Đó là con số đáng lưu ý được nêu ra trong hội thảo Tập huấn bộ tài liệu “Văn hóa giao thông” dành cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở năm 2018 do bộ GD&ĐT phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức.
Mới đây, bộ GD&ĐT đã phối hợp cùng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp tổ chức Hội thảo tập huấn bộ tài liệu “Văn hóa giao thông” dành cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở năm 2018.
Tại đây, Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông (cục Cảnh sát Giao thông – C67- bộ Công an) cho rằng: Văn hóa giao thông tưởng chừng là cao siêu nhưng thật ra là hết sức đơn giản. Chín cuốn sách về văn hóa giao thông được xây dựng bởi bộ GD&ĐT và Ủy ban ATGT Quốc gia lần đầu tiên được xây dựng này đã xây dựng và sẽ giúp cho các em có thể xây dựng được văn hóa giao thông. Đây cũng là điều mà nhưng người làm công tác ATGT như tôi rất tâm đắc.
Theo ông Sơn, những năm qua tình hình ATGT diễn biến rất phức tạp, mỗi ngày trên đất nước có hàng chục người chết do tai nạn giao thông. “Người ta ví tai nạn giao thông ở Việt Nam như hậu quả của chiến tranh, hoặc như những vụ thiên tai lớn của thế giới cộng lại. Bây giờ tuy tai nạn giao thông đang có chiều hướng xuyên giảm, nhưng mỗi năm vẫn có gần 10.000 người chết. Có những vụ tai nạn rất đau lòng như vụ việc xảy ra ở Quảng Nam vừa qua khiến 13 người tử vong”.
Đại tá Trần Sơn. Ảnh Đăng Lương. |
“Từ những thực tiễn này, việc chúng ta dạy cho học sinh một văn hóa giao thông là một trong những cách thiết thực để giảm thiểu hậu quả từ tai nạn giao thông trong tương lai”, Đại tá Trần Sơn nói.
Ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, bộ GD&ĐT cho biết, tậ "Văn hóa giao thông" này không chỉ nói về văn hóa, mà đưa pháp luật vào với khối lượng kiến thức phù hợp với từng lứa tuổi học sinh.
“Sau 2 năm triển khai, chúng tôi mới bắt đầu hoàn thiện và cho thẩm định. Bộ tài liệu này sẽ tạo điều kiện cho các em trao đổi thảo luận, tổ chức các hoạt động tham gia giao thông theo tình huống. Những tình huống rất thực tế và đời thường của các em như đá bóng ở đường, đi xe đạp như nào, những lỗi các em hay vi phạm. Từ đó có thể nhớ được và rút kinh nghiệm tình huống mình đã học khi vào thực tế”, ông Bá nhấn mạnh.
Ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, bộ GD&ĐT phát biểu tại hội thảo. Ảnh Đăng Lương. |
Đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia, ông Uông Việt Dũng, Phó Chánh Văn phòng cho rằng việc giảm thiểu tai nạn giao thông là một nhiệm vụ chính trị. Việc bộ GD&ĐT phối hợp cùng các đơn vị quyết tâm xây dựng bộ tài liệu này là một hành động thể hiện sự quyết tâm trong việc chung tay giảm thiểu hậu quả của tai nạn giao thông.
Cũng tại Hội thảo cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các thầy, cô giáo và cán bộ của các sở GD&ĐT trên cả nước nhằm hoàn thiện Bộ tài liệu này với mục tiêu phù hợp và thiết thực với từng lứa tuổi học sinh.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) Quý II, phương hướng, nhiệm vụ Quý III/2017.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu: Bộ GD&ĐT khẩn trương phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xây dựng nội dung và ban hành bộ tài liệu “Văn hóa giao thông” cho học sinh trung học cơ sở ngay trong Quý III/2017;
Đồng thời, có văn bản chỉ đạo các sở GD&ĐT tăng cường thực hiện biện pháp tuyên truyền, giáo dục kiến thức ATGT năm học 2017-2018; nghiên cứu đưa nội dung giảng dạy ý thức chấp hành luật lệ giao thông, văn hóa giao thông vào các cấp học từ mầm non, tiểu học... tạo nên thế hệ mới có ý thức chấp hành luật lệ giao thông, có văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự.
Nguyễn Đăng Lương (Người Đưa Tin)