+Aa-
    Zalo

    Minexport trúng thầu hơn trăm tỷ: Lộ chiêu thức tinh vi khiến nhà thầu khác không có cửa “chen chân”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Việc chỉ định những phần mềm “độc quyền” trên sản phẩm đã khiến việc cạnh tranh thầu của các hãng khác đối với Minexport là bất khả thi vì chỉ nhà phân phối hoặc có giấy

    Việc chỉ định những phần mềm “độc quyền” trên sản phẩm đã khiến việc cạnh tranh thầu của các hãng khác đối với Minexport là bất khả thi vì chỉ nhà phân phối hoặc có giấy phép bán hàng từ chính hãng đó mới đáp ứng được.

    “Cài” thầu tinh vi?

    Ngày 2/6/2020, ông Nguyễn Minh Tùng – Phó Giám đốc sở Y tế tỉnh Bạc Liêu ký quyết định số 1404/QĐ-SYT phê duyệt E-HSMT gói số 11: Mua sắm và lắp đặt trang thiết bị thuộc Dự án Mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện chuyên khoa Lao. E-HSMT này được Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Tiến Đạt thẩm định. Nhà thầu duy nhất tham dự đấu thầu qua mạng và được lựa chọn trúng thầu là Công ty Cổ phầnXuất nhập khẩu khoáng sản(Minexport). Giá trúng thầu là 101,013 tỷ đồng (giá gói thầu là 101,875 tỷ đồng).

    Toà nhà của Minexport toạ lạc tại 28 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội

    Được biết, đây là loại hợp đồng trọn gói, thời gian thực hiện hợp đồng là 180 ngày. Trong danh sách 77 mặt hàng trúng thầu tại gói thầu này, xuất hiện một số mặt hàng giá trị cao, lên tới cả tỷ đồng như: Hệ thống CT Scanner 16 lát cắt TSX-035A (Aquilion Lightning) hãng Canon Medical (xuất xứ Nhật Bản) là 16,18 tỷ đồng; 1 máy xét nghiệm sinh hóa tự động Dimension EXL 200 hãng Siemens (xuất xứ Mỹ) là 6,166 tỷ đồng; 1 máy X-Quang 500mA Multix Impact hãng Siemens (xuất xứ Trung Quốc) là 5,523 tỷ đồng...

    Ngoài ra còn có một số mặt hàng nổi bật khác, giá thành cao như: xe ô tô cứu thương HIACE hãng Toyota Motor Corporation (Nhật Bản), xe ô tô cứu thương trang bị đầy đủ phương tiện cấp cứu GRH322L-EDFPHV; xe ô tô cứu thương thông thường GRH322L-EDFPHV; xe cứu thương chuyển bệnh nguy cơ lây nhiễm cao. ..

    Những con chữ được “cài” một cách hết sức tinh vi trong HSMT đã gây khó khan cho các nhà thầu khác tham gia dù đây là gói thầu đấu rộng rãi qua mạng

    Tuy nhiên, qua kiểm tra lại thông tin, có thể thấy, dường như có dấu hiệu “cài cắm thông tin” thể hiện trong E-HSMT.

    Cụ thể, tại phần 2. YÊU CẦU VỀ KỸ THUẬT) mục 5, thứ tự số 6 (Hỗ trợ tối ưu hoá và xử lý hình ảnh yêu cầu: Phần mềm kéo dài trường nhìn Logiq View), đây là phần mềm độc quyền của hãng GE chỉ cài đặt trên các máy siêu âm LIGIQ của hãng này và như một điều hiển nhiên, thiết bị trúng thầu là máy siêu âm 4D LIGIQ P7.

    Tiếp đó, hệ thống CT Scanner 16 lát cắt được mời thầu yêu cầu các phần mềm trên máy chính bao gồm: SureScan, SureStart, SureExposure 3D, AIDR 3D, SEMAR,... đây đều là các phần mềm phát triển và tích hợp trên máy của hãng Canon. Chính bởi vậy, không có sự bất ngờ nào khi thiết bị trúng thầu là máy Model: TSX-035A (Aquilion Lightning); Hãng sản xuất: Canon Medical trị giá 16.180.000.000 đồng.

    Không dừng lại ở đó, tại mục số 10 - Máy X quang di động tiếp tục được “làm xiếc” với một mô típ như cũ khi yêu cầu phần mềm hệ thống Console Advance, phần mềm của hãng Fujifilm. Kết quả, thiết bị Model: FDR Nano(DR-XD 1000), Hãng sản xuất: Fujifilm Corporation có giá trị  4.866.000.000 đồng.

    Một trong những chiếc máy khác trị giá nhiều tỷ đồng và gần như cũng được chỉ định hãng sản xuất là máy phân tích huyết học tự động. Chiêu “cài cắm” phần mềm độc quyền một lần nữa được áp dụng khi E-HSMT yêu cầu phải có Kỹ thuật UniFluidicsTM – đây là kỹ thuật trên Series máy Adiva của hãng Siemens. Sau đó, kết quả trúng thầu là máy Adiva 2120i của Siemens có giá trị 4.481.000.000 đồng.

    Series Adiva tiếp tục được gọi tên tại mục “Hệ thống xét nghiệm miễn dịch tự động” khi E-HSMT yêu cầu: Đóng gói dạng Dạng ADVIA Centaur® ReadyPack™, Cóng đo chủng loại ADVIA Centaur, gói phần mềm ADVIA® QC,...

    Với việc chỉ định những phần mềm “độc quyền” như thế này, việc cạnh tranh của các hãng khác là bất khả thi vì chỉ nhà phân phối hoặc có giấy phép bán hàng từ chính hãng đó mới đáp ứng được

    Có thể thấy, E-HSMT dường như đã “cài” thông tin hết sức tinh vi khi không nêu cụ thể Model, xuất xứ của thiết bị nhưng lại yêu cầu phần mềm độc quyền trên thiết bị. Ngoài ra, E-HSMT còn yêu cầu: “Có giấy phép bán hàng của Nhà sản xuất hoặc nhà phân phối hợp lệ tại Việt Nam”, như vậy hiển nhiên, những đại lý phân phối tại Việt Nam có phần mềm “độc quyền” mới  đủ điều kiện dự thầu và nhà thầu tham gia đấu thầu gần như “một mình một chợ”.

    Và điều then chốt là, rất nhiều các mặt hàng trong danh sách trúng thầu nói trên Minexport gần như độc quyền phân phối tại Việt Nam.

    Nhiều dấu hiệu vi phạm luật đấu thầu?

    Từ những thông tin căn bản nêu trên, một chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu cho hay: “Đây là bước “cài thầu” trong HSMT, có dấu hiệu vi phạm Nghị định63/2014/NĐ-CP. Về bản chất, việc đưa ra yêu cầu phần mềm độc quyền chỉ sử dụng được trên thiết bị của chính hãng đó so với việc chỉ định hẳn nhãn mác sản phẩm là không khác nhau, đặc biệt là với thiết bị y tế luôn cạnh tranh nhau từng chút một về mặt công nghệ.

    Căn cứ điểm i, khoản 6 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013 có quy định về hành vi bị cấm trong đấu thầu như sau:

    Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế.

    Bên cạnh đó, khoản 7 Điều 12 Nghị định 63/2014/NĐ-CP về lập hồ sơ mời thầu nêu rõ:

    Hồ sơ mời thầu không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa. Trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì được nêu nhãn hiệu, catalogue của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương”.

    “Đơn vị lập ra HSMT dạng này có hai khả năng: Một là năng lực còn yếu, hai là cố tình “cài” thông tin vào HSMT để cho đơn vị phân phối độc quyền hàng hoá nào đó trúng thầu. Vì vậy, cần truy xét rõ ràng đơn vị thẩm định và quyết định phê duyệt HSMT, nếu có tiêu cực phải xử lý mạnh tay”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

    Quyết định phê duyệt E-HSMT của Sở Y tế Bạc Liêu

    Tới nay, thời gian thực hiện gói thầu gần như đã kết thúc nhưng liên quan phản ánh nêu trên, câu trả lời của ông Bùi Quốc Nam - Giám đốc SYT tỉnh Bạc chỉ là: “Sở đang trình UBND tỉnh xem xét lại toàn bộ các gói thầu đang thực hiện thời gian gần đây!”. 

    Đời sống & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!

    Nhóm PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/minexport-trung-thau-hon-tram-ty-lo-chieu-thuc-tinh-vi-khien-nha-thau-khac-khong-co-cua-chen-chan-a344107.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan