(ĐSPL) - Về vụ mất tích bí ẩn của chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines, báo Pháp Les Echos đăng bài “Vụ rớt máy bay của Malaysia: Không rút ra bài học từ chuyến bay Rio-Paris”.
Tờ báo cho biết sau hơn 4 ngày xảy ra vụ việc, chiếc Boeing 777 và số phận của 239 hành khách và phi hành đoàn vẫn bật vô âm tín. Nhiều nước đã tham gia tích cực tìm kiếm, nhưng chỉ việc xác định nơi chiếc máy bay bị rớt cũng vẫn còn chưa làm được. Các thông tin tìm kiếm thì có vẻ hơi bị nhiễu vì liên tiếp có tin phát hiện rồi có tin cải chính.
|
Một mảnh vỡ của chiếc Airbus của chuyến bay AF447 trên Đại Tây Dương |
Theo Les Echos, nếu như bài học của chuyến bay định mệnh Rio-Paris 2009 được chú ý, thì tình hình có thể sẽ không nghiêm trọng như vậy. Hồi năm 2009, chuyến bay AF447 của hãng hàng không Air France từ Rio de Janeiro đi Paris đã rơi ở ngoài khơi Đại Tây Dương. Phải mất hơn 2 năm sau, người ta mới tìm được chiếc hộp đen và xác định được nguyên nhân vụ việc.
Vào tháng 7/2012, Cơ quan điều tra và phân tích an ninh hàng không Pháp (BEA) đã có báo cáo về vụ việc, đồng thời đề xuất những biện pháp tránh sự cố đáng tiếc tương tự trong tương lai. Trong các đề xuất đó có việc yêu cầu các hãng hàng không trên thế giới trang bị một hệ thống truyền tin trực tiếp về chuyến bay qua vệ tinh. Nếu như đề xuất này được áp dụng thì dù không xác định được nguyên nhân, nhưng ít ra người ta cũng biết ngay vị trí máy bay bị nạn.
Thế nhưng, giá của thiết bị nói trên quá đắt. Ước tính, một năm, mỗi hãng hàng không phải tốn đến 300 triệu USD cho thiết bị này. Một số tiền không nhỏ trong bối cảnh kinh tế khó khăn như mấy năm qua. Vì thế, đến nay, đề xuất của Pháp vẫn còn nằm trên giấy.
Tờ báo kết luận: Cái giá của thiết bị đó quá cao, thế nhưng tính mạng của hành khách lại là vô giá.
Văn Linh
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mh370-mat-tich-khong-hoc-gi-tu-chuyen-bay-rio-a25457.html