Những ngày qua, người dân Bình Phước vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại câu chuyện người mẹ dẫn theo con gái ra sông tự vẫn. Dù được đứa con gái lớn và người nhà ngăn cản nhưng rồi kết cục họ vẫn chỉ giữ lại được cô em gái mà không giữ lại được người mẹ.
Theo người thân kể lại, vì buồn chuyện gia đình mà chị Ng. (49 tuổi, ngụ TP Đồng Xoài, Bình Phước) đã quyết định tự tử để quên đi tất cả. Trước khi cái chết thương tâm xảy ra, nhiều người dân phát hiện bà Ng. cùng hai con gái giằng co nhau trên cầu Nha Bích. Sau khi mẹ nhảy xuống sông, hai cô gái ôm nhau khóc thảm thiết, hô hoán mọi người cứu mẹ.
Một người đi đường đã hoảng hốt dừng xe và chạy nhanh đến ôm giữ 2 chị em lại để tránh sự việc đau lòng có thể tiếp diễn. Tới chiều tối ngày 29/3 lực lượng cứu hộ mới tìm được thi thể người mẹ.
Theo chia sẻ của người thân, chị Ng. là mẹ của 4 người con 2 trai, 2 gái. Tại địa phương, chị được nhận định là người phụ nữ hiền lành, chịu thương chịu khó, thương yêu chồng con. Người dân địa phương cho biết, gia đình chị Ng. thuộc diện khá giả. Cách thời điểm xảy ra vụ việc đau lòng ít ngày, gia đình chị Ng. vừa xây xong ngôi nhà mới khá khang trang.
Qua đây sự việc có thể thấy, mẹ tự tử và kéo con theo là những câu chuyện hết sức đau lòng, vừa đáng thương lại đáng trách. Từ đây, nhiều người đặt ra câu hỏi: “Vậy nguyên nhân là gì dẫn tới cảnh những người mẹ rơi vào cảnh đường cùng không tha thiết sống và muốn cùng con quyên sinh?”.
Hiện trường nơi chị Ng. nhảy sông tự vẫn |
Theo chuyên gia tâm lý Trần Ly (Vũng Tàu) điều khiến cho những người mẹ này bế tắc đến mức không thiết sống, còn mang theo con chết cùng thường bị tổn thương và bị sang chấn về mặt tâm lý. Như vụ việc trên, người mẹ vì quá muộn phiền việc gia đình, không còn cách giải quyết nên mới tìm đến cái chết như vậy.
Qua đây, chuyên gia cũng chỉ ra một số lý do khác có thể dẫn tới những sự việc đau lòng. “Bên cạnh vấn đề tâm lý không ổn định, người vợ quyết định tự tử còn có thể do chồng ngoại tình, kinh tế khó khăn hoặc họ bị bạo hành quá lâu, không tha thiết sống nữa…
Lúc rơi vào cảnh đường cùng, những người phụ nữ này chỉ nghĩ “thôi thì chết đi cho xong chuyện”, “chết là hết” và họ cứ nung nấu ý định rồi tới khi giọt nước tràn ly, họ kết liễu đời mình lúc nào không hay biết”, vị chuyên gia phân tích.
Vị chuyên gia lý giải thêm, một phần cũng có thể do những người mẹ này bị ảnh hưởng tới truyền thống văn hoá phương Đông. Họ cho rằng, con cái là một phần cơ thể của mình, khi chết họ không muốn con phải chịu khổ nên có ý định “mang theo”. Họ cũng bị ám ảnh “nếu con sống khổ, chi bằng con cứ đi theo mẹ”.
Chưa kể, một số bà mẹ mê tín còn cho rằng “chết là giải thoát” và chết là mở ra một hành trình mới biết đâu “sang bên kia” con họ sẽ có cuộc hôn nhân tốt hơn. Và họ tin, chết cùng con là cách bảo vệ đứa trẻ an toàn nhất, họ không muốn con sống trong sự dằn vặt, không có mẹ bên cạnh.
Để xử lý khủng hoảng trong gia đình, chuyên gia tâm lý Phạm Tình (Hà Nội) đưa ra lời khuyên, đối với vợ chồng, khi xảy ra mâu thuẫn cần bình tĩnh để giải quyết vấn đề. Nếu không thể tìm được một giải pháp thiết thực nhất thì phải tìm người có trình độ cao hơn mình để nghe lời khuyên.
Đồng thời, trong quá trình sống, học tập, làm việc cần phải biết trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng sống. Thêm nữa, trong một gia đình phải biết chung thuỷ, nhường nhịn, tha thứ, vị tha cho nhau... Nếu không làm được điều đó sẽ bị quẫn trí, dẫn đến điên nhất thời và một khi đã điên nhất thời thì sẽ có những hành động dại dột.
Còn đối với những người ở lại, khi xảy ra những vụ việc đau lòng rồi, không lấy lại được người mất nên đừng quá mãi chìm đắm trong đau khổ. Cố gắng vượt qua mất mát và cũng trang bị thêm cho mình những kiến thức cần thiết, để những thành viên khác trong gia đình không còn rơi vào bi kịch như người tự vẫn trước.
PHƯƠNG ANH