Ngày 31/8, RiaNovosti dẫn lời quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell tuyên bố, Ngoại trưởng các nước thành viên EU dù không đi đến quyết định cấm người Nga nhập cảnh vào khối, nhưng xác nhận quan hệ giữa hai bên "không thể như bình thường".
Theo đó, EU nhất trí đình chỉ thỏa thuận tạo điều kiện cấp visa cho công dân Nga từ năm 2007. "Bước đi này sẽ giảm đáng kể lượng visa mà các nước EU cấp cho người Nga", ông Borrell nói, khẳng định công dân Nga sẽ gặp nhiều khó khăn và mất thời gian hơn khi xin visa vào EU.
Đáng chú ý, theo lời quan chức EU, các quốc gia chia sẻ biên giới chung với Nga "có thể thực hiện các biện pháp cấp quốc gia để hạn chế người nhập cảnh vào EU". Tuy vậy, ông đề nghị các quốc gia phải tuân thủ quy tắc của khu vực đi lại chung Schengen và đảm bảo dân thường Nga có thể tiếp tục tới EU.
Phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow đang theo dõi sát sao việc Liên minh châu Âu (EU) muốn đình chỉ thỏa thuận thuận lợi hóa trong việc cấp thị thực (visa) cho người Nga.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói với đài RIA Novosti: “EU vi phạm, phá vỡ hoặc rút khỏi thỏa thuận thuận lợi hóa thị thực với Nga thì sẽ phải gánh chịu hậu quả”.
Ông Grushko cho biết Nga sẽ thực hiện bất kỳ bước trả đũa cần thiết nào và nói rằng quyết định hạn chế thị thực của EU sẽ gây hại cho khối này nhiều hơn là đem lại lợi ích cho họ.
“Nếu Brussels quyết định tự bắn vào chân mình một lần nữa, đó là lựa chọn của họ”, ông Grushko nói.
EU đã áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt đối với Nga kể từ khi Moscow bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào ngày 24/2, bao gồm ngưng cấp thị thực cho đoàn quan chức, lãnh đạo doanh nghiệp Nga. Tuy nhiên, công dân Nga vẫn được phép du lịch ngắn ngày đến châu Âu.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi EU ngưng cấp thị thực cho tất cả người Nga nhằm tăng sức ép trừng phạt với Matxcơva. Lời kêu gọi này được một số nước hưởng ứng, đầu tiên là những nước có chung đường biên giới trên bộ với Nga như Estonia, Latvia, Lithuania (Litva), Phần Lan và Ba Lan. Một số nước như Đức, Cyprus phản đối.
Mỹ mới đây cũng từ chối yêu cầu của Ukraine trong việc cấm thị thực toàn diện đối với người Nga vì không muốn “đóng cửa” với những nhân vật đối lập ở Nga.
Mộc Miên (T/h)