(ĐSPL) - Điều gì đã xảy ra với 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn của chuyến bay MH370?
Đây là một chủ đề gây tranh cãi kịch liệt và làm nảy sinh nhiều thuyết âm mưu.
Cơ trưởng là một tên không tặc hay là một vị anh hùng? Những kẻ khủng bố hay những tên không tặc đã khống chế máy bay? Hay máy bay sa vào một hố đen có sức hút khủng khiếp như người ta đồn thổi về “Tam giác ác quỉ” Bermuda? Hay là người ta không thể nhìn thấy máy bay vì nó có khả năng tàng hình?
|
MH 370: Mập mờ giữa thực tại và viễn tưởng. |
Những fan hâm mộ nhạc pop thậm chí đã so sánh vụ chuyến bay MH370 mất tích với các bộ phim truyền hình nhiều tập "Mất tích" (Lost) và "Hòn đảo kỳ bí". (Fantasy Island). Trên Youtube thì rộ lên những lời bình luận về lời bài hát "Get it Started" của Pitbull và Shakira: "Đã tới lúc trở về Malaysia", "Hai hộ chiếu, ba thành phố, hai quốc tịch, một ngày".
Một vài giả thuyết đưa ra thật kỳ dị, đa phần nhằm mục đích thỏa mãn sự tò mò của dư luận hơn là cho biết điều gì thật sự đang xảy ra. Sự thật vẫn là một ẩn số chưa có lời giải đáp. Các chuyên gia học rộng tài cao cũng chưa thể giải được bài toán hóc hiểm điều này, thậm chí ngay cả khi họ sử dụng hệ thống vệ tinh và radar hay những thứ thiết bị tân kỳ nào đó.
Vụ máy bay Malaysia mất tích khiến nhiều người liên tưởng đến cái điều đã xảy ra với Amelia Earhart (nữ phi công Mỹ nổi tiếng bị mất tích trên chuyến bay vượt đại dương năm 1937) và D.P Cooper (một trong những tên tội phạm nguy hiểm nhất trong lịch sử nước Mỹ, từng khống chiếc Boeing 727 vào năm 1971).
Việc tìm kiếm chuyến bay MH370 mất tích của Malaysia Airlines "quả là một chặng đường dài", mặc dù Bộ trưởng Giao thông Malaysia, Hishammuddin Hussein cho biết “diện tìm kiếm đã được thu hẹp”.
Triển vọng nhất hiện tập trung vào các mảnh vỡ được nhìn thấy ở Nam Ấn Độ Dương, cách thành phố Perth, của Australia khoảng 1.400 dặm (2.240km) về phía Tây Nam. Khu vực đó cách nơi chuyến bay 370 đáng lẽ nên hạ cánh xấp xỉ 6.000 dặm (9.360 km). Trung Quốc và Nhật Bản đang cử tàu tìm kiếm tới, nhưng sẽ phải mất vài ngày mới có thể đến đó.
Các nhân viên cứu hộ và điều tra viên từ 24 quốc gia đang tham gia tìm kiếm. Họ đang kiểm tra các dữ liệu từ vệ tinh, kiểm tra lý lịch hành khách, sử dụng tàu và máy bay tầm thấp tìm kiếm trên hàng ngàn dặm trên đại dương.
Sau giọng điệu lạc quan ban đầu, Thủ tướng Australia Tony Abbott thú nhận rằng biết đâu các mảnh vỡ được vệ tinh phát hiện và được nhìn thấy từ máy bay lại là "kiện hàng rơi ra từ một con tàu".
Tuy nhiên, người ta ghét những gì mập mờ như vậy. Vì thế cho nên, rất nhiều "thám tử" đã vào mạng internet để thỏa mãn trí tò mò. Kết quả là ranh giới giữa thực tế và viễn tưởng đã trở nên hết sức mong manh, mờ ảo.
Cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah đã có một cuộc điện thoại dài 8 phút trước khi cất cánh. Người ta vẫn chưa biết ai gọi cho ông ta và nói về chuyện gì. Ông ấy có các mô hình bay giả định ở nhà và một số dữ liệu đã bị xoá trong ổ cứng máy tính.
Tuy nhiên, các mô hình bay giả định có thể là đầu mối có giá trị, cũng như máy tính của các thành viên trong phi hành đoàn. Ổ cứng đang được các nhà điều tra của FBI phân tích và họ có thể khôi khục một số thông tin đã bị xoá. FBI cũng đang giúp giới chức Malaysia phân tích ổ cứng máy tính của các thành viên phi hành đoàn. Các nhà chức trách Malaysia khẳng định rằng một người nào đó đã cố tình thay đổi đường bay của máy bay, lái chuyến bay 370 rời xa lộ trình đã định khoảng 12 phút trước lần liên lạc cuối cùng với trạm kiểm soát dưới mặt đất vào lúc 1h19 ngày 8/3. Họ chỉ không biết là ai và lý do tại sao?
Đó là những sự thật mà người ta đã biết. Bất cứ điều gì thêm vào chỉ là giả thuyết, sự suy đoán hoặc chỉ là sự tưởng tượng thuần tuý.
Giả thiết cho rằng phi công đã sử dụng một chiếc máy bay để tự sát và giết người hàng loạt thật là khủng khiếp, nhưng không phải là chưa từng xảy ra. Vụ tai nạn SilkAir năm 1997 và một vụ tai nạn của EgyptAir năm 1999 đều được cho là kết quả của các hành động có chủ ý của phi công. Lúc này, có ít bằng chứng ủng hộ hay phản đối giả thuyết này.
Sau sự kiện bi thảm ngày 11/9/2011, khủng bố là điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí mọi người khi có điều gì đó không bình thường với chiếc máy bay mất tích. Hai người Iran, ở độ tuổi 18 và 28, đã lên máy bay bằng hộ chiếu đánh cắp và bị nghi là có liên quan đến khủng bố. Nhưng hoá ra những người Iran này không hề có quan hệ với bất cứ nhóm khủng bố nào và họ chỉ tìm cách vào Châu Âu tị nạn qua đường Trung Quốc. Cũng có khả năng một nhóm hành khách và phi hành đoàn đã chống lại sự khống chế của những tên khủng bố và không có ai sống sót để bay hay hạ cánh máy bay.
Giả thiết của phi công Chris Goodfellow về một vụ cháy trên máy bay cũng được chú ý, sau khi nó được đăng trên Google + vào tuần trước. Tuy nhiên, giả thiết này vẫn có những lỗ hổng. Ví dụ như việc chiếc máy bay không hề phát tín hiệu báo nguy hiểm. Và tại sao máy bay lại có thể xuất hiện trở lại và tiếp tục bay?
Giả thuyết của Payne Stewart về việc máy bay leo lên độ cao không cho phép, dẫn đến tình trạng thiếu dưỡng khí làm chết tất cả mọi người trên máy bay. Đây là điều đã xảy ra với tay golf Payne Stewart vào năm 1999 trên chiếc Learjet và chiếc máy bay này vẫn tiếp tục bay tự động 4 giờ nữa trước khi bị rơi. Điều này có thể giải thích được sự im lặng từ phía phi hành đoàn và hành khách trên chuyến bay. Nhưng tại sao chuyến bay MH370 lại không tiếp tục đi về hướng Bắc Kinh theo lộ trình? Vì sao máy bay lại đổi hướng và tại sao nó lại biến mất trên màn hình radar?
Các đội tìm kiếm vẫn đang tiếp tục làm việc không quản nguy hiểm. Nếu mảnh vỡ được tìm thấy ở Nam Ấn Độ Dương quả là mảnh vỡ của chiếc Boeing 777 của chuyến bay MH370, các thiết bị tinh vi hơn sẽ được đưa vào để tìm kiếm chiếc hộp đen ghi lại những dữ liệu của chuyến bay, ở đáy đại dương.
Nhưng người ta chớ có chờ đợi bất cứ câu trả lời nhanh chóng nào. Khi một máy bay phản lực của Hãng hàng không Pháp bị rớt xuống Đại Tây Dương năm 2009, người ta đã phải mất hai năm mới tìm thấy xác máy bay và hộp đen ghi lại dữ liệu chuyến bay.
Phạm Trang (theo CNN)
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mh-370-map-mo-giua-thuc-tai-va-vien-tuong-a26999.html