Miền Trung: Hàng ngàn nhà dân bị ngập lụt, sạt lở nhiều nơi.
Từ đêm 28 đến chiều 29-11, mưa lớn tiếp tục xảy ra trên địa bàn các tỉnh miền Trung khiến cho lũ ở trên các sông dâng cao, hàng ngàn nhà dân bị ngập lụt; nhiều kè biển, tuyến đường giao thông bị sạt lở, chia cắt.
Tại Quảng Nam, mưa lớn khiến quốc lộ 40B bị ngập, sạt lở nhiều đoạn, chia cắt nhiều khu vực dân cư ở các huyện Bắc Trà My và Nam Trà My. Chính quyền địa phương đã tổ chức rào chắn, giăng dây để cảnh báo người dân không qua lại.
Theo Văn phòng ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, mưa lớn kèm lũ từ thượng nguồn về cùng lúc khiến cho nhiều vùng dân cư hạ du các sông Hà Thanh, Kôn, La Tinh, Lại Giang… bị ngập lụt, chia cắt. Mưa lũ khiến cho gần 20.000 học sinh không thể đến trường được.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, triều cường và mưa lớn trong những ngày qua khiến 12,4 km bờ biển của địa phương sạt lở nặng.
TP.HCM vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh, theo dõi sát Omicron.
Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết đến nay vẫn chưa có tài liệu chính thức về mức độ lây lan, nguy hiểm hơn các thể khác của biến thể Omicron. Tuy nhiên, TP vẫn đang chuẩn bị kịch bản ứng phó.
Chiều 29-11, TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về công tác phòng chống dịch COVID-19. Tại cuộc họp, ông Phạm Đức Hải - phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM - cho biết số ca mắc mới và số ca tử vong mỗi ngày của TP còn cao. Số ca nhập viện luôn cao hơn số ca xuất viện. Bên cạnh đó, thế giới đang xuất hiện biến thể virus mới là Omicron đe dọa sức khỏe người dân.
Ông Hải khẳng định TP vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh, nhiều tuần liên tiếp TP duy trì cấp độ 2 và đề nghị người dân không hoang mang nhưng đồng thời không được chủ quan, lơ là, giảm bớt thói quen tụ tập, la cà.
Về kịch bản ứng phó với biến thể mới Omicron, ông Phạm Đức Hải cho rằng dù đó là biến thể virus gì đi nữa thì cũng lây lan qua đường hô hấp nên người dân phải đeo khẩu trang.
Bên cạnh đó, TP cũng giao Sở Y tế thường xuyên theo dõi thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế liên quan đến biến chủng này, có vấn đề bất thường phải báo ngay.
Thế giới sẽ còn chứng kiến nhiều loại biến thể mới.
Theo giới khoa học, thế giới sẽ còn chứng kiến nhiều loại biến thể mới do virus SARS-CoV-2 vẫn không ngừng tiến hóa.
Bất bình đẳng vaccine là vấn đề được nhắc đến suốt thời gian qua, khi nhiều quốc gia giàu có nhất thế giới đã dành cả năm để tích trữ vaccine COVID-19, nhiều hơn nhu cầu dân số của mình trong khi lời hứa chia sẻ vaccine cho các nước nghèo vẫn chưa hoàn thành trọn vẹn.
Các nhà khoa học nhận định, virus có nhiều khả năng đột biến ở những nơi có tỷ lệ tiêm phòng thấp và nguy cơ lây nhiễm cao. Các biến thể xuất hiện trong quá khứ đều xuất phát từ những nơi từng trải qua các đợt bùng phát lớn, không kiểm soát được, như biến thể Alpha lần đầu tiên được phát hiện ở Anh vào tháng 12 năm ngoái, hoặc biến thể Delta lần đầu tiên tìm thấy ở Ấn Độ vào tháng 2 năm nay. Và lần này là biến thể Omicron được xác định lần đầu ở Nam Phi.