Vào 10h ngày 12/5 (giờ địa phương), Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin đã ra tuyên bố chung, chính thức tuyên bố ủng hộ việc Phần Lan xin gia nhập NATO.
Tuyên bố có đoạn: "Gia nhập NATO sẽ củng cố an ninh của Phần Lan. Là một thành viên của NATO, Phần Lan sẽ củng cố toàn bộ liên minh quốc phòng. Phần Lan phải nộp đơn xin gia nhập NATO ngay lập tức và hy vọng các bước cần thiết để đưa ra quyết định này sẽ được thực hiện nhanh chóng trong vài ngày tới".
Moscow đã phản ứng nhanh chóng về tuyên bố này, cho rằng nhấn mạnh rằng việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ song phương giữa Nga và Phần Lan cũng như việc duy trì ổn định và an ninh ở khu vực Bắc Âu.
"Phần Lan gia nhập NATO chắc chắn sẽ đe dọa an ninh của Nga", Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Peskov tuyên bố, đồng thời ông nói rằng Nga sẽ đưa ra các biện pháp đối phó và cách tiếp cận cụ thể phụ thuộc vào cách NATO thực hiện "quá trình mở rộng".
Cùng ngày, bộ Ngoại giao Nga cũng đưa ra tuyên bố cho biết: "Trong nhiều thập kỷ, chính sách phi liên kết quân sự là cơ sở cho sự ổn định ở khu vực Bắc Âu. Cung cấp cho Phần Lan mức độ an ninh đáng tin cậy là nền tảng vững chắc cho việc thiết lập quan hệ đối tác và hợp tác cùng có lợi giữa hai nước.
Nga không có ý định thù địch với Phần Lan và mục tiêu của NATO là rõ ràng - tạo ra một sườn khác cho mối đe dọa quân sự mà Nga phải đối mặt.
Còn về việc tại sao Phần Lan muốn biến lãnh thổ của mình thành bình phong quân sự đối đầu với Nga, đồng thời đánh mất quyền tự quyết định độc lập thì lịch sử sẽ phán xét".
Ngoài Phần Lan, Thụy Điển cũng có thể xin gia nhập NATO. Hãng tin Reuters ngày 12/5 cho biết, quốc hội Thụy Điện đang xem xét lại chính sách an ninh của mình và kết quả dự kiến sẽ được công bố vào ngày 13/5 (giờ địa phương). Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền nước này có thể đưa ra quyết định vào ngày 15/5 rằng liệu có thay đổi quan điểm không gia nhập NATO hay không.
Theo Reuters, sau khi Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập, NATO có thể bắt đầu tăng cường sự hiện diện của mình ở Bắc Âu trong thời gian phê chuẩn thành viên, luân chuyển quân đội Mỹ và Anh đến 2 nước này, đồng thời tăng số lượng các cuộc tập trận ở Biển Baltic.
Trước đó, vào ngày 11/5, Thủ tướng Anh Boris Johnson cam kết đảm bảo an ninh cho Phần Lan và Thụy Điển.
Tờ New York Times của Mỹ nhận xét rằng đây dường như là những dấu hiệu cho thấy phương Tây thống nhất đối phó với Nga. Tuy nhiên, khi xung đột Nga-Ukraine có thể trở nên kéo dài, thiệt hại kinh tế ngày càng nghiêm trọng sẽ thử thách quyết tâm của các nước phương Tây. Việc EU trì hoãn đạt được thỏa thuận về việc áp đặt lệnh cấm khai thác dầu đối với Nga là một dấu hiệu của "sự chia rẽ".
Hoa Vũ (Theo Thời báo Hoàn Cầu)