Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời ông Dmitry Medvedev rằng: “Việc Nga vỡ nợ có thể kéo theo châu Âu vỡ nợ, cả về tinh thần và hoàn toàn có thể là về vật chất.”
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, hệ thống tài chính của Liên minh châu Âu (EU) không hoàn toàn bền vững và công chúng đang mất niềm tin vào nó. Ông cảnh báo giới chức EU nên chuẩn bị sẵn tinh thần với phản ứng mạnh mẽ của người dân với tình trạng siêu lạm phát mà họ không thể đổ lỗi cho Nga, vì tình trạng thiếu hụt lương thực trong các cửa hàng, hay dòng người tị nạn. Tất cả những vấn đề đó có thể kéo theo một làn sóng tội phạm bạo lực.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bild am Sonntag, Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu bà Von der Leyen nói rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đang làm rung chuyển nền kinh tế Nga, với hàng trăm công ty lớn và hàng nghìn chuyên gia rời khỏi Nga và GDP của Nga sẽ giảm 11% chỉ là vấn đề thời gian.
Nhưng theo Bộ Tài chính Nga, tính đến ngày 1/2/2022, nợ nước ngoài của Nga là 59,5 tỷ đô la, bao gồm 38,97 tỷ đô la vay nước ngoài. Hiện tại, Nga có 15 khoản vay nước ngoài với thời gian đáo hạn từ năm 2002 đến năm 2047.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, Nga sẽ chỉ trả nợ bằng ngoại tệ khi tài sản tiền tệ của họ không bị chặn. Trong trường hợp bị từ chối hoặc thiếu phản hồi từ các ngân hàng đại lý, Nga sẽ hoàn trả và xử lý các khoản nợ nước ngoài của mình bằng đồng rúp.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2, EU đã thông qua 5 gói trừng phạt tài chính đối với Moscow và hiện đang xem xét gói thứ sáu. Các hạn chế bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Nga, từ ngân hàng đến xuất khẩu than.
Trong khi đó, hàng trăm công ty nước ngoài đã đình chỉ hoặc ngừng hoạt động hoàn toàn tại Nga. Moscow coi các biện pháp này là trái pháp luật và không có căn cứ, và đã đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt trả đũa.
Thùy Dương (Theo TASS)