(ĐSPL) - Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mở cửa nhập khẩu gia cầm Trung Quốc vào Việt Nam mà không đảm bảo được công tác kiểm dịch thì chẳng khác nào “rước họa vào nhà”.
100\% gà Trung Quốc đang nhập vào Việt Nam trái phép
Tin tức trên báo infonet, Cục Thú y khẳng định, toàn bộ gà Trung Quốc nhập vào Việt Nam đều là trái phép, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc chưa ký kết thỏa thuận nào về xuất khẩu, nhập khẩu.
"Trong thực tế, việc vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới hai nước đã và đang diễn ra, cụ thể là gà thịt, gà giống 01 ngày tuổi từ Trung Quốc sang Việt Nam và trâu, bò, lợn từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc chưa ký kết thỏa thuận nào về xuất khẩu, nhập khẩu gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm giữa hai nước.
Do vậy, các hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới hai nước đều là bất hợp pháp; gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm vận chuyển qua biên giới phần lớn đều không xác định được nguồn gốc, có nguy cơ mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh,.. do không có sự quản lý, giám sát của chuyên môn thú y.", đại diện Cục Thú y cho biết.
Mặt khác, cơ quan này cũng cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc ngăn cấm thương mại quốc tế là rất khó.
Cuối tháng 1/2016, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị song phương Việt Nam -Trung Quốc về hợp tác thú y, tăng cường giám sát và kiểm soát dịch bệnh động vật qua biên giới.
Đáng chú ý, theo website của Cục Thú y “Hội thảo cũng nhằm mục đích xúc tiến về việc thương mại bước đầu một số loại động vật, sản phẩm động vật an toàn của hai nước dựa trên tình hình thực tế, đặc biệt là xuất khẩu thịt gà và gà con 1 ngày tuổi từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng như xuất heo thịt và bò từ Việt Nam sang Trung Quốc”.
Lâu nay, nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật từ Trung Quốc luôn tiềm ẩn rủi ro dịch bệnh, chính vì thế điều này đang làm dấy lên lo ngại thực phẩm bẩn có cơ hội tràn vào Việt Nam, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và ngành chăn nuôi trong nước.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mở cửa nhập khẩu gia cầm Trung Quốc vào Việt Nam mà không đảm bảo được công tác kiểm dịch thì chẳng khác nào “rước họa vào nhà”. (Ảnh minh họa). |
Mở cửa "rước" gà Trung Quốc vào Việt Nam: Liệu có khả thi?
Báo Thanh tra cho biết, nhiều năm qua, bằng đường tiểu ngạch, gà thải loại (đã đẻ hết trứng) và gà giống được nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam mang theo nguy cơ dịch bệnh, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng do dư lượng kháng sinh tồn đọng cao trong thịt.
Lo ngại từ dư luận là đúng, bởi nếu gà cùng chất lượng tương đương ở Việt Nam, ngay bên Trung Quốc có giá cao hơn ta 30\%, cho nên xuất khẩu gà “khỏe” thì họ sẽ lỗ. Nhưng với gà thải loại bên đó có giá nguyên liệu làm thức ăn gia súc. Thời gian qua, loại gà này được vỗ béo bằng thuốc tăng trọng rồi tuồn sang Việt Nam, dư lượng kháng sinh tồn cao. Do hoạt động kiểm dịch, kiểm định bên ta còn nhiều yếu kém, cho nên gà thải loại đã mặc sức tung hoành và hệ quả là người chăn nuôi và người tiêu dùng chịu đòn.
Trước thông tin "Đổi bò, lợn lấy gà Trung Quốc", báo Thanh niên dẫn lời ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, bức xúc: “Mấy năm trước người chăn nuôi trong nước chết dập chết dụi từ gà thịt đến gà trứng. Từ ngày Chính phủ quyết liệt chống gà lậu qua biên giới họ mới gượng dậy được nhưng vẫn còn phải lo đối phó với thịt gà giá rẻ của Mỹ. Nếu giờ cho nhập khẩu gà từ Trung Quốc thì người nuôi gà sẽ chết”.
Theo đại tá Trần Trọng Bình, Cục phó Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), gà Trung Quốc có dư lượng kháng sinh rất cao vì dịch bệnh bên đó hoành hành dữ dội. Vì kháng sinh cao nên tuy gà vẫn sống nhưng mang trên mình nhiều chủng cúm, nếu gà này nhập vào Việt Nam sẽ lây cúm cho đàn gà thuần chủng của chúng ta. Giá bán bèo bọt gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi gà của Việt Nam và người tiêu dùng ăn phải loại gà này cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Giái đáp vấn đề này, phía Cục Thú y cho rằng, Việt Nam sẽ tăng cường khâu kiểm định, kiểm dịch để gà bẩn không vào được. Đổi lại, ta xuất khẩu được bò, lợn sang Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế này có khả thi?
Ông Nguyễn Kim Đoán nói thẳng từ xưa tới nay Trung Quốc chưa bao giờ muốn làm ăn lâu dài, nghiêm túc theo dạng hợp đồng với chúng ta. “Hiện giá heo hơi tại các trang trại đang khá tốt do Trung Quốc thu gom nhiều vì đàn heo của nước này bị ảnh hưởng bởi đợt lạnh hồi cuối năm ngoái, đầu năm nay. Nhưng giá chỉ tăng khi họ thu mua và sẽ giảm ngay khi ngưng lại. Chuyện này vẫn luôn diễn ra suốt nhiều năm”, ông Đoán nói.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ phân tích Việt Nam không "lợi lộc" gì từ điều này. Việc Việt Nam có xuất heo tiểu ngạch sang Trung Quốc vì là quy mô lãnh thổ nước này quá lớn nên ở một số nơi, nếu họ vận chuyển hàng từ nơi thừa sang nơi thiếu giá thành còn cao hơn mua từ Việt Nam nên mới mua từ chúng ta. Nhưng số lượng hết sức nhỏ lẻ, chỉ để phục vụ nhu cầu của người dân ở các vùng biên giới. Còn về cơ bản, Trung Quốc vẫn là nước xuất khẩu thịt heo, hiện họ cũng đang xuất sang Nga.
Về thịt bò, mỗi năm ta phải nhập khẩu hàng chục vạn con bò từ Úc về giết thịt. Còn thịt bò đông lạnh từ Úc, từ Mỹ cũng nhập tới hàng ngàn tấn mỗi năm. Có nghĩa là ta đang thiếu thì lấy đâu ra mà xuất khẩu!
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mở cửa nhập khẩu mà không đảm bảo được công tác kiểm dịch thì chẳng khác nào “rước họa vào nhà”.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết: "Khi đưa vào chính ngạch thì trước hết chúng ta sẽ kiểm soát được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của gia cầm nhập khẩu và kiểm soát được dịch bệnh của những gia cầm nhập khẩu."
Đặc biệt trước những phản đối cũng như nghi ngại của dư luận xung quanh việc chúng ta làm thế nào để kiểm soát tốt được chất lượng nguồn nhập khẩu theo đường chính ngạch này và có thể là cơ hội để các đối tượng có thể hợp thức hóa sản phẩm kém chất lượng nhập về Việt Nam. Đại diện Cục Thú y cho rằng chúng ta khi chính thức cho nhập khẩu thì phải đảm bảo các tiêu chuẩn về thông lệ Quốc tế thì sản phẩm đấy sẽ được cả Cục thú y 2 nước kiểm soát.
Bà Nguyễn Thị Thủy, cho biết: "Cái sản phẩm đấy đầu tiên là phải đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, thứ 2 là an toàn dịch bệnh, đặc biệt là những bệnh truyền lây từ động vật sang người thì cái đấy phải được xem xét và theo thông lệ Quốc tế và như vậy những con gia cầm và con gia cầm giống sẽ đảm bảo chất lượng như chúng ta nhập khẩu từ các nước khác."
Từ giờ đến lúc chính thức có thể xuất nhập khẩu theo đường chính ngạch gia súc, gia cầm theo đường chính ngạch từ 2 nước vẫn còn một chặng đường dài. Nhưng chúng ta hi vọng rằng với việc có hàng rào kỹ thuật cụ thể và sự vào cuộc thật nghiêm túc, quyết liệt, thường xuyên của cơ quan chức thì vấn đề mà dư luận nghi ngại những ngày gần đây như gà thải, thịt rác, phá hoại nền chăn nuôi trong nước sẽ không xảy ra.
TUYẾT MAI (Tổng hợp)