Thu hút nguồn lực tư nhân vào phát triển hạ tầng vẫn là hướng đi được ưu tiên trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, nhất là khi nhu cầu vốn cho các dự án giao thông từ nay đến 2020 rất lớn.
Sân bay Vân Đồn đang khẩn trương thi công để hoàn thành cuối năm nayẢNH: D.C |
Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật (ảnh) xung quanh vấn đề này.
Hình thức đầu tư PPP cụ thể là BOT vẫn là lựa chọn cho các dự án giao thông sắp tới, đặc biệt là cao tốc bắc - nam. Bộ GTVT có giải pháp gì trong triển khai, tránh lặp lại các bất cập của nhiều dự án BOT trước đây?
Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về lựa chọn nhà đầu tư, trình tự, thủ tục và quy trình thực hiện dự án công tư (PPP).
Đầu tư BOT là cần thiết vì ngân sách nhà nước không đủ đáp ứng vốn đầu tư rất lớn cho hạ tầng giao thông. Nhưng để tránh lặp lại các vấn đề tồn tại trước đây thì sắp tới sẽ phải hoàn thiện khung khổ pháp luật theo hướng chuẩn mực và minh bạch hơn để hiệu quả và thu hút đầu tư. Không chỉ VN mà các nước đang phát triển khác và ngay cả các nước phát triển như Nhật, Anh, Pháp, Mỹ… cũng đang đầu tư theo hình thức BOT. Tuy nhiên, các nước đang phát triển trong đó có VN đều làm BOT, PPP theo kiểu “mò đá qua sông” vì trước đó chúng ta không hề có luật, nghị định. Các nước phát triển xây dựng luật PPP rồi mới triển khai, nhưng do nhu cầu đòi hỏi đầu tư của xã hội nên chúng ta phải chấp nhận vừa làm vừa hoàn thiện quy định, vừa làm vừa sửa. Những gì đã làm tốt thì sẽ tiếp tục phát huy, những gì chưa hoàn chỉnh thì sẽ khắc phục sửa chữa.
Cụ thể, Bộ GTVT đang tham gia xây dựng, bổ sung thay đổi các nghị định về PPP như nghị định 15, 30 và đề xuất xây dựng luật PPP. Trước đây chỉ định thầu thì hiện nay yêu cầu bắt buộc phải đấu thầu, minh bạch công khai rộng rãi. Những gì mà xã hội không đồng thuận như đầu tư BOT trên một tuyến độc đạo tới đây không làm nữa, kiên quyết chỉ làm dự án BOT trên các tuyến mới…
Nhiều lo ngại cho rằng việc thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án giao thông sẽ gặp khó do nhiều yếu tố từ vay vốn tín dụng ngân hàng đến tỷ lệ chủ sở hữu vốn của nhà đầu tư cao. Bộ GTVT sẽ có giải pháp như thế nào về quản lý nhà nước để khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia hạ tầng?
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được quy định tăng cao lên để thu hút những nhà đầu tư đích thực, có tài chính mạnh. Theo nghị định sửa đổi đề xuất vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư lên 15 - 20% (trước đây là 10 - 15%) nhưng đây không phải là tỷ lệ quá cao. Nhà đầu tư ít ra phải có vốn chủ sở hữu để làm chứ không thể “tay không bắt giặc”, quy định này nhằm loại bỏ tất cả những nhà đầu tư không có năng lực tài chính mà vẫn tham gia vào BOT, tránh tình trạng một số dự án trước đây bị chậm, kéo dài, dựa vào ngân hàng vì nhà đầu tư yếu kém, không đủ vốn… Tôi cho rằng những doanh nghiệp (DN) tư nhân lớn có tiềm lực tài chính hiện nay như Vingroup, Sungroup... nếu xem xét các dự án thấy hiệu quả, rõ ràng minh bạch thì vẫn sẵn sàng tham gia.
Hiện tại vốn tín dụng cho vay BOT mới chiếm tỷ lệ gần 1% trong toàn bộ hệ thống ngân hàng. Một số ngân hàng sợ rủi ro khi cho vay BOT, nhưng với các dự án sắp tới sẽ khắc phục, sửa chữa những tồn tại trước đây. Với các dự án tốt, được khảo sát, thiết kế, lập dự án chính xác, đầy đủ, công khai minh bạch thì không có gì khó khăn trong vay vốn tín dụng.
Quan điểm của Bộ là tạo điều kiện mở cửa tối đa cho các nhà đầu tư đủ năng lực, đặc biệt các nhà đầu tư tư nhân. Lấy ví dụ như sân bay quốc tế Vân Đồn do nhà đầu tư tư nhân triển khai tại Quảng Ninh, đây là cách làm rất tốt, DN có sẵn tiềm lực tài chính, đẩy nhanh xây dựng sân bay để tăng tính kết nối có lợi cho cả DN lẫn địa phương. Vì vậy, thời gian từ khi triển khai xây dựng đến hoàn thiện rất nhanh chóng nếu so với chính các sân bay do nhà nước làm. Trên thế giới, tư nhân làm sân bay rất nhiều, quy hoạch sân bay trong nước cũng đã đầy đủ, DN nào đủ khả năng đều có thể tham gia.
Quảng Ninh đang nổi lên như một điểm sáng thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng. Ông đánh giá thế nào về cách huy động nguồn lực xã hội của địa phương này thời gian qua?
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vừa có chuyến kiểm tra các dự án giao thông lớn tại Quảng Ninh và có những đánh giá rất cao. Quảng Ninh là một trong những điểm sáng trong thu hút đầu tư và làm cơ sở hạ tầng với các dự án theo hình thức PPP, BOT - là mô hình cho các tỉnh và ngay cả Bộ GTVT học tập và noi theo. Bộ GTVT đánh giá rất cao mô hình đầu tư và phát triển hạ tầng của Quảng Ninh, không chỉ đường bộ, cảng biển, du lịch mà ngay cả hàng không, tỉnh này cũng đã thu hút vốn và đầu tư rất hiệu quả.
Mấu chốt thành công của Quảng Ninh có nhiều yếu tố, từ cán bộ lãnh đạo năng động, quy hoạch phát triển kinh tế rõ ràng. Quảng Ninh cũng là tỉnh phát triển kinh tế nhanh, có nguồn lực lớn dẫn đến có khả năng tái đầu tư, nhiều “vốn mồi” hỗ trợ cho các nhà đầu tư, và đặc biệt là tích cực trong xúc tiến đầu tư và hỗ trợ cho DN, tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư.