+Aa-
    Zalo

    Một giáo sư 76 tuổi rút hết 1 tỷ tiền tiết kiệm dưỡng già ủng hộ đồng bào lũ lụt

    (ĐS&PL) - GS Lê Ngọc Thạch đã rút sổ tiết kiệm dưỡng già của mình, mang 1 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Bắc đang bị lũ lụt.

    Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 10/9, GS.TS Lê Ngọc Thạch - giảng viên thỉnh giảng Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) – đã cầm cuốn sổ tiết kiệm 1 tỷ đồng đến tòa soạn báo gửi "chút yêu thương" cho đồng bào miền Bắc đang chịu thiệt hại bởi bão lũ.

    "Tôi ngồi nhà xem tình hình mưa bão mấy ngày qua chịu không nổi. Thấy xót xa cho bà con ngoài đó quá. Ngay khi thấy báo phát động chương trình ủng hộ, tôi lập tức muốn hưởng ứng, không đắn đo gì hết. Từ hồi xưa tới giờ tôi cũng theo dõi nhiều trận bão lớn nhưng chưa bao giờ thấy có trận nào gây tan hoang như cơn bão số 3". ông Thạch nói

    GS.TS Lê Ngọc Thạch chia sẻ, sổ tiền tiết kiệm 1 tỷ đồng này ông để dành từ tiền hưu trí, tiền đi dạy và cả tiền viết sách suốt nhiều năm qua. Thấy đồng bào miền Bắc đang khổ sở vì bão lũ, vị giáo sư không kiềm lòng được nên quyết định cầm sổ tiết kiệm của mình ủng hộ hết. Ông chỉ giữ lại phần tiền lãi để lo cho các chương trình thiện nguyện khác. Ông nói thêm rằng hiện tại đang sống một mình nên không chi tiêu nhiều.

    GS.TS Lê Ngọc Thạch . Ảnh: NVCC/Vietnamnet

    GS.TS Lê Ngọc Thạch . Ảnh: NVCC/Vietnamnet

    Ông Thạch cũng cho biết sổ tiết kiệm của ông còn tám ngày nữa mới tới hạn rút lãi, nhưng sợ không kịp ủng hộ chương trình "Sẻ chia cùng người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3" nên ông mang đến ngay.

    "Có thể 1 tỷ là nhiều với đóng góp của một cá nhân, nhưng cũng chỉ là hạt cát so với những thiệt hại mà đồng bào miền Bắc đang gánh chịu", ông Thạch xúc động nói.

    GS Lê Ngọc Thạch từng là giảng viên Khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, là người thầy của nhiều thế hệ sinh viên ngành hóa ở các trường đại học phía Nam. Hiện đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn thỉnh giảng ở trường đại học., theo Vietnamnet.

    Cập nhật thiệt hại do bão số 3

    Nước sông dâng cao tại miền Bắc. Ảnh minh họa

    Nước sông dâng cao tại miền Bắc. Ảnh minh họa

    Tính đến 5 ngày 11/9, mưa bão, lũ đã làm 200 người chết và mất tích (141 người chết, 59 người mất tích); thiệt hại kinh tế vô cùng nặng nề.

    Tại Cao Bằng: 52 người tại huyện Nguyên Bình (29 người chết, 23 người mất tích).

    Lào Cai: 66 người (45 người chết, 21 người mất tích), gồm: Sa Pa 9, Bát Xát 13, Si Ma Cai 7, Bắc Hà 15, Văn Bàn 2, Bảo Yên 20; hiện còn nhiều người mất tích do lũ quét, sạt lở đất tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên.

    Yên Bái: 40 người do sạt lở đất (37 người chết, 3 người mất tích), gồm: Lục Yên: 13, TP Yên Bái 20, Văn Chấn 1, Văn Yên 4, Trấn Yên 2.

    Quảng Ninh: 13 người chết (do bão 12 người; lũ cuốn 1 người); Hải Phòng: 2 người chết do bão; Hải Dương: 1 người chết do bão; Hà Nội: 1 người chết do bão; Hòa Bình: 5 người chết do sạt lở đất; Lạng Sơn: 3 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất; Bắc Giang: 1 người chết do lũ cuốn; Tuyên Quang: 2 người mất tích do lũ cuốn; Hà Giang: 2 người (1 người chết; 1 người mất tích); Lai Châu: 1 người chết do sạt lở đất; Phú Thọ: 9 người (8 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 1 người chết do sạt lở đất); Vĩnh Phúc: 2 người (1 chết, 1 người mất tích do lật thuyền)

    Về nông nghiệp, 162.828 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 29.543 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 15.959 ha cây ăn quả bị hư hại; 1.582 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi (tập trung Quảng Ninh 1.000, Hải Dương 300,...), theo Người Lao Động. 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/mot-giao-su-76-tuoi-rut-het-1-ty-tien-tiet-kiem-duong-gia-ung-ho-ong-bao-lu-lut-a463935.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan