Công ty công nghệ sinh học Moderna đã hợp tác với Tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến Vaccine ngừa bệnh AIDS Quốc tế (IAVI) để phát triển loại vaccine chống HIV, sử dụng công nghệ mRNA tương tự như vaccine ngừa COVID-19.
Theo tuyên bố của Moderna, những người đầu tiên tham gia thử nghiệm giai đoạn 1 đã được tiêm thử vaccine tại Trường Y khoa và Khoa học Sức khỏe Đại học George Washington (GWU) ở Washington D.C (Mỹ).
Tiến sĩ Mark Feinberg, chủ tịch và giám đốc điều hành của IAVI, chia sẻ: "Chúng tôi rất vui mừng vì đã phát triển được hướng mới này trong thiết kế vaccine chống HIV dựa trên nền tảng mRNA của Moderna. Việc phát triển vaccine chống HIV đã tốn rất nhiều thời gian và đầy thách thức. Việc có các công cụ mới về nền tảng và chất tạo miễn dịch có thể là chìa khóa để đạt được tiến bộ nhanh chóng đối với một loại vaccine chống HIV hiệu quả, phục vụ mục đích khẩn cấp".
Giai đoạn thử nghiệm đầu tiên của vaccine này sẽ có sự tham gia của 56 người lớn khỏe mạnh, âm tính với HIV tại GWU và 3 địa điểm bổ sung bao gồm: Phòng khám của Trung tâm Tiêm chủng Emory ở Atlanta; Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle; và Đại học Texas-Trung tâm Khoa học Y tế tại San Antonio.
Trong số những người tham gia thử nghiệm, 48 người sẽ được tiêm một hoặc hai liều vaccine mRNA, 32 người trong số này cũng sẽ được tiêm nhắc lại. Tám người còn lại của thử nghiệm sẽ chỉ được tiêm một mũi tăng cường.
Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ theo dõi tính an toàn và hiệu quả của vaccine mới trong tối đa 6 tháng sau khi những người tham gia nhận được tiêm mũi cuối cùng.
Vaccine sử dụng công nghệ mRNA - RNA thông tin - sẽ giúp các tế bào của cơ thể cách tạo ra các protein kích hoạt các phản ứng miễn dịch. Các nhà nghiên cứu đã phát triển không chỉ một loại vaccine chính mà còn là một chất tăng cường để cung cấp miễn dịch với HIV - các phân tử tạo ra phản ứng miễn dịch - thông qua mRNA.
Theo đó, các nhà nghiên cứu hy vọng quá trình này có thể tạo ra các tế bào bạch cầu cụ thể, được gọi là tế bào B, và trở thành những gì được gọi là kháng thể trung hòa rộng rãi có thể vô hiệu hóa virus.
Gần 38 triệu người trên toàn thế giới - bao gồm khoảng 1,3 triệu người ở Mỹ - đang phải sống chung với HIV, virus làm suy giảm hệ miễn dịch và có nguy cơ gây bệnh AIDS. Trong hàng chục năm qua, việc bị chẩn đoán mắc HIV được goi như một "án tử" với bệnh nhân. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) trong thời kỳ cao điểm của đại dịch AIDS tại Mỹ vào giữa những năm 1990, hàng năm, nước này ghi nhận tới 50.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này.
Ngày nay, HIV đã có thể dễ kiểm soát hơn nhiều với các loại thuốc hỗ trợ làm giảm tải lượng virus xuống mức thấp để virus không thể lây lan. Ngoài ra, cũng cóc các loại thuốc uống đã được phát triển ngăn lây nhiễm cho những người âm tính với HIV.
Dù vậy, trong nhiều thập kỷ nghiên cứu, thế giới vẫn chưa thể tìm ra một loại vaccine phù hợp đối với căn bệnh này. Một số loại vaccine tiềm năng đã được thử nghiệm lâm sàng nhưng đều không thành công.
Minh Hạnh (Theo ABC News)