Ngày 9/2, mưa phùn và sương mù tiếp tục bao trùm Bắc Bộ, kèm theo đó là cảnh nồm ẩm, độ ẩm không khí duy trì trên 95%. Theo các chuyên gia đánh giá, hiện tại cho tới tháng 4/2023 sẽ xuất hiện thêm các đợt nồm ẩm khác nữa. Thời tiết mưa và độ ẩm kéo dài, không chỉ khiến đời sống người dân bị đảo lộn mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe mọi người, đặc biệt là người già và trẻ em.
“Trong thời tiết miền bắc những ngày gần đây, độ ẩm tăng rất cao, đây cũng là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và virus đường hô hấp phát triển mạnh. Hiện tại lượng bệnh nhi tới khám và nhập viện tăng rất cao so với tháng trước.
Các bệnh lý về đường hô hấp như: viêm phế quản; viêm tiểu phế quản, viêm họng... và một sống bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, cúm cũng đang bắt đầu tăng lên”, bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, Phó trưởng Khoa Nhi và đơn nguyên Sơ sinh, Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay.
Bà Vũ Thị Tuyết ở Minh Khai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) có cháu đang nhập viện. Tết Nguyên Đán vừa qua, gia đình có đưa cháu đi chơi nhiều và thời tiết nồm, ẩm kéo dài khiến cháu ho nhiều. Gia đình đưa đi bệnh viện khám.
“Mấy ngày đầu ở nhà cháu ho, có biểu hiện mệt mỏi và chán ăn. Gia đình mới đưa cháu đi bệnh viện, sau khi bác sĩ kiểm tra thì kết luận bị viêm phổi. Thời tiết nồm ẩm và mưa, tôi cũng lưu ý theo dõi cháu, khi có mồ hôi thì lau người và cởi bớt áo ra nhưng trẻ con sức đề kháng yếu quá!”, bà Vũ Thị Tuyết chia sẻ.
Tại khoa Nhi – Bệnh viện Thanh Nhàn, rất nhiều trẻ đều nhập viện do mắc các bệnh về hô hấp, biến chứng nặng phải nhập viện. Cha mẹ cần lưu ý các dấu hiệu nhận biết của bệnh lý đường hô hấp, cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
Không chỉ các bệnh nhi mà người cao tuổi cũng mắc nhiều bệnh như cúm A, cúm B và viêm phổi. Trung bình mỗi ngày từ 20 đến 30 bệnh nhân đến khám với các triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp. Đặc biệt, thời gian gần đây trời trở lạnh, mưa ẩm kéo dài khiến người cao tuổi, người có bệnh mạn tính trở nặng.
“Người già và trẻ nhỏ là những đối tượng có hệ miễn dịch kém hơn so với người trưởng thành, thanh niên. Ở người cao tuổi, đa phần họ có bệnh lý nền, đặc biệt là những bệnh lý về đường hô hấp như viêm phế quản, xoang, bệnh phổi tăng nhẹ mạn tính... Thời tiết nồm ẩm là một điều kiện để khởi phát các triệu chứng và làm nặng thêm các bệnh lý đường hô hấp khác”, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn Hà Nội chia sẻ.
Theo các chuyên gia dự đoán, nồm ẩm tại miền Bắc sẽ còn kéo dài đến tháng 4, chính vì vậy các bác sĩ khuyến cáo để phòng bệnh, người dân cần mặc vừa đủ ấm, không nên mặc quá nhiều quần áo.
Đối với trẻ nhỏ, nếu đưa trẻ tiếp xúc nơi đông người, phải cho trẻ đeo khẩu trang. Bố mẹ cần lưu ý nên cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, hoa quả, vitamin giúp tăng cường hệ miễn dịch và tiêm vaccin đầy đủ.
Bên cạnh đó, mọi người cần đảm bảo môi trường xung quanh luôn sạch sẽ bằng cách vệ sinh nhà cửa, vệ sinh thân thể, ăn thức ăn nóng, hợp vệ sinh, không nên ra ngoài trời hoạt động khi thời tiết mưa ẩm.
Khi có dấu hiệu bất thường về sức khoẻ, người dân nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, tư vấn và điều trị, không tự ý mua thuốc về điều trị tại nhà tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra như một số trường hợp đã nhập viện.
Thảo Ly