+Aa-
    Zalo

    #MeToo: Phong trào bảo vệ phụ nữ hay vũ khí hủy hoại danh dự con người?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Một phong trào bảo vệ các nạn nhân của quấy rối tình dục rất có thể trở thành thứ vũ khí giết chết danh dự của những người bị vu khống.

    Một phong trào bảo vệ các nạn nhân của quấy rối tình dục rất có thể trở thành thứ vũ khí giết chết danh dự của những người bị vu khống.

    Lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2006, hashtag #MeToo được nhà hoạt động xã hội Tarana Burke tạo ra với mục đích giúp đỡ và kết nối các nạn nhân bị xâm hại hoặc quấy rối tình dục. Nhưng chỉ đến năm 2017, phong trào này mới phát triển rộng rãi trên toàn thế giới, đưa nhiều vụ việc ra ánh sáng sau thời gian dài.

    Những kết thúc có hậu…

    Cuối năm 2017 là khoảng thời gian không mấy dễ chịu với các nhân viên Nhà Trắng của Mỹ khi hàng loạt nạn nhân lên tiếng tố cáo góc khuất phía sau hình ảnh hào nhoáng và đứng đắn của các quan chức cấp cao.

    Theo đài MSNBC, họ thường phải giữ im lặng bởi quyền lực của kẻ quấy rối, các thủ tục lằng nhằng nếu làm đơn tố cáo hoặc đe dọa tới công việc và an toàn gia đình. Nhiều cuộc biểu tình và sự vào cuộc của truyền thông đã mang lại công lý cho nhiều nạn nhân. #MeToo đã trở thành một từ khóa vô cùng phổ biến.

    Một cuộc biểu tình tại New York về bảo vệ các nạn nhân nữ bị quấy rối tình dục - Ảnh: Breitbart

    Khi tới châu Á và các nước Hồi giáo – nơi các hủ tục coi thường nữ giới vẫn tràn lan, phong trào này tạo ra một làn sóng mạnh mẽ tới không ngờ. Tại Hàn Quốc, mảng tối của thế giới showbiz bỗng chốc bị vạch trần trước khán giả và những cô cậu thanh niên đang đầy háo hức mong được bước vào. Cái chết của giáo sư, diễn viên gạo cội Jo Min Ki trước sức ép của dư luận là hồi chuông cảnh tỉnh cho những kẻ vẫn nghĩ có thể sử dụng hào quang của mình để làm điều xấu.

    Những phiên tòa đầy nước mắt tại Malaysia cuối tháng 1/2018 là đoạn kết có hậu cho những cô gái theo đạo Hồi đã đánh mất danh dự và nhiều năm tuổi trẻ sau khi bị xâm hại tình dục nhưng không thể lên tiếng tố cáo.

    “Chúng ta có đang quay về thời kỳ săn phù thủy?”

    Nhưng có thể câu chuyện đang bắt đầu đi quá xa. Ngoại trừ những vụ hiếp dâm hoặc quấy rối bằng tin nhắn để lại bằng chứng, nhiều lời tố cáo không thể nào xác thực bỗng nhiên trở thành vũ khí lợi hại để hủy hoại danh dự một con người. Không thể nào xác thực và vì vậy, không thể nào minh oan.

    Tờ Washington Post từng đăng tải câu chuyện về Moore – một người đàn ông bị bạn gái cũ cáo buộc từng cưỡng hiếp và ép cô phá thai 15 năm trước đã phải liên tiếp chuyển chỗ ở, bị đuổi việc và đe dọa trong thời gian dài. Ngay cả khi Moore đã thắng kiện vì cô gái không đưa ra được bằng chứng, anh vẫn bị xa lánh và phải chịu nhiều điều tiếng.

    Tháng 10/2013, 2 tháng sau khi ABCNews quyết định mở thêm một chuyên mục dành cho các nạn nhân bị quấy rối lên tiếng, họ nhận được hơn 3.300 lời kêu cứu từ những người bị vu khống.

    Ngày 14/2/2018, đạo diễn phim tài liệu Cassie Jaye lên tiếng: “Dường như chúng ta đang quay về thời kỳ săn phù thủy khi chỉ cần ai đó hét lên là sẽ có một người khác bị kéo đến dàn thiêu. Những người bị vu khống bởi phong trào #MeToo cũng là nạn nhân!”.

    Thứ trưởng Bộ Tài chính Fukuda cúi đầu xin lỗi sau khi nộp đơn từ chức vì cáo buộc quấy rối một nữ phóng viên - Ảnh: Reuters

    Tại Nhật Bản, phong trào này ban đầu không thu hút được sự chú ý của dư luận nhưng sau bê bối của Bộ Tài chính, hashtag #MeToo đã trở thành thứ vũ khí chính trị lợi hại để đẩy nhiều quan chức cấp cao hoặc chủ tập đoàn ngã ngựa. Trong số đó có Thứ trưởng Junichi Fukuda.

    Ông bác bỏ mọi cáo buộc không bằng chứng nhưng sức ép dư luận đã khiến ông phải nộp đơn từ chức. Và chỉ sau khi đã khép lại sự nghiệp của mình, ông mới dám nộp đơn kiện tạp chí đã đăng tải thông tin trên bởi lo ngại mọi kết quả có lợi cho ông đều sẽ bị nghi ngờ là dàn xếp và ngụy tạo.

    Và tại Việt Nam…

    Tại Việt Nam, hãng tin CNN công bố một con số khiến nhiều người choáng váng: gần 90% phụ nữ và bé gái từng bị quấy rối tình dục. Câu chuyện gạ tình đổi tiền hoặc công việc có ở khắp mọi lĩnh vực, nghề nghiệp và ngay cả trước khi hashtag #MeToo xuất hiện rất lâu, tệ nạn này đã được biết đến, được cảnh báo, được phổ cập trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng đến năm 2017, con số vẫn ở mức đáng báo động.

    Sẽ tốt hơn nếu những bạn trẻ trong quá trình tích lũy kiến thức chuyên môn cũng đồng thời trang bị cho mình hiểu biết xã hội để tự bảo vệ bản thân, để không sa ngã trước cám dỗ của danh vọng và vật chất.

    Sẽ tốt hơn nếu những người nắm trong tay quyền lực và tiền bạc biết kiềm chế bản thân và giữ gìn đạo đức. Sẽ tốt hơn nếu những người đọc biết chắt lọc thông tin, tỉnh táo và bình tĩnh chờ đợi kết luận của cơ quan chức năng để không đẩy một người vô tội vào đường cùng.

    Và chắc chắn, sẽ là tốt nhất nếu không một ai phải dùng đến hashtag #MeToo.

    Thu Phương

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/metoo-phong-trao-bao-ve-phu-nu-hay-vu-khi-huy-hoai-danh-du-con-nguoi-a227194.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan