Chỉ một căn hộ tại dự án chung cư Gia Phú (quận Thủ Đức, TP.HCM) nhưng chủ đầu tư ngang nhiên ký hợp đồng mua bán với 6 khách hàng khác nhau. Đến khi bị ngân hàng phát mãi tài sản, nhiều khách hàng mới hay mình bị lừa. Trong khi đó, cơ quan chức năng lại “đá quả bóng trách nhiệm” khiến khách hàng bơ vơ
Nguy cơ mất tiền, mất nhà
Theo tìm hiểu của PV, từ năm 2012 – 2013, đã có hàng trăm khách hàng đóng tiền cọc, nhiều trường hợp đã đóng 100% giá trị hợp đồng để mua căn hộ tại dự án này. Thế nhưng, từ đó đến nay, chủ đầu tư vẫn không chịu giao nhà. Trong khi chờ bàn giao nhà, khách hàng lại phát hiện thêm chuyện động trời khi cùng lúc, chủ đầu tư bán 1 căn hộ cho nhiều người.
Vào tháng 3/2018, hàng trăm người đã kéo đến dự án chung cư Gia Phú để yêu cầu chủ đầu tư giải quyết sự việc trên. Theo phản ánh của người dân, có hơn 200 khách hàng đã bị mua trùng căn hộ tại dự án này, thậm chí có 1 căn hộ đã được bán cho 6 người.
“Họ rao bán căn hộ, chúng tôi đến tìm hiểu về các vấn đề liên quan, đặc biệt là thấy giá hợp lý nên mua. Hai bên ký hợp đồng, chúng tôi cũng tin vào các điều khoản trong hợp đồng này, hoàn toàn không có điều khoản nào bán căn hộ này cho nhiều người hay đồng sở hữu cả”, một người đã mua căn hộ tại chung cư Gia Phú (đề nghị không nêu tên) cho biết.
Cũng theo chia sẻ của người này, tình trạng bán 1 căn hộ cho nhiều khách hàng đã khiến họ bức xúc. Thậm chí có nhiều người dành dụm được ít tiền với mong muốn có được chỗ “an cư lạc nghiệp” đang đứng trước nguy cơ trắng tay.
Phản ánh với PV báo ĐS&PL, chị Lâm Duy Ngọc (quê ở tỉnh Kiên Giang) cho hay, năm 2014, chị mua 1 căn hộ nhưng trong khi chờ nhận nhà, chị mới “ngã ngửa” khi biết căn hộ mình mua có tới 3 khách hàng khác đang đứng tên trên hợp đồng.
Dự án 1 căn hộ bán cho 6 khách khiến nhiều người bức xúc vì chủ đầu tư bội tín |
“Nghe giới thiệu dự án chung cư Gia Phú đang bán với giá 600 triệu đồng, bằng một nửa so với giá bán của những người mua trước kia, tôi đã đặt cọc 300 triệu đồng để mua. Thế nhưng, thật phi lý khi căn hộ tôi mua đã có 3 khách hàng cùng đứng tên”, chị Ngọc nói.
Không chỉ chị Ngọc mà rất nhiều trường hợp rơi vào tình cảnh tương tự. Liên quan đến sự việc trên, những người mua bị trùng căn hộ đã gửi đơn đến Công an quận Thủ Đức tố cáo hành vi lừa đảo của chủ đầu tư và hồ sơ vụ việc được chuyển lên phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an TP.HCM.
Ngày 21/12/2015 cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Hùng Nghiêm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời chuyển hồ sơ sang VKSND TP.HCM đề nghị phê chuẩn các quyết định này.
Tuy nhiên, tháng 8/2016, VKSND TP.HCM bất ngờ ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can và quyết định không phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam. Lý do của việc này là tại cơ quan điều tra, ông Nguyễn Hùng Nghiêm (đại diện pháp luật của công ty Gia Phú) khai, công ty đã ký hợp đồng bán 130 căn hộ Gia Phú cho khách hàng trước đó nhưng do thiếu tiền kinh doanh và phải đi vay, chủ nợ ép ký hợp đồng mua bán 31 căn hộ cho 37 người khác nhau. Tổng số tiền các hợp đồng là 20,5 tỷ đồng.
Hiện tại còn 16 căn hộ và 3 sàn thương mại tổng trị giá khoảng 81,2 tỷ đồng chưa bán, 10 căn còn lại chưa thể hiện rõ. Do vậy không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Hiện cơ quan cảnh sát điều tra đã đình chỉ vụ án. Trong khi đó, ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa có thông báo về việc chọn tổ chức đấu giá khoản nợ có tài sản bảo đảm là chung cư Gia Phú do công ty Gia Phú làm chủ đầu tư, khiến những khách hàng mua nhà tại đây không khỏi lo lắng về khả năng tiền của mình sẽ “một đi không trở lại”.
“Đá bóng trách nhiệm”
Trước thông tin BIDV sẽ tiến hành xiết nợ đối với chủ đầu tư là công ty Gia Phú bằng cách đấu giá tài sản đảm bảo là dự án chung cư Gia Phú, mới đây, nhóm khách hàng đã mua chung cư tại dự án này đề nghị được gặp lãnh đạo của BIDV để xác minh thông tin.
Bà Phạm Thị Minh Toàn, đại diện cho hơn 200 khách hàng mua căn hộ tại dự án chung cư Gia Phú, cho biết: “Chúng tôi muốn biết được các khoản vay của công ty Gia Phú tại BIDV, qua đó, biết được câu trả lời chính thức của ngân hàng”.
“Có hay không việc xiết nợ và đấu giá tài sản, nếu tổ chức đấu giá tài sản thì quyền lợi của các khách hàng đã mua căn hộ tại đây như thế nào? Nếu BIDV chính thức phát mãi tài sản thì điều đó là không hợp lệ, vì BIDV không có quyền đơn phương bán chung cư Gia Phú bởi đây cũng là tài sản của các khách hàng đã ký hợp đồng mua bán. Thậm chí, có người đã đóng tới 95% giá trị căn hộ”, bà Toàn lý giải.
Theo thông tin mà PV có được, trả lời những vướng mắc của khách hàng, ông Đoàn Minh Vỹ, Phó Giám đốc BIDV, chi nhánh Trường Sơn (TP.HCM) cho biết: “Thực chất, BIDV cũng chỉ là chủ nợ và ngân hàng chỉ bán khoản nợ chứ không hề bán tài sản của các khách hàng đã mua căn hộ tại dự án này. Do đó, những yêu cầu của khách hàng là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, họ phải làm việc với chủ đầu tư để giải quyết. Còn BIDV chỉ bán khoản nợ mà ngân hàng đã cho công ty Gia Phú vay”.
Theo thông tin mới nhất mà PV báo ĐS&PL có được, VKSND Tối cao tại TP.HCM đã có yêu cầu VKSND TP.HCM phục hồi điều tra vụ án nói trên. VKSND Tối cao tại TP.HCM cũng đã gửi văn bản yêu cầu VKSND TP.HCM ra quyết định huỷ bỏ Quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự số 219-02 ngày 31/8/2016 của cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP.HCM) để phục hồi điều tra, giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Đây là một vụ việc hết sức phức tạp và có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Luật sư Nguyễn Đình Huy, đoàn Luật sư TP.HCM nhận định: “Một căn hộ nhưng có tới 6 hợp đồng mua bán thì rõ ràng là có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Do đó, cơ quan điều tra Công an TP.HCM vào cuộc là hợp lý. Việc điều tra cần phải được phục hồi và xem xét trách nhiệm thuộc về ai, chứ không thể đá bóng từ chân này sang chân khác, để khách hàng phải bơ vơ như vậy”.
Vị luật sư phân tích thêm: “Hiện nay, các công cụ pháp lý của chúng ta đã hoàn thiện, không có lý do gì để người dân phải chịu thiệt, trong khi đó, các chủ đầu tư vẫn ung dung thu lợi bất chính và nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Đặc biệt hơn, các cơ quan chức năng cần phải chỉ đạo quyết liệt để đưa dự án trở lại, tiếp tục thi công và bàn giao căn hộ cho những khách hàng đã mua. Trường hợp những khách hàng nào mua chồng căn hộ thì phải được giải quyết thỏa đáng. Có thể là buộc chủ đầu tư bồi hoàn lại số tiền đã đóng, đồng thời, trả lãi theo quy định của Nhà nước đối với những trường hợp mua căn hộ (ký hợp đồng) sau các khách hàng trước đó”.
“Vụ việc này cho thấy những lỗ hổng trong công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là việc bán nhà hình thành trong tương lai. Tình huống này dễ bắt gặp ở các chủ đầu tư kém năng lực, yếu tài chính và có dấu hiệu trục lợi bất chính”, luật sư này chia sẻ thêm.
Thanh Tùng- Hưng Vận
Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 96