+Aa-
    Zalo

    Mẹ Cường đô la bức xúc vì 2 dự án bị đưa vào danh sách đang thế chấp ngân hàng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Công CP Quốc Cường Gia Lai cho rằng, thông tin công bố 77 dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng có nhiều điểm chưa rõ...

    (ĐSPL) - Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Công CP Quốc Cường Gia Lai cho rằng, thông tin công bố 77 dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng có nhiều điểm chưa rõ nên đã gửi đơn khiếu nại đến Sở Tài nguyên - Môi trường và một số cơ quan báo, đài.


    Một số dự án chỉ nêu chung chung

    Thông tin trên báo Người lao động, sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM công bố 77 dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng (NH), không ít khách hàng lo lắng vì không hiểu tình trạng pháp lý của việc cầm cố. Phần lớn khách hàng cho rằng dự án thế chấp NH là do chủ đầu tư yếu kém.

    Trong 77 dự án vừa công bố có nhiều doanh nghiệp (DN) lớn như Novaland, Phát Đạt, Nam Long, Hoàng Quân, Quốc Cường Gia Lai…; trong đó nhiều DN không cầm cố toàn bộ dự án mà chỉ vài căn hộ hoặc vài sàn căn hộ.

    Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (Horea), cho rằng việc công khai các dự án đang thế chấp là cần thiết cho người tiêu dùng và các chủ thể liên quan, góp phần xây dựng thị trường bất động sản minh bạch hơn. Tuy nhiên, sau khi Sở TN-MT công bố, một bộ phận khách hàng băn khoăn, có người hiểu nhầm dự án bị thế chấp do chủ đầu tư kém năng lực bởi một số dự án chỉ nêu chung chung mà không được giải thích rõ.

    Thông tin trên báo Zing.vn, Công ty Quốc Cường Gia Lai vừa gửi đơn khiếu nại lên sở TNMT TP HCM, cho rằng thông tin về danh sách 77 dự án thế chấp ngân hàng công bố không được rõ ràng.

    Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Công CP Quốc Cường Gia Lai (QCGL), tỏ ra bức xúc vì 2 dự án của công ty bà bị đưa vào danh sách đang thế chấp ngân hàng của Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM.

    Bà Loan cho rằng, thông tin công bố có nhiều điểm chưa rõ nên đã gửi đơn khiếu nại đến Sở Tài nguyên - Môi trường và một số cơ quan báo, đài.

    Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Công CP Quốc Cường Gia Lai (QCGL), tỏ ra bức xúc vì 2 dự án của công ty bà bị đưa vào danh sách đang thế chấp ngân hàng của Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM. (Ảnh minh họa).

    Theo đơn kiến nghị, đến thời điểm này, QCGL hoàn toàn không thế chấp bất cứ dự án căn hộ nhà ở thương mại nào, dù đang có rất nhiều dự án xây dựng, đang mở bán và cả dự án sắp giao nhà.
    Ngay cả dự án dễ thế chấp nhất là dự án số 24 Lê Thánh Tôn, quận 1, doanh nghiệp vẫn không vay và đang giao nhà cho khách mua.

    "Trên thực tế, QCGL chỉ vay duy nhất 1 dự án nhà ở xã hội 6B, vì có lãi suất ưu đãi 5\% để cấu thành giá thành rẻ bán cho khách hàng thu nhập thấp. Tuy nhiên, đến thời điểm này dư nợ của dự án là 73 tỷ, chưa đến 12\% tổng mức đầu tư.

    Đến nay chúng tôi cũng đã thi công xong và đang giao nhà cho khách hàng. Tôi khẳng định các dự án căn hộ thương mại của QCGL tại TP HCM và các dự án đang bán tại Đà Nẵng đều không thế chấp. Chúng tôi có nhiều nguồn vốn và luôn liệu sức mình để triển khai”, bà Loan quả quyết.

    Theo Chủ tịch QCGL, việc Sở Tài nguyên - Môi trường thông tin các dự án đang bán và đang thế chấp rộng rãi đã giúp ích rất nhiều cho người mua nhà, để họ kiểm tra và yên tâm khi bỏ số tiền lớn mua sản phẩm.

    Tuy nhiên, thông tin cần phải rõ ràng, cụ thể, không phải dự án nào đang thế chấp cũng là không được bán và sẽ bị ngân hàng siết nợ.

    Không riêng QCGL, một số doanh nghiệp tại TP HCM cũng cho biết sẽ phản ứng lại với danh sách mà 77 dự án vừa công bố. Công ty Hưng Lộc Phát cho biết, theo thông báo thì doanh nghiệp đã thế chấp 10 căn hộ và 6 sàn thương mại tầng 2,3,17 thuộc cao ốc Hưng Phát tại một ngân hàng.

    Song ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch HĐQT Hưng Lộc Phát khẳng định, tất cả 10 căn hộ của cao ốc Hưng Phát được nêu trong Công văn số 7067/TNMT-VPĐK đều là những căn hộ được công ty giữ lại phục vụ cho mục đích khác, hoàn toàn chưa bán ra cho bất cứ khách hàng nào.

    Tương tự, 6 sàn thương mại tầng 2,3,17 cũng là phần diện tích thuộc sở hữu riêng của công ty.

    "Chúng tôi có thể thế chấp phần tài sản cho ngân hàng mà không ảnh hưởng đến quyền lợi bất cứ khách hàng nào đã mua nhà thuộc dự án.

    Vì thế, thông tin công bố của Sở có thể gây nhầm lẫn và ảnh hưởng đến tâm lý, lòng tin của khách hàng đối với thương hiệu và các dự án mà công ty chúng tôi đang triển khai", ông Lực nói.

    Dự án Ruby Land dù đã giao nhà nhưng chủ đầu tư vẫn chưa giải chấp khiến người mua lo lắng. (Ảnh: Người lao động).

    Cần thông tin chi tiết hơn

    Thông tin trên báo Người lao động, được biết, các dự án do Sở TN-MT công bố đợt này được nhận định đã đủ điều kiện kinh doanh cũng như đang được xem xét điều kiện huy động vốn. Những dự án đang thế chấp nhưng chưa đến lúc huy động vốn nên chưa đưa vào danh sách và sẽ rà soát, công bố trong thời gian tới.

    Theo ông Mạnh, nên phân loại dự án thế chấp NH để vay vốn với dự án thế chấp theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản (phải có bảo lãnh bán nhà hình thành trong tương lai). Nếu thế chấp để bảo lãnh bán nhà thì dự án “khỏe mạnh”, minh bạch nhưng cách thức công bố không rõ ràng khiến người mua nhà hoang mang.

    Ông Trương Đình Long, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), nhìn nhận việc công bố là cần thiết. Tuy nhiên, dưới gốc độ kinh doanh thì cần xem xét lại do liên quan đến bảo mật thông tin của DN vì không phải thông tin nào cũng cần công bố, không phải chủ đầu tư nào cũng có vấn đề cần mổ xẻ. “Điều quan trọng là nếu đã công bố thì phải công bố cho rõ về quy trình, tiến độ giải ngân và tình trạng của dự án để người mua không hoang mang” - ông Long đề xuất.

    Mua nhà cần xem kỹ thông báo giải chấp của dự án

    Việc thế chấp là bình thường trong trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp dự án mà có nhu cầu huy động vốn để phân chia nhà ở theo quy định của pháp luật, hoặc có nhu cầu bán, cho thuê, mua nhà ở đó thì phải giải chấp trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng; trừ trường hợp được bên góp vốn, bên mua, thuê mua nhà ở và bên nhận thế chấp đồng ý. Như vậy, khi thực hiện đúng các quy trình trên thì chuyện thế chấp dự án không có gì là nghiêm trọng.

    Theo chia sẻ của nhiều chủ đầu tư, việc họ sử dụng dự án để thế chấp ngân hàng là nghiệp vụ tài chính bình thường, để đảm bảo cho nghĩa vụ phát hành chứng thư bảo lãnh của ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi thông tin dự án thế chấp được cơ quan quản lý nhà nước công bố, có nhiều khách hàng đã đặt mua căn hộ gọi điện về công ty, thắc mắc về vấn đề trên.

    Một doanh nghiệp địa ốc có tên trong danh sách vừa công bố của Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM, cho rằng việc dùng dự án để thế chấp ngân hàng là để doanh nghiệp thực hiện bảo lãnh cho người mua nhà theo Luật Kinh doanh BĐS. Bởi theo nguyên tắc cấp tín dụng cho dự án là phải có tài sản đảm bảo, từ đó mới tiến hành các thủ tục để ngân hàng cho ay, bảo lãnh cho các nhà thầu…

    “Đây cũng là điều tốt cho khách hàng, vì dự án căn hộ họ mua có ngân hàng bão lãnh. Nếu có những vấn đề phát sinh vi phạm hợp đồng thì ngân hàng đứng ra bồi thường. Điều này được xem như một cam kết của doanh nghiệp đối với khách hàng”.

    Đại diện Công ty TNHH Kinh doanh Nhà Gia Hòa, chủ đầu tư dự án The Art, một trong những dự án có tên trong danh sách, cho rằng: “Khi công bố thông tin, cơ quan chức năng cần rạch ròi về mục đích thế chấp ngân hàng của từng dự án, từng doanh nghiệp. Minh bạch thông tin như Sở Tài Nguyên Môi trường TP HCM là vẫn chưa tới nơi tới chốn, vì đã đánh đồng nhiều dự án và doanh nghiệp vào một mục đích như nhau. Điều này gây nên tâm lý hoang mang cho khách hàng đã mua hoặc có dự định mua căn hộ trong thời gian tới".

    Lý giải của nhiều chủ đầu tư tại TP HCM, đặc điểm hoạt động của thị trường bất động sản nước ta là các chủ đầu tư dự án phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn huy động của khách hàng. Đối với nguồn vốn tín dụng, các chủ đầu tư thường vay để phát triển dự án, xây dựng công trình, nhà ở, thực hiện quy định về bảo lãnh ngân hàng khi bán nhà hình thành trong tương lai... và thường lấy dự án, công trình đó để thế chấp ngân hàng.

    Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM cho rằng: “Việc doanh nghiệp thế chấp tài sản để vay vốn làm ăn là hoạt động bình thường trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Với lĩnh vực kinh doanh bất động sản cũng vậy, chủ đầu tư thế chấp dự án, nhà ở, công trình để vay vốn tín dụng ngân hàng phát triển dự án và hoàn thành công trình nhà ở, sau đó thực hiện giải chấp cũng là việc bình thường”.

    Do vậy, chủ đầu tư dự án đã bị thế chấp vẫn được quyền bán, chuyển nhượng, cho thuê nhà ở của dự án, với điều kiện phải được ngân hàng nhận thế chấp có văn bản chấp thuận. Người mua nhà tại các dự án đã bị thế chấp có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp văn bản mà ngân hàng chấp thuận cho chủ đầu tư được bán nhà, căn hộ hình thành trong tương lai để huy động vốn.

    Tuy nhiên, lời khuyên của Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM là khi thực hiện các hợp đồng mua nhà, khách hàng cần phải xem xét kỹ về quy trình thực hiện thế chấp, giải chấp của chủ đầu tư đối với dự án đó.

    Cụ thế, khách hàng cần yêu cầu chủ đầu tư khi ký hợp đồng bán căn hộ phải có thông báo giải chấp căn hộ đó từ ngân hàng đang cầm cố dự án. Đồng thời phải có chứng thư bảo lãnh mua nhà hình thành trong tương lai của ngân hàng.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Nguồn: Người đưa tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/me-cuong-do-la-buc-xuc-vi-2-du-an-bi-dua-vao-danh-sach-dang-the-chap-ngan-hang-a141392.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan