(ĐSPL) – Luật sư cho biết, pháp luật Việt Nam đặc biệt nghiêm cấm mọi hành vi liên quan tới môi giới, mua bán các bộ phận của cơ thể.
Thời gian vừa qua, dư luận xôn xao trước quyết định của chị Trần Thị Hoa (27 tuổi, quê Bình Thuận) vì muốn cứu con trai Trương Hoàng Phúc (7 tuổi) bị căn bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) nên quyết bán tim mình lấy 600 triệu đồng.
Theo chị Hoa, hiện đã có người đặt vấn đề mua tim của chị với hình thức hiến và sẽ trả số tiền 600 triệu đồng cùng các chi phí khác cho đến khi cháu Phúc hồi phục.
Liên quan tới vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Sơn Hải – Văn phòng Luật sư Ánh sáng Công lý.
Luật sư Sơn Hải -Văn phòng Luật sư Ánh sáng Công lý. |
Luật sư Sơn Hải cho biết, theo khoản 8 điều 11 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (Luật số 75/2006/QH11): Nghiêm cấm các hành vi: Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.
Trong câu chuyện của chị Trần Thị Hoa, mặc dù mục đích bán tim là vô cùng cao đẹp, thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng. Tuy nhiên, việc nay bị pháp luật nghiêm cấm và hợp đồng giữa hai bên mua và bán sẽ không có hiệu lực.
Luật sư Hải cho biết, pháp luật quy định quyền hiến mô, bộ phận cơ thể là một quyền nhân thân quan trọng. Tuy nhiên, không phải cá nhân nào muốn thực hiện cũng được, mà phải đạt những điều kiện về khả năng nhận thức cũng như điều khiển hành vi. Việc này tuyệt đối không được mang tính thương mại.
Theo quy định của luật, việc lấy mô, bộ phận cơ thể người phải có sự đồng ý của người hiến thông qua việc đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống hoặc sau khi chết, ngoại trừ trường hợp khi cấp cứu, cần lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống để cấy, ghép cho cha, mẹ, anh, chị, em ruột thì không cần đăng ký, chỉ cần có sự đồng ý của người đó.
Để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người hiến lẫn người được ghép bộ phận cơ thể, luật còn đặt ra điều kiện đối với cơ sở y tế thực hiện lấy, ghép bộ phận cơ thể, đó là phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Mọi hoạt động lấy, ghép bộ phận cơ thể người không đúng theo quy định đều là hành vi bị cấm.
Luật cũng cấm các hành vi ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến; lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại; lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống dưới 18 tuổi. Việc hiến tặng nội tạng, bộ phận cơ thể để ghép chữa cho người bệnh là một việc làm mang ý nghĩa nhân văn cao cả.
Luật sư Sơn Hải cho biết, có một lỗ hổng pháp lý trong vấn đề kinh doanh cơ thể con người này là mặc dù luật quy định những hành vi bị cấm liên quan đến việc lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể, nhưng lại không có những quy định hoặc các văn bản hướng dẫn về chế tài để xử lý những hành vi này.
Đây là một hoạt động vi phạm pháp luật nhưng việc xử lý lại khá khó khăn do chưa có văn bản hướng dẫn. Chính sự thiếu hụt các văn bản hướng dẫn những chế tài của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cũng đã gây bối rối cho các cơ quan bảo vệ pháp luật.