn ít hơn so với nhiều các loại gia súc khác nhưng hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần.
“Thức ăn chủ yếu của hươu là các loại lá, quả, trái cây, cỏ sẵn có trong vườn, rừng, rất dễ kiếm nên chi phí nuôi hươu thấp. Trước đây mỗi cặp nhung bình quân từ 0,5 - 1kg, nhưng mấy năm gần đây, có những con giống tốt thu lộc lên đến 5kg”, ông Nguyễn Xuân Tiến (trú xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn) nói.
Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, mùa cắt lộc nhung hươu bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 3 Âm lịch. Nhung mỗi năm chỉ cắt được 1 lần, có những con khoẻ mạnh, sẽ ra thêm 1 lần cắt lộc trái. Thông thường hươu con sau khi sinh ra đến khi lên chóc (lứa đầu) là khoảng 8 tháng. Sau khi cắt lứa đầu tiên, khoảng hơn 5 tháng sau nhung hươu lên lại cặp mới nhưng nhỏ hơn.
Việc cắt nhung cần đúng ngày tuổi, để nhung không quá già hoặc không quá non sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nhung cũng như bảo đảm sức khỏe cho hươu nhằm tái lộc đúng vụ năm sau.
Theo tính toán của ngành chuyên môn, để nuôi một con hươu cần từ 30 – 40 m3 đất trồng cỏ; ngoài ra người dân tận dụng thêm thức ăn tự nhiên như lá mít, lá sung, vải, cây chuối, quả chuối, sắn…
Ngoài nuôi hươu lấy “lộc”, người dân Hương Sơn còn cung cấp hàng nghìn con hươu giống mỗi năm cho người dân các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên như Đắc Lắc, Kon Tum, Phú Quốc, giá hàng chục triệu đồng/con.
Theo thống kê từ Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hương Sơn, hiện nay toàn huyện có trên 42.000 con, sản lượng nhung thu hoạch hằng năm ước đạt từ 16 - 18 tấn (tương ứng với 250 - 270 tỷ đồng). Nhờ nuôi nhung hươu đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Vân Anh (T/h)