Bệnh áp xe hậu môn và rò hậu môn là những căn bệnh nguy hiểm thường thấy liên quan tới bộ phận hậu môn của con người. Vậy những căn bệnh này nguy hiểm thế nào?
Các loại áp xe cạnh hậu môn. |
Áp xe hậu môn và rò hậu môn là gì?
Áp xe cạnh hậu môn là một ổ nhiễm khuẩn có chứa mủ nằm ở cạnh hậu môn hoặc trực tràng.
Rò hậu môn thường hình thành từ những ổ áp xe cạnh hậu môn cũ hoặc mới, thường xuất hiện ở 50% bệnh nhân có áp xe cạnh hậu môn. Người bình thường có các tuyến bã nằm rải rác trong ống hậu môn. Có những khi các tuyến bã này bị bít tắc và nhiễm khuẩn rồi hình thành một ổ áp xe. Đường rò hậu môn là một đường hầm nằm dưới da và thông từ ổ áp xe tới tuyến bã bị nhiễm khuẩn. Đường rò hậu môn có thể xuất hiện cùng với áp xe hoặc không và có thể thông với da vùng mông (da xung quanh hậu môn). Một số bệnh khác như bệnh Crohn, xạ trị sau mổ ung thư, chấn thương vùng hậu môn, và ung thư hậu môn trực tràng cũng có thể gây nên bệnh rò hậu môn.
Các loại rò hậu môn. |
Sự hình thành áp xe cạnh hậu môn hoặc rò hậu môn diễn ra như thế nào?
Áp xe cạnh hậu môn thường xuất hiện sau khi tuyến bã ở trong hậu môn bị nhiễm trùng. Các tuyến bã ở trong hậu môn bị bít tắc bởi vi khuẩn, phân, dị vật và tạo thành môi trường để hình thành ổ áp xe. Những ổ áp xe này sẽ phá dần ra ngoài và hình thành các đường rò thông từ tuyến bã bị nhiễm trùng (lỗ trong của đường rò) với da bên ngoài hậu môn (lỗ ngoài của đường rò). Hiện tượng hình thành đường rò này thường xảy ra ở 50% bệnh nhân có ổ áp xe cạnh hậu môn. Khi đã hình thành đường rò rồi, mà lỗ ngoài liền lại (đóng lại) thì hiện tượng áp xe sẽ lại xuất hiện.
Những dấu hiệu, triệu chứng đặc trưng của bệnh áp xe cạnh hậu môn và rò hậu môn là gì?
Khi xuất hiện ổ áp xe cạnh hậu môn bệnh nhân có thể thấy đau, đỏ, sưng, ở vùng xung quanh hậu môn. Mệt mỏi, sốt nóng, sốt rét cũng thường xảy ra. Ở những bệnh nhân bị rò hậu môn cũng có những dấu hiệu và triệu chứng tương tự, tuy nhiên có thêm những dấu hiệu như viêm đỏ vùng da xung quanh hậu môn, rỉ dịch (trắng đục) từ lỗ ngoài của đường rò nằm cạnh hậu môn.
Có phương pháp đặc biệt nào để chẩn đoán áp xe và rò hậu môn không?
Câu trả lời là KHÔNG. Hầu hết các bệnh nhân bị áp xe và rò hậu môn được chẩn đoán bằng các dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng. Các xét nghiệm hỗ trợ như siêu âm, chụp CT scan (chụp cắt lớp vi tính) và chụp MRI (cộng hưởng từ) chỉ hỗ trợ chẩn đoán những ổ áp xe nằm ở sâu và gợi ý hướng đi của đường rò.
Điều trị bệnh áp xe cạnh hậu môn như thế nào?
Điều trị một ổ áp xe bằng việc mổ (trích rạch) mở, làm sạch và dẫn lưu ổ áp xe. Một đường rạch da ở vùng cạnh hậu môn chỗ có ổ áp xe để mở và làm sạch nó. Thủ thuật này có thể được thực hiện bằng gây tê tại chỗ và làm tại phòng khám chuyên khoa hậu môn trực tràng. Nếu ổ áp xe lớn và nằm sâu sẽ phải mổ tại phòng mổ dưới gây tê tuỷ sống hoặc gây mê.
Điều trị bệnh rò hậu môn như thế nào?
Cách điều trị duy nhất và hiệu quả nhất là phẫu thuật. Tuy nhiên phẫu thuật cũng có thể có những biến chứng, đôi khi đòi hỏi phải phẫu thuật nhiều thì, nhiều lần. Những phẫu thuật này phải được thực hiện bởi các bác sỹ chuyên khoa về hậu môn trực tràng.
Phẫu thuật có thể thực hiện cùng lúc với việc mổ mở, dẫn lưu áp xe cạnh hậu môn, nhưng đôi khi đường rò chỉ xuất hiện sau vài tuần đến vài tháng sau khi áp xe đựơc dẫn lưu. Những bệnh nhân rò hậu môn đơn giản thường được mổ bằng phương pháp “mở ngỏ đường rò”. Phương pháp này được thực hiện bằng cách kết nối lỗ trong (ở trong ống hậu môn với lỗ ngoài của đường rò, rồi mở ngỏ toàn bộ đường rò này, vết thương sẽ được để hở (không khâu lại) và sẽ được liền từ trong ra ngoài. Phẫu thuật này thường đòi hỏi phải mở 1 phần cơ thắt hậu môn mà có thể ảnh hưởng đến khả năng tự chủ hậu môn của bệnh nhân.
Ths.Bs Phạm Phúc Khánh – Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng và tầng sinh môn