+Aa-
    Zalo

    Miếu thờ rùa đá có một không hai ở Việt Nam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Xóm Rùa hiện là nơi duy nhất tại Việt Nam có miếu thờ "ngài" rùa đã được phong tước vị. Miếu thờ "ngài" được xem là nơi rất linh thiêng và còn vô số những điều bí ẩn chưa ai lý giải nổi.

    (ĐSPL)- Xóm Rùa hiện là nơi duy nhất tại Việt Nam có miếu thờ "ngài" rùa đã được phong tước vị. Vào những ngày rằm hay lễ tết, đông đảo người dân trong vùng lui tới miếu để hương khói, phần vì đây được xem là một nơi thờ tự linh thiêng nhưng phần khác cũng bởi những điều bí ẩn chưa được giải mã xung quanh "ngài" rùa.

    Trơ gan cùng tuế nguyệt

    Trong văn hóa người Việt, rùa là hình tượng hết sức quen thuộc từ ngàn đời nay. Xếp thứ 3 trong nhóm tứ linh gồm Long - Ly - Quy - Phụng, hình tượng rùa có mặt khắp nơi: Rùa đội bia, rùa đội hạc, rùa có mặt ở khắp các đình - đền - chùa - miếu từ Nam chí Bắc, thậm chí chúng còn hiện diện ở chốn hoàng cung qua các nét chạm trổ hay vật trang trí cung đình. Rùa cũng hiện diện cả trên Cửu đỉnh - biểu tượng đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng thời Nguyễn.

    Tuy nhiên, rùa nằm lộ thiên ở ruộng sâu, bàu trũng thì chắc chỉ duy nhất có ở xóm Rùa, thị trấn Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tìm về xóm Rùa vào một trưa nắng oi ả, chúng tôi ghé nhà cụ Nguyễn Văn Đằng, năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng cụ còn rất mạnh khỏe, minh mẫn. Nhà cụ Đằng ở ngay cạnh miếu Rùa. Theo lời cụ, rùa đá có mặt tại xóm từ rất lâu. Từ lúc cụ còn để tóc chỏm đào đã được nghe các bậc cao niên trong làng kể lại rằng, lúc mới được phát hiện, con rùa đá chỉ to bằng bát đựng canh. Trải qua thời gian đến nay, rùa đá to như cái nong phơi lúa và được xem như là "linh vật" của làng.

    Cụ Đằng bồi hồi nhớ lại: "Từ lúc tôi còn nhỏ, ngài rùa được dân làng tìm thấy giữa một vùng bàu đìa, ao trũng hoang vu. Hàng ngày, qua lại trên đường, tôi thấy "ngài" ngếch đầu nổi thân mình, oai phong cạnh một bờ ruộng lúa". Mặc dù, biết là linh vật của làng, nhưng hồi ấy trong làng không có ai dám di chuyển "ngài" vì lời đồn, hễ ai đụng vào ngài là ngay lập tức gặp tai ương. Chuyện rằng, có đôi vợ chồng nọ, vì biết "ngài" linh thiêng nên muốn đưa về nhà làm của riêng. Và tranh thủ lúc nửa đêm, vợ chồng ra khênh "ngài" rùa về nhà, nhưng không thể xê dịch nổi một li. Ngày hôm sau, ông chồng lăn ra chết bất đắc kỳ tử".

    Cho đến bây giờ, người dân xóm Rùa vẫn truyền tai nhau câu chuyện vào thời Pháp thuộc, quân đội thực dân đưa xe tăng đến cẩu "ngài" rùa đi nơi khác, nhưng không thành vì xe liên tục bị đứt cáp, thậm chí sau đó chiếc xe này còn bị lật nhào. Theo lời cụ Đằng, người dân xóm Rùa thời ấy đều tin rằng, rùa đá được khắc tạc liền khối trên một vỉa đá "sống" khổng lồ, có thể "lớn" lên sau vài trăm năm và không thể di chuyển đi đâu được. Năm nào, dân làng làm lễ cúng tế nghiêm cẩn thì mùa màng bội thu, lơ là nhang khói thì dân tình gặp nhiều điều xui xẻo.

    Mệ Thúy, người xóm Rùa cho biết thêm "ngài" rùa được tìm thấy từ xa xưa, nhưng sau đó bị vùi lấp do chiến tranh, loạn lạc. Khi về ở xóm Rùa, năm 1977, người dân trong xóm đã bới lớp đất bồi lấp xung quanh khiến "cụ" rùa "nổi" mình trên mặt đất. Cho đến năm 2010, một nhà hảo tâm phát nguyện, hỗ trợ kinh phí xây dựng am thờ ổn định như ngày nay. Theo lời người dân xóm Rùa, trong ngày di chuyển "ngài", người dân làm lễ cúng rất linh đình và huy động hàng trăm trai tráng trong xóm, hì hục suốt một ngày dài mới có thể di chuyển ngài Rùa.

    Người dân ở đây tin tưởng rằng khi chuyển được "ngài" rùa lên vị trí mới, cao ráo và phong thủy tốt hơn, "ngài" sẽ không quấy phá và luôn bảo vệ dân làng. Cách đây hơn 10 năm, cán bộ Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên Huế về nghiên cứu rùa cổ, và có đặt vấn đề chuyển di vật về nơi trưng bày, nhưng người dân địa phương không đồng ý. Nguyên do vì dân xóm Rùa cho rằng, "ngài" rùa là linh vật của cả làng, bảo vệ dân làng khỏi tai ương, chướng khí. Năm 2013, Phòng văn hóa thông tin huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành khảo sát khu vực xóm Rùa, phát hiện thêm ba chân trụ đá còn khá nguyên vẹn, gần nơi tìm thấy rùa đá trước đây.

    Chuyện về vùng đất phong tước cho rùa và bí ẩn một chữ “vương”
     "Ngài" rùa đá được khắc chữ "vương" vẫn còn dấu tích rõ ràng.

    Một thách thức với các nhà nghiên cứu

    Trong quan niệm của người Việt Nam từ ngàn đời nay, rùa đá đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng. Tuy nhiên, hầu hết các biểu tượng rùa được tìm thấy từ Bắc chí Nam xưa nay đều được xưng thần, chứ không có vương vị như "ngài" rùa tại Phú Lộc. Cũng phải nói thêm rằng, trên đầu rùa đội bia có chữ "vương", chứng tỏ bia mà rùa đội ghi sự tích của một nhân thần được hoàng đế phong tước vị.

    Anh Nguyễn Tiến Vinh, chuyên viên phòng Văn hóa - thông tin huyện Phú Lộc cho biết, rùa đá này có chiều dài 1,7m, rộng 1,2m, cao 0,5m ước chừng nặng 3 tạ, được tạc từ đá Thanh Nguyên khối. Các họa tiết được tạo rất cầu kỳ, chi tiết khá rõ ràng như mắt, lằn ở cổ, lằn ở lưng, sống lưng, tai, mũi... Trên lưng rùa có ô lõm lớn hình chữ nhật, kích cỡ 30x24cm có khả năng là điểm để đặt bia đá. Đặc biệt, trên đỉnh đầu rùa đá có khắc nổi chữ "vương" bằng chữ Hán còn khá rõ. Do chưa tìm thấy bia đá nên rất khó trong việc xác định mục đích và thời gian tạc nên rùa đá này.

    Chuyện về vùng đất phong tước cho rùa và bí ẩn một chữ “vương”
    Cán bộ phòng VH-TT huyện Phú Lộc kiểm tra chân cột trụ được tìm thấy.

    Trăn trở về những bí ẩn của rùa đá, nhà nghiên cứu Trần Viết Điền (TP.Huế) đã tìm hiểu rất nhiều tài liệu và ông đưa ra giả thiết rằng, phải chăng rùa đá Phú Lộc chính là miếu thờ của Đông Hải đại vương Nguyễn Phục?  Không phải ngẫu nhiên mà nhà nghiên cứu này đưa ra giả thiết trên. Nguyên do là trong các tài liệu ghi chép xưa và dân gian truyền tai nhau câu chuyện năm 1470, vua Lê Thánh Tông đưa đại quân đi đánh Chiêm Thành, giao cho Nguyễn Phục giữ chức Đốc lương lo việc vận chuyển lương thực. Nguyễn Phục là thầy của Bình Nguyên vương Tư Thành thời Lê Nhân Tông, góp công đưa vương lên ngôi vua sau vụ tiến ngôi của Nghi Dân.

    Khi lên ngôi, vua Lê Thánh Tông trọng dụng Nguyễn Phục, cử ngay Nguyễn Phục đi sứ nước Minh ba lần. Mặc dù trọng dụng Nguyễn Phục, nhưng vua Lê Thánh Tông thường trách cứ, buộc tội cận thần Nguyễn Phục khá gay gắt. Điều này chứng tỏ có nhiều đồng liêu ghét ông nên gièm pha ông khi họ gần vua. Bi kịch xảy ra khi ông theo vua Bình Chiêm năm 1470, thuyền Vua đi trước, thuyền lương do Nguyễn Phục dẫn đầu theo sau, qua cửa Tư Khách (Tư Hiền ngày nay). Khi thuyền Vua đã tới bãi Nam an toàn, thì thuyền ông gặp bão, Nguyễn Phục vì cố gắng để bảo vệ quân lương và binh lính, liền cho neo thuyền ở bờ phá Cao Đôi (phá Cầu Hai) để tránh bão.

    Ông bị phạm quân luật, người ta bắt ông đến bãi Nam (bán đảo Sơn Trà), chiếu luật bị hành hình, đến lúc nhà vua hối lỗi quyết tha tội thì ông đã bị trảm. Tương truyền trên đường rút quân, sau khi thắng lớn, đoàn thuyền gặp gió lớn, vua Lê Thánh Tông mộng thấy Nguyễn Phục đến chầu vua và hứa phù trì đoàn quân về Thăng Long an toàn... Vua Lê Thánh Tông hối lỗi, quyết định phong Nguyễn Phục làm phúc thần. Vua cũng truyền chỉ địa phương nào ngày trước có công tích của Nguyễn Phục thì cho lập miếu đền để thờ thần. Về sau vua Lê Thánh Tông gia tặng, ban sắc phong ông làm Thần Đông Hải đại vương và dựng đền thờ cúng.

    Từ Bắc chí Nam, có 72 nơi lập miếu thờ Nguyễn Phục. Theo nhà nghiên cứu Trần Viết Điền phỏng đoán, rùa đá tại xóm Rùa rất có khả năng chính là miếu thờ Nguyễn Phục ngày xưa. Mặc dù, chưa được kiểm chứng nhưng giả thiết này cũng đã làm sáng tỏ phần nào nguồn gốc và giá trị của rùa đá được khắc chữ "vương" có một không hai tại Việt Nam.

    Những phát hiện và bí ẩn dưới lòng đất chờ nhà khảo cổ

    Anh Nguyễn Tiến Vinh, chuyên viên phòng Văn Hóa - Thông Tin huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: "Miếu thờ rùa đá tại xóm Rùa không chỉ mang giá trị tín ngưỡng, mà còn có giá trị lớn về mặt văn hóa, lịch sử. Việc phát hiện gạch vồ và nhiều nền móng bằng gạch, chứng tỏ xóm Rùa vẫn còn nhiều bí ẩn dưới lòng đất, đặt ra nhiều câu hỏi cho các nhà khảo cổ, nhà nghiên cứu và cơ quan chức năng".

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mieu-tho-rua-da-co-mot-khong-hai-o-viet-nam-a32839.html
    “Kì bí” chuyện các con vật biến thành

    “Kì bí” chuyện các con vật biến thành "thánh thần"

    Rùa bò vào nhà được gọi là "rùa thần", rắn bò trên cây cũng được phong ngay thành "thần rắn"... đó là những câu chuyện “li kỳ” xung quanh các con vật xuất hiện một cách đặc biệt được người dân “sùng bái” .

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    “Kì bí” chuyện các con vật biến thành

    “Kì bí” chuyện các con vật biến thành "thánh thần"

    Rùa bò vào nhà được gọi là "rùa thần", rắn bò trên cây cũng được phong ngay thành "thần rắn"... đó là những câu chuyện “li kỳ” xung quanh các con vật xuất hiện một cách đặc biệt được người dân “sùng bái” .