Đến nay, thành phố Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về triển khai chương trình OCOP. Thành phố đã công nhận được 2.167/9.852 sản phẩm, chiếm 22% của cả nước. Trong đó có 8 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao. Riêng năm 2022, thành phố công nhận 518 sản phẩm (1 sản phầm tiềm năng 5 sao, 271 sản phẩm 4 sao, 246 sản phẩm 3 sao), vượt chỉ tiêu kế hoạch 118 sản phẩm (mỗi năm có 400 sản phẩm).
Hà Nội hiện thuộc top đầu cả nước về OCOP 5 sao khi có 3 chủ thể đạt OCOP 5 sao trong đó có sản phẩm “Chăn bông tơ tằm tự dệt” của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức (huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội), được Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá rất cao. Đồng thời đề nghị chủ nhân của ý tưởng là bà Phan Thị Thuận chia sẻ bí quyết để nhân rộng kỹ thuật sản xuất cho người dân các địa phương khác của cả nước.
"Chăn bông tơ tằm tự dệt" được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trao giấy chứng nhận sản phẩm đạt OCop 5 sao vào ngày 17/7/2023, là niềm tự hào của nghệ nhân Phan Thị Thuận (Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội). Đây là ý tưởng được nghệ nhân Phan Thị Thuận ấp ủ trong nhiều năm, để sắp xếp cho những con tằm tự dệt tơ. Sản phẩm độc đáo bởi sự kỳ công, sự sáng tạo và chất lượng của những chiếc chăn bông tơi xốp tự nhiên, nhẹ và ấm áp.
Sản phẩm mền bông tơ tằm do con tằm tự dệt là kết quả của cả một quá trình tìm ra cách điều khiển những con tằm tự dệt thành những thước tơ trên một mặt phẳng (thay vì cuộn tròn như trước đây) của nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận để cho ra một sản phẩm mới có nhiều ưu điểm, tính năng vượt trội so với các sản phẩm truyền thống. Chính nét độc đáo, hấp dẫn này đã tạo nên thương hiệu OCOP cho nghề dệt truyền thống và ngày càng được nhiều người biết đến.
Trao đổi với Phóng viên, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận chia sẻ: "Gia đình tôi làm nghề dệt từ nhiều đời, thuở lên 5, lên 6 tôi đã được bố mẹ truyền dạy và chỉ bảo tận tình theo từng công đoạn nuôi tằm, lấy kén, ươm tơ... Sau này, khi đã lập gia đình, tôi vẫn giữ nguyên tình yêu với nghề và phát triển cho đến tận bây giờ với nhiều thành công”
Các sản phẩm được làm thủ công, được sinh ra tự nhiên và phân hủy tự nhiên nên rất thân thiện với môi trường. Cùng đặc tính thoáng khí, mềm nhẹ, mát rượi khi chạm vào, với những tông màu mộc mạc, trang nhã được nhuộm với màu tự nhiên, an toàn tuyệt đối cho người sử dụng. Nhờ vậy thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng được mở rộng không chỉ trong nước mà còn được xuất khẩu sang nước ngoài như: Nhật Bản, Đức, một số nước thuộc khu vực Trung Đông...
Hiện Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức là đơn vị số 1 trong ngành tơ tằm Việt Nam. Đơn vị đã trải qua nhiều thế hệ gắn bó với nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa từ những bàn tay của các nghệ nhân bao đời nay, nên mỗi sản phẩm đều là sự kết hợp của sự sáng tạo, kế thừa những tinh hoa, nhiệt huyết nhất.
Đã hơn 60 mươi năm gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, trải qua nhiều khó khăn, vất vả vừa lo nghiên cứu, sản xuất, vừa lo đầu ra cho sản phẩm nhưng đến nay nghề dệt tơ của Phùng Xá đã lấy lại được vị thế, khẳng định được sức sống bền bỉ như chính sợi tơ xuyên suốt hàng nghìn năm. Bà Thuận nhấn mạnh
Có thể nói, đây là một sáng kiến kỹ thuật quan trọng mà tương lai chúng sẽ đem lại những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển nghề dệt thủ công truyền thống cũng như tiềm năng lớn cho ngành tằm tơ Việt Nam cạnh tranh với thị trường quốc tế. Nếu được phát triển đúng cách, nó có thể đem lại những lợi ích không nhỏ, kể cả ngành thời trang tơ tằm Việt Nam từ mền bông tơ tằm do còn tằm tự dệt, người ta có thể cắt ra những sản phẩm làm ruột áo mà không cần đến công đoạn trần vải giữ bông vẫn tạo nên sản phẩm chắc bền. Kỹ thuật mền bông tơ tằm do con tằm tự dệt này đã được đăng ký thương hiệu độc quyền SILK4WORLD ở Cục sáng chế Việt Nam.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận đã rất sáng tạo khi kiên trì tìm cách "điều khiển" để cho con tằm trở thành "những người thợ dệt". Năm 2010 bà đã thành công với sáng kiến cho tằm tự dệt để cho ra những thành phẩm tơ lụa đầu tiên. Năm 2016, bà được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú", được nhận Bằng khen của UBND TP. Hà Nội, Bằng khen của Bộ NN&PTNT và Bằng khen Hội Nông dân Việt Nam… Bà Phan Thị Thuận là một trong 10 cá nhân được trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2020, giải thưởng tôn vinh những đại diện tiêu biểu cho hàng triệu phụ nữ, hàng trăm nghìn tập thể nữ tận tụy lao động, sản xuất, học tập, nghiên cứu, sáng tạo đã và đang ngày đêm đóng góp tích cực cho sự phát triển đi lên của xã hội.
Xã Phùng Xá với nghề dệt truyền thống nhưng sức lan tỏa và tiếp nối chưa được sâu rộng và trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, có những lúc tưởng chừng như mai một. Nhưng như một duyên định mệnh cùng tình yêu, tâm huyết với nghề trong việc lưu giữ, phát huy truyền thống của cha ông để lại, bà Phan Thị Thuận đã tạo nên bước đột phá khi là người đầu tiên dệt lụa thành công dệt tơ truyền thống, đã đạt được chứng nhận sản phẩm OCOP của Thành phố và như một "đại sứ" chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền.
Thanh Tâm