(ĐSPL) - Chỉ vì lục đục chuyện gia đình rồi nghe lời dụ dỗ của kẻ gian, chị Mùi bồng bế đứa con gái 4 tuổi của mình bỏ đi "làm ăn". Chừng ấy đến nay đã 20 năm trời, chị đi mà chưa một lần trở về, để lại bố mẹ già gần đất xa trời ngày ngày dõi mắt mòn mỏi ngóng tin con.
Mỏi mòn khóc đợi con
Cơn mưa cuối tháng 12 khiến con đường đất dẫn vào nhà bà Trần Thị Cơ (83 tuổi, trú thôn Phước Điền, xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), mẹ chị Nguyễn Thị Mùi (SN 1970, trú thôn Phước Điền) trở nên lầy lội, ướt át. Trong căn nhà cấp 4 liêu xiêu, một khoảnh khắc buồn ập đến trong mỗi chúng tôi, khi chứng kiến dưới bệ cửa nhỏ một bà cụ lưng còng bước ra. Theo sau bà cụ một cụ ông gầy gò, ốm yếu. Chưa kịp lên tiếng hỏi thăm, thì bà cụ hỏi dồn những vị khách lạ: "Chú hỏi ai, có hỏi về con tui không, có biết con tui ở đâu không?". Đưa ánh mắt nhìn khách, bà cụ cúi gằm xuống thất vọng, gạt vội dòng nước mắt ứa ra từ kẽ mắt kèm nhèm.
Lục đục kéo ấm trà nóng đang pha dở ra mời khách, nước mắt người mẹ khốn khổ cứ mãi chảy vì cô con gái. Bà Cơ nhớ lại những năm tháng cơ hàn trước kia. Thuở ấy, gia cảnh nghèo khó, ông bà sinh được tám người con. Cũng như các anh chị em mình, nhà nghèo, chị Mùi chỉ học hết lớp ba rồi theo bố mẹ kiếm kế sinh nhai. Vừa tròn 20, chị bén duyên rồi lấy một chàng trai ở xã dưới làm chồng. Cuộc sống yên ả trôi, anh chị sinh hạ được hai con gái.
Bà Trần Thị Cơ, mẹ chị Mùi khóc vì nhớ con. |
Những tưởng cuộc sống của chị từ đây sẽ hạnh phúc, nhưng chưa được bao lâu vợ chồng chị Mùi xích mích. Thêm phần nghèo đói, cơm gạo thiếu thốn mà con cái ngày một lớn khôn khiến chị càng lo lắng. Những ý nghĩ về việc đi làm xa bắt đầu nhen nhóm trong đầu người đàn bà quê mùa này. Hướng đôi mắt đục ngầu ra xa, thẫn thờ một hồi lâu như người mất hồn, bà Cơ kể tiếp: "Rứa là năm 1997 nó đòi đi làm ăn xa ở Hà Nội với người ta. Nó nói với tui là đi với con Lan hàng xóm tháng 2 triệu. Ai ngờ cơ sự ra ri...".
Ngày đó, chị Mùi cùng một số phụ nữ trong xã Hải Thành dứt áo ra đi theo người phụ nữ tên Nguyễn Thị Lan (quê Quảng Trị) với mong muốn đổi đời. "Nó đi làm mà nào có như người ta. Đang lúc chồng con cãi vã, rứa là nó bồng theo đứa con chưa được 4 tuổi. Đó là lần cuối cùng tui được nhìn thấy nó". Chị Mùi ra đi mà không biết mình đã rơi vào tay những kẻ buôn người độc ác. Ở nhà bố mẹ chị chỉ biết trông ngóng, chờ đợi mà không hiểu sao con đi Hà Nội làm ăn bấy nhiêu cái tết vẫn chưa một lần về. "Hay nó chê quê ni nghèo, quên ba mẹ nghèo rồi" - Đó là lời trách trong nghẹn ngào của ông Nguyễn Văn Tất (85 tuổi, cha chị Mùi).
Ông Nguyễn Văn Tất, cha chị Mùi mong muốn con gái mình sẽ quay về trước khi ông bà “nhắm mắt xuôi tay”. |
Thế rồi, ba năm sau mọi người tá hỏa khi công an tỉnh về điều tra. Cả làng cả xã Hải Thành bị một phen chết lặng khi biết tin: "Con Lan là kẻ buôn người sang Trung Quốc". Bà Cơ nhớ lại: "Điêu đứng, héo mòn, uất ức lắm chú ơi! Nó nỡ đem con tui đi bán. Cùng năm 2000 đó, tui có nhận được một lá thư của con Mùi gửi bên Trung Quốc về. Đến nay không còn chi nữa. Tui sợ nó chết rồi chú ơi, nó ngoan lắm, nó không để tui khóc vì nó mãi mô", Bà Cơ khóc nghẹn, mỗi tiếng nấc phát ra là một lần bà cắn vội bàn tay của mình.
Ông Trần Văn Chính (78 tuổi, hàng xóm) nhớ lại: "Lúc nghe tin con Mùi bị bán sang Tàu, ngày đêm cứ thấy hai ông bà khóc vì thương con. Nhà tui gần bên nên tui chứng kiến nhiều khi tui cũng không cầm được nước mắt. Có đêm bà ấy cứ gọi con rồi khóc ngất đi. Làng xóm xót xa mà bất lực chú à". Nghe đến đây, bất chợt câu nói của một người dân đầu làng, khi chúng tôi hỏi đường về nhà bà Cơ lại ùa về: "Mẹ già còng lưng, ngồi bên bệ cửa khóc cạn nước mắt nhớ con. Cha già đau thập tử cũng vật vã trên giường bệnh để đợi con về".
Nỗi đau người trở về
Với người dân các xã Hải Thành, Hải Thọ... hay người thân có con em quay trở về được từ Trung Quốc trong chuyến đi năm 1997 ấy được gọi là những người "may mắn". Có lẽ sự may mắn ở đây chỉ nhỏ nhoi là sự đoàn viên với gia đình chứ chưa thể khỏa lấp đi nỗi tủi hờn mấy năm trời họ phải chịu đựng bên xứ người. May mắn hơn chị Mùi, chị L.T.S. (45 tuổi, trú xã Hải Thành) sau nhiều năm "là dâu trăm họ" bên xứ người đã tìm được đường quay trở về.
Thế nhưng, mỗi khi nhắc đến quãng thời gian ê chề, nhục nhã đó, chị S. lại run lên sợ hãi. Trong ký ức đau khổ chị vẫn còn nhớ như in buổi chiều định mệnh ngày 6/5/1997, khi ấy với lời dụ dỗ ra Hà Nội làm lương tháng 2 triệu đồng, chị S., cùng chị Mùi và đứa con nhỏ cùng một số phụ nữ khác khăn gói lên đường. Chị S,. kể: "Không biết gì hết, nghe mô đi nấy theo họ. Được mấy ngày là chuyển qua đi bộ, đi trên rừng rú. Đến khi qua tới Trung Quốc mới ngỡ ngàng mình bị lừa".
Bi đát nhất trong số những người "may mắn" ấy, chị Đ.T.T.T. (38 tuổi, trú Hải Thọ), sau khi chôn vùi quãng đời đẹp nhất của người phụ nữ nơi đất khách, nay quay về tàn tạ như cái xác không hồn. Lúc đó, vừa tròn 20, lại xinh đẹp nên vừa bước chân sang Trung Quốc chị bị bán vào nhà chứa làm gái mại dâm. Từ đó, quãng đời của chị liên tiếp là những tháng ngày bôn ba từ tay "mẹ mìn" này sang trùm buôn người khác. Được chừng nửa năm, chị vào làm "vợ" một người đàn ông vũ phu, tàn bạo.
Sau những lúc hành hạ để thỏa mãn dục vọng đê hèn của "chồng", chị S. phải chịu đựng những trận đòn roi rất dã man. Sau đó, chị sinh một đứa bé gái, cũng chính vì đứa con đứt ruột sinh ra khiến chị nhiều lần chạy trốn nhưng vẫn không đành bỏ đi. Mãi 8 năm sau, khi đứa con của chị cũng vừa lên 7, chị mới quyết bỏ trốn quay về quê hương nhưng lòng vẫn nhớ con khôn nguôi. Chị T. chia sẻ: "Dù bị đánh đập tệ hại nhưng con cái do chính mình sinh ra nên nhớ lắm. Giờ chắc nó đã khôn lớn rồi, ở bên ni tui nhớ con lắm nhưng chỉ biết ôm mặt mà khóc thôi".
Có lẽ cũng như bà Cơ nhớ và mong ngóng chị Mùi, chị T., cũng như bao người phụ nữ khác vướng vào vòng quay tội ác của những kẻ buôn người độc ác, đang phải ngày ngày vật vã chống lại những dằn vặt, những nỗi thương nhớ ruột thịt da diết. Như lời bà Cơ: "Có lẽ vài năm nữa già yếu tui phải làm bàn thờ cho con gái, kẻo khi vợ chồng tui chết rồi mà con vẫn chưa thấy về, lỡ nó chết rồi mà lạnh lẽo nơi xa xôi thì tội lắm". Với những người mẹ xa con, mỏi mòn vì con, những lời ru đã hóa thành nước mắt xuyên qua biên giới xa xôi, chìm vào trong vô định. Cho đến nay, kẻ gây ra tội ác đã trả giá, nhưng bà Cơ, ông Tuất vẫn chưa một ngày nghe tin chị Mùi đang ở đâu, còn sống hay đã chết.
Ước mong điều kỳ diệu Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Vũ, Trưởng thôn Phước Điền (xã Hải Thành) cho biết: "Sau khi bị đối tượng Nguyễn Thị Lan lừa bán sang Trung Quốc, một số người đã may mắn tìm về được quê hương, nhưng riêng cô Mùi thì vẫn biền biệt bấy lâu. Thật sự xót xa cho hoàn cảnh khó khăn, mấy chục năm trời trông ngóng con đã vắt kiệt sức của hai cụ. Bà con chúng tôi chỉ ước mong một điều kỳ diệu sẽ đến, con gái cụ sẽ về". |