(ĐSPL) - Đó là khẳng định của TS. Đỗ Chí Nghĩa, Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) khi trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật.
Cũng theo vị tiến sỹ này thì để mạng xã hội "sạch" hơn, tránh những thông tin trái chiều không chính xác thì những thông tin đó phải được phản hồi một cách tích cực.
TS. Đỗ Chí Nghĩa: Phải minh bạch thông tin để quản lý tốt mạng xã hội. |
Thưa ông, trong bối cảnh internet ngày càng phát triển thì vấn đề định hướng dư luận trên mạng xã hội đang đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết. Ông nhận định sao về vấn đề này?
Từ những kinh nghiệm của một số nước trong quản lý mạng xã hội cho thấy, để kiểm soát và loại trừ những nguy cơ mà mạng xã hội mang lại, các nước trên thế giới có những biện pháp kiểm soát khác nhau nhưng đều có mục đích chung là hạn chế đến mức thấp nhất những nguy cơ từ mạng xã hội, đồng thời vẫn bảo đảm phát triển.
Thực tế là những tác động tiêu cực của mạng xã hội tại Việt Nam đã phần nào bộc lộ trong thời gian qua. Vì thế tôi cho rằng Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng đã tạo ra hành lang minh bạch để phát triển mạng xã hội. Tuy nhiên, để định hướng thông tin mạng xã hội giống như định hướng thông tin báo chí, hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn do những đặc thù nhất định.
Vậy theo ông, làm thế nào để khắc phục những tác động xấu của mạng xã hội, qua đó định hướng thông tin cho dư luận qua mạng xã hội?
Chúng ta phải chủ động "phản công". Muốn làm như vậy thì điều quan trọng là phải minh bạch thông tin. Trước một thông tin chưa xác minh được là đúng hay sai, người trong cuộc phải chủ động lên tiếng. Sự im lặng có thể khiến cho dân chúng bán tín bán nghi. Điều bất lợi trong chuyện này là những thông tin đi trước luôn có ưu thế và thông tin phản bác dễ bị nghi ngại. Do đó nếu thông tin phản bác kịp thời bao nhiêu sẽ tốt bấy nhiêu. Nếu chậm quá sẽ khó thay đổi lòng tin của người đọc vốn đã được xây dựng từ những thông tin đăng tải trước đó. Bởi thế, tôi cho rằng vai trò của các nguồn báo chí chính thống rất quan trọng để góp phần định hướng lại dư luận trên mạng xã hội. Bởi lẽ, báo chí vẫn là nguồn thông tin rất quan trọng và đáng tin cậy. Những thông tin xuất hiện trên mạng xã hội dù sao vẫn còn mang danh là "tin vịt".
Nói như vậy nghĩa là cần có sự tương tác tốt hơn nữa giữa báo chí và các đơn vị liên quan, thưa ông?
Trong vấn đề định hướng dư luận trên mạng xã hội thì điều này là hết sức cần thiết. Khi một thông tin xấu được đưa lên thì người đọc rất muốn xem người bị nói xấu sẽ phản ứng như thế nào. Tuy nhiên vấn đề phản hồi thông tin hiện nay chưa thực sự tốt. Nhiều đơn vị, nhiều tổ chức, cá nhân chọn giải pháp im lặng hoặc chậm trễ trong việc phản hồi với báo chí. Điều này dĩ nhiên sẽ tạo ra hậu quả xấu mà dễ nhận thấy nhất là sự hoang mang, "tam sao thất bản" trước thông tin gốc. Đây có lẽ là vấn đề mà trong thời gian tới chúng ta cần khắc phục.
Xin cảm ơn ông!