+Aa-
    Zalo

    Mối đe dọa từ "kho súng dân dụng" khổng lồ ở Mỹ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Môi trường lỏng lẻo về quyền sở hữu súng ở Mỹ dẫn đến việc người dân có một "kho súng" khổng lồ, đe dọa đến sự an toàn xã hội của nước này.

    Ít nhất 21 người thiệt mạng trong một vụ xả súng vào trường tiểu học Robb ở Uvalde, bang Texas, Mỹ, hôm 24/5. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 212 vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ trong vòng chưa đầy sáu tháng.

    Theo Thời báo Hoàn Cầu, do các yếu tố lịch sử và chính trị phức tạp, các đời chính phủ của Mỹ đã "thờ ơ hoặc đấu tranh" để tăng cường kiểm soát súng, dẫn đến việc người dân Mỹ có một "kho súng" khổng lồ, nguy cơ gây mất an toàn cho xã hội nước này.

    moi de doa tu kho sung dan dung khong lo o my 01
    Người thân của các nạn nhân bàng hoàng sau vụ xả súng. Ảnh: Reuters

    Số lượng súng riêng đã vượt quá tổng dân số?

    Vụ xả súng trường tiểu học Robb vừa qua lại một lần nữa gây chấn động thế giới, đồng thời sự việc cũng khiến nhiều quốc gia phải chú ý đến việc nước Mỹ có bao nhiêu khẩu súng.

    Được sự ủy quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cục Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ (ATF) của bộ Tư pháp Mỹ gần đây đã công bố báo cáo thống kê đầu tiên về việc buôn bán súng ở nước này trong gần 20 năm qua.

    Theo báo cáo, quốc gia này đang trong giai đoạn bùng nổ mua súng chưa có dấu hiệu giảm bớt. Năm 2000, sản lượng súng của Mỹ là 3,9 triệu khẩu, con số này đạt 11,3 triệu khẩu vào năm 2020 và sản lượng súng tăng gần gấp ba lần qua mỗi năm. Từ năm 2000 đến năm 2020, các nhà sản xuất súng của Mỹ đã sản xuất khoảng 139 triệu khẩu súng.

    Đồng thời, số lượng súng các loại nhập khẩu cũng tăng mạnh. Trong 20 năm qua, Mỹ nhập khẩu 71 triệu khẩu từ nước ngoài, năm 2010 nhập khẩu khoảng 2 triệu khẩu, năm 2020 đạt mức kỷ lục hơn 4 triệu khẩu.

    Cũng trong giai đoạn này, ngành công nghiệp súng cũng phát triển nhanh chóng. Năm 2000, có 2.222 nhà sản xuất súng đăng ký tại Mỹ và đến năm 2020, con số này đã lên tới 16.963.

    Bộ Tư pháp Mỹ thu thập số liệu thống kê về súng mà người dân nước này sở hữu theo 5 loại: súng lục, súng ổ quay, súng trường, súng ngắn và các loại súng cầm tay khác.

    Báo cáo cho thấy, mặc dù súng trường tấn công bán tự động thường được các tay súng sử dụng trong các vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ trong những năm gần đây nhưng người Mỹ ngày càng thích mua súng ngắn bán tự động 9mm với giá cả phải chăng, dễ sử dụng và chính xác.

    Nhu cầu về súng lục bán tự động tăng với tốc độ nhanh nhất, với sản lượng súng lục tăng vọt từ khoảng 3 triệu lên 5,5 triệu mỗi năm.

    Báo cáo cũng lưu ý rằng Mỹ đang phải đối mặt với sự phổ biến của "súng ma". Đây là các loại súng có thể được mua dưới dạng bộ dụng cụ để lắp ráp tại nhà và không có số series theo dõi nên cảnh sát không thể truy tìm được nguồn gốc.

    Năm 2021, cảnh sát Mỹ đã thu giữ 19.344 khẩu súng do tư nhân sản xuất, tăng gấp 10 lần so với năm 2016. Các quan chức thực thi pháp luật cho rằng điều này đã dẫn đến sự gia tăng các vụ giết người liên quan đến súng, đặc biệt là ở California, nơi "súng ma" chiếm một nửa số vũ khí bị thu giữ tại các hiện trường vụ án.

    Theo báo cáo nghiên cứu "Khảo sát vũ khí nhỏ toàn cầu" do viện Phát triển và Quan hệ Quốc tế cấp cao ở Geneva công bố, dân số Mỹ là 326 triệu người vào năm 2017 nhưng số lượng súng mà người dân sở hữu lên tới 393 triệu khẩu. Thậm chí, số liệu trung bình mỗi người một khẩu là 67 triệu.

    Theo ước tính, có trung bình 120,5 khẩu súng trên 100 người dân ở Mỹ. Mặc dù dân số Mỹ chỉ chiếm khoảng 4% dân số thế giới nhưng số lượng súng riêng của nước này chiếm 46% trong tổng số 857 triệu khẩu trên thế giới. Tờ New York Times cho rằng, những con số này là "sự uy hiếp" với dân chúng.

    Hồi tháng 4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một quy định mới mà ông hy vọng sẽ trấn áp được vấn nạn "súng ma" tại quốc gia này. Theo đó, các nhà sản xuất một số loại bộ dụng cụ "súng ma" sẽ phải bị áp đặt những hạn chế tương tự như các nhà sản xuất súng theo Đạo luật kiểm soát súng đạn. các nhà sản xuất bộ dụng cụ "súng ma" được yêu cầu phải có giấy phép liên bang và bao gồm số seri trên các thành phần chính của vũ khí.

    moi de doa tu kho sung dan dung khong lo o my 02
    Người dân Mỹ có thể dễ dàng sở hữu súng. Ảnh: New York Post

    Các tổ chức ủng hộ sở hữu súng quảng bá "mua súng để tự vệ"

    Cùng với việc "kho súng dân dụng" ngày càng mở rộng ở Mỹ, các tổ chức ủng hộ sở hữu súng cũng ngày càng phát triển, điển hình là Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA).

    NRA được coi là tổ chức có khả năng vận động hành lang mạnh mẽ, từng ngăn quốc hội Mỹ thông qua các dự luật về kiểm soát súng đạn. Theo dữ liệu của tổ chức phi chính phủ Open Secrets, NRA chi khoảng 3 triệu USD một năm để gây ảnh hưởng đến các chính sách về súng đạn.

    Theo Thời báo Hoàn Cầu, nguyên tắc đối phó tội phạm liên quan đến súng của NRA là "kiểm soát bạo lực bằng bạo lực" và khuyến khích mọi người cầm súng để bảo vệ chính họ.

    Do đó, NRA đã mở rất nhiều trung tâm bắn súng, trường đào tạo, ... trên khắp đất nước để dạy mọi người cách sử dụng súng.

    Ví dụ, sau vụ xả súng tại trường tiểu học Sandy Hook ở Mỹ năm 2012 khiến hơn 20 người thiệt mạng, NRA đã kêu gọi nhân viên trường học ở nhiều bang mang súng đi làm, huấn luyện họ cách dùng súng cầm tay để đối phó với các vụ xả súng.

    Theo báo cáo, chỉ riêng ở bang Ohio, hơn 1.300 nhân viên trường học đã được đào tạo về súng chuyên nghiệp do NRA cung cấp, bao gồm hiệu trưởng, giáo viên, tài xế xe buýt và nhân viên căng tin.

    Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã đưa ra một thông báo cho thấy sự gia tăng "lịch sử" về số ca tử vong liên quan đến súng ở nước này vào năm 2020. Cụ thể, 19.350 vụ giết người bằng súng ở Mỹ, tăng gần 35% so với năm 2019; 24.245 vụ tự sát liên quan đến súng, tăng 1,5%.

    Cũng trong năm 2020, trung bình có 6,1 ca tử vong vì súng trên 100.000 cư dân ở Mỹ, mức cao nhất trong 25 năm.

    "Quả bom hẹn giờ"

    Tác hại của việc phổ biến súng đạn không chỉ ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, mà còn "cộng hưởng" với chủ nghĩa cực đoan của người da trắng cực hữu, đặt ra một mối đe dọa đáng kể đối với an ninh của Mỹ.

    Theo dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, các băng nhóm cực hữu của Mỹ âm mưu hoặc thực hiện các hoạt động khủng bố tại nước này chiếm 90% các hoạt động bất hợp pháp tương tự và tốc độ phát triển vượt xa tỷ lệ phát triển của các loại tổ chức khác như al-Qaeda hay Nhà nước Hồi giáo.

    Môi trường lỏng lẻo về quyền sở hữu súng ở Mỹ khiến các nhóm cực hữu này rất dễ dàng có được vũ khí và đủ nguồn cung cấp đạn dược.

    Càng nghiêm trọng hơn khi các tổ chức như vậy hướng mục tiêu vào các cựu chiến binh để tuyển dụng.

    Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông như "Stars and Stripes" của quân đội Mỹ, các cựu chiến binh thường có trình độ quân sự xuất sắc, họ thành thạo vũ khí, khả năng chiến đấu theo nhóm và thông tin nội bộ đã tiếp xúc,... đều "rất hấp dẫn" đối với các băng đảng ngoài vòng pháp luật đang cố gắng lật đổ chế độ Mỹ.

    Trong cuộc bạo loạn Đồi Capitol vào tháng 1/2021, tổng cộng 620 người đã bị bắt giữ, trong đó 71 người có xuất thân từ quân đội, chiếm 12% tổng số kẻ bạo loạn bị bắt.

    Đáng lo ngại hơn nữa là nhiều cựu chiến binh hiện đang trở thành trụ cột của các lực lượng cực đoan, thậm chí có người đã lọt vào hàng ngũ lãnh đạo.

    Họ được tiếp cận miễn phí với vũ khí và đạn dược, mặc dù là vũ khí hạng nhẹ nhưng họ thường có khả năng "thảm sát" đối với những người dân không có vũ khí.

    Đối với Mỹ, những mối đe dọa như vậy chẳng khác nào “quả bom hẹn giờ” có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

    Hoa Vũ (Theo Thời báo Hoàn Cầu)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/moi-de-doa-tu-kho-sung-dan-dung-khong-lo-o-my-a539002.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan