+Aa-
    Zalo

    Miếng đậu trắng khiến "đại ca" bưởng vàng đoạn tuyệt giang hồ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nghiện ma túy 19 năm, vật vã cai mấy lần cũng không thể bỏ được, ấy vậy mà chỉ nhờ một miếng của bìa đậu phụ trắng mà đứa con lếch thếch dành cho bố.\r\n

    (ĐSPL) - Nghiện ma túy 19 năm, vật vã cai mấy lần cũng không thể bỏ được, ấy vậy mà chỉ nhờ một miếng của bìa đậu phụ trắng mà đứa con lếch thếch dành cho bố.

    Chuỗi ngày đen tối

    Nguyễn Ngọc Văn, một đại ca giang hồ khét tiếng giờ đây vẫn không thể quên được chuỗi ngày đằng đẵng trong khổ đau bởi những sai lầm trong quá khứ. Cái tên đại ca Văn “cá” đến nay vẫn là một giai thoại được người dân xứ Tuyên nhắc tới.

    Sinh ra trong một gia đình cách mạng, bố anh từng chiến đấu ở Quảng Trị, còn mẹ cũng từng là thanh niên xung phong phục vụ trong chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng. Ấy vậy mà nghèo đói và những ảo tưởng sức mạnh giang hồ đã đẩy ông tới con đường nhầy nhụa cùng cực khi bập vào lãnh địa của “nàng tiên nâu”.

    Khi còn là một thanh niên trẻ, cuộc sống của ông vô lo vô nghĩ, suốt ngày theo bố mẹ chài lưới, đánh bắt cá trên sông Lô.

    Thế nhưng, đến tuổi lập gia đình, cuộc sống vợ chồng và những trách nhiệm nặng nề của một người đàn ông trong gia đình khiến ông phải chìm trong lo lắng cơm áo gạo tiền. Cuộc sống vốn đã khó khăn nay còn khó khăn hơn khi đứa con nhỏ chào đời.

    Để đổi đời, ông Văn cùng nhiều người ở Hà Giang đi khai thác vàng sa khoáng ở Tây Bắc. Họ đeo đuổi giấc mơ sẽ có một cuộc sống khá giả hơn. Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Ông Văn không ngờ rằng những gì chờ mình phía trước còn khủng khiếp hơn nhiều với cái đói nghèo.

    Tuy kiếm được nhiều vàng nhưng ông đều bị những đại ca bưởng vàng “nuốt” sạch. Ởt đây người ta chỉ sống với nhau bằng “luật rừng”, chứ không phải tình người. Bị nẫng tay trên nhiều lần, Văn quyết tâm phải dằn mặt đối thủ. Nói là làm, Văn tập hợp anh em giang hồ để đối đầu với các đại ca giang hồ khác. Nhưng sai lầm của Văn chính là dùng ma túy để thể hiện đẳng cấp và dũng khí. Vì vậy, Văn sa chân vào con đường ma túy lúc nào không hay.

    Thời gian khai thác vàng sa khoáng có lúc ông kiếm được vài cây vàng chỉ trong một ngày. Nhưng cũng có thời điểm hàng tháng trời, ông và nhóm của mình tay trắng. Rồi những cuộc tranh giành lãnh địa khai thác vàng liên tiếp xảy ra. Tiền hết, ma túy hành hạ, Văn lâm vào cảnh cùng cực, bi đát.

    Khi đó, bị những cơn nghiện dày vò, anh vật vã vì thiếu thuốc, đau đớn, gào thét… Thế nhưng những lúc tỉnh táo, nhìn thấy người vợ và những đứa con khóc ngất vì thương chồng, thương cha, ông lại quyết tâm cai nghiện để trở lại làm người bình thường.

    Nhưng đời đâu để cho ai làm điều gì một cách dễ dàng. Những cơn nghiện và sự nghèo đói tiếp tục đày đọa khiến ông lại ra đi kiếm vàng. Được đàn em “chăm sóc” bằng thứ bột màu trắng chết chóc khiến ông lại một lần nữa sa chân vào ma túy. Rồi những cuộc huyết chiến cứ liên miên xảy ra. Đôi lúc tuyệt vọng, Văn đã suy nghĩ tìm đến cái chết.

    Nhưng chính gia đình, những đứa con thơ, người vợ trẻ tảo tần đã giúp Văn gắng gượng và quyết tâm từ bỏ con đường ma túy, từ bỏ kiếp giang hồ để trở về với cuộc sống đời thường.

    Đại ca giang hồ Văn “cá” vẫn không thể quên được những sai lầm trong quá khứ.

    Bước ngoặt số phận

    Việc ông cai nghiện thành công cũng đến như một cơ duyên. Đó là một sự tình cờ mà có lẽ cũng là do ông trời sắp đặt. Lần đi cai nghiện ở nông trường 06 – TP.Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang), làm việc vất vả nhưng tinh thần ông khá thoải mái.

    Một buổi trưa nắng nóng, đứa con nhỏ của ông lếch thếch đưa lên cho bố nó một bìa đậu phụ trắng để ăn cơm, trong khi cả gia đình phải ăn muối vừng.

    Nhìn miếng đậu phụ của con, ông Văn rưng rưng nước mắt. Lúc đó ông thề với bản thân phải cai nghiện thành công và đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu” để bù đắp những thiệt thòi cho gia đình mình.

    Nói là làm, đại ca giang hồ Nguyễn Ngọc Văn cai nghiện trong vật vã, khổ sở cuối cùng cũng từ bỏ con đường tội lỗi đắm chìm trong ma túy để trở về với cuộc sống lương thiện chỉ vì miếng bìa đậu phụ trắng mà cả gia đình chắt chiu, dành dụm để nhường cho mình.

    Nói về cuộc đời sóng gió, ông Văn thầm cám ơn người vợ hiền, đã cùng mình bước đi trong suốt quãng đời vất vả. 19 năm chìm trong làn khói trắng, mọi việc trong gia đình đều do bà Loan – vợ ông Văn đảm nhận. Bà vừa làm mẹ, vừa thay ông làm cha, chăm sóc cho hai đứa con nhỏ.

    Những ngày nghèo đói, bà và các con cũng chỉ dám ăn cơm với muối vừng, nhường đậu, rau xanh cho chồng để có thêm sức khỏe. Nếu không có sự ân cần, chịu đựng và thấu hiểu của bà Loan, có lẽ ông Văn không thể nào có được ngày hôm nay.

    Ngày ông Văn từ công trường 06 về đoàn tụ với gia đình, bà Loan chạy vội ra chợ, nấu cho chồng bữa cơm rau với vài bìa đậu. Tuy những món ăn đơn sơ nhưng đó là sự tần tảo, chắt chiu và dành dụm và tình nghĩa của người vợ hiền thảo với người chồng đã từng nghiện ngập của mình.

    Đến nay, ông Văn, bà Loan đã có một cơ ngơi được xây dựng nên từ hai bàn tay trắng. Người ta nói trời không bao giờ phụ lòng người, chỉ cần có niềm tin vào những điều tốt đẹp thì chắc chắn sẽ được hạnh phúc.

    Hạnh phúc mỉm cười

    Nhắc lại những chuyện cũ, ông Văn mỉm cười mãn nguyện. Ông bảo, sự thành công ngày hôm nay cái công lớn nhất vẫn là người vợ hiền tần tảo. Văn “nghiện” ngày nào giờ đây đã trở thành một ông chủ thực sự khi sở hữu một thương hiệu cá sông Lô nức tiếng thành Tuyên này. Ông Văn bảo, chuỗi thời gian nghiện ngập, rồi làm cai các bãi vàng quả đúng là chuỗi ngày khốn khổ. Đâm chém, cướp bóc, tệ nạn tại các bãi vàng xảy ra nhan nhản.

    Ông Văn quyết tâm vượt qua được vũng bùn tội lỗi này quả thật không đơn giản. 19 năm sa lầy trong tội lỗi, để rồi một ngày thức tỉnh lương tri nhờ miếng đậu của đứa con trai bé bỏng đưa lên trong quá trình cai nghiện. Chuyện khá hy hữu nhưng lại gắn với chính cuộc đời của ông.

    Nói chuyện với PV tại quán cá của mình, ông Văn kể lại: “Cũng có nhiều nhà báo một lần hay vài lần qua thăm mình, nghe câu chuyện của mình kể lại cũng lấy làm thú vị lắm. Đôi lúc tôi muốn giấu đi quá khứ tội lỗi nhưng như thế thì những người một thời lầm lỗi như tôi sẽ mãi rơi vào vũng bùn đen. Thà mình bộc bạch hết lòng mình, biết vượt khó vươn lên, có khi lại là tấm gương cho nhiều người cùng cảnh học tập…”, ông Văn nói.

    Nhìn vóc dáng có vẻ hầm hố của ông Văn, nhiều người không thể ngờ được giờ đây đại ca giang hồ một thuở lại hiền và sống đơn giản đến thế. Ông Văn nhìn tôi và bảo rằng: “Nhìn nhà báo cũng gai góc quá. Hôm nào mời anh về ăn cơm với gia đình một bữa. Khi ấy anh mới cảm nhận được vì sao tại Tuyên Quang này cái danh hiệu Văn “cá” đã trở nên nổi tiếng…”.

    Gia đình ông Văn giờ đã rất hạnh phúc, vợ con quây quần bên nhau, có lẽ cái quá khứ của một đại ca bưởng vàng khét tiếng nên để vào dĩ vãng. Chỉ còn lại danh tiếng “đại gia” Văn “cá” ở lại.

    Thành Nam – Khải An

    [mecloud]pwOGOVV7O9[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mieng-dau-trang-khien-dai-ca-buong-vang-doan-tuyet-giang-ho-a126478.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.