(ĐSPL) - Sau khi định vị được vị trí máy bay rơi ở Bình Thuận, nơi này đã bị phong tỏa hoàn toàn, cấm các tàu qua lại để cơ quan chức năng tiến hành tìm kiếm, cứu hộ.
Liên quan đến vụ 2 máy bay Su-22 rơi ở Bình Thuận, dẫn nguồn tin từ cơ quan chức năng, tờ Tri thức trực tuyến, đến 14h hôm nay (17/4), lực lượng tìm kiếm xác định vị trí 2 máy bay rơi sát nhau, phía nam Hòn Trứng (Phú Quý). Sau khi định vị được vị trí, nơi này đã bị phong tỏa hoàn toàn, cấm các tàu qua lại để cơ quan chức năng tiến hành tìm kiếm, cứu hộ.
Video tìm kiếm 2 máy bay rơi ở Bình Thuận.
Trên báo Dân trí, ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh văn phòng Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bình Thuận, cho hay, vị trí nghi 2 máy bay Su-22 của Không quân Việt Nam mất tích hiện đang được khoanh vùng trong phạm vi 10036’36 độ Vĩ Bắc - 108051’30 độ Kinh Đông (cách đảo Phú Quý 8 hải lý). Hiện tại, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn đang tập trung tìm trong tọa độ này.
Lực lượng tìm kiếm cứu nạn 2 máy bay mất tích gồm có 1 trực thăng của sư đoàn 370, 1 tàu cảnh sát biển vùng 3, 2 tàu Hải quân vùng 4, 1 tàu tìm kiếm cứu nạn Biên phòng Bình Thuận, cùng tàu của các ngư dân đang hoạt động ở khu vực lân cận.
Vùng biển Phú Quý nơi nghi 2 máy bay rơi. Ảnh: Dân trí |
|
Hiện, các lực lượng tìm kiếm cũng đang thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại đảo Phú Quý, do Đại tá Võ Văn Tuấn - Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân - làm chỉ huy.
Theo Văn phòng Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bình Thuận, hiện họ chỉ có thông tin là vớt được 3 thùng dầu phụ, nghi là của 2 máy bay Su-22 bị mất liên lạc, với ký hiệu của thùng dầu trùng khớp với ký hiệu máy bay. Ngoài ra chưa có bất kỳ thông tin về các vật thể nào khác.
Trước đó, trao đổi trên tờ Tri Thức Trực Tuyến, đại tá Ngô Ngọc Thu- Phó Tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, đã điều động tàu CSB-2009, và máy bay CASA 212 "Mắt thần biển Đông), tìm kiếm máy bay Su-22 và 2 phi công mất tích dưới sự chỉ huy của đoàn công tác Bộ Quốc phòng.
Được biết CASA 212 là máy bay vận tải quân sự đa nhiệm thế hệ thứ 4, được thiết kế chuyên biệt cho nhiệm vụ tuần thám hải quân hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu và được mệnh danh là "mắt thần biển Đông".
"Mắt thần biển Đông" được trang bị hệ thống tuần thám biển MSS 6000. Với cảm biến SLAR hoặc FLIR, Casa 212 400 có thể giúp quan sát các vật thể lạ trên mặt biển một cách rõ ràng và chính xác hơn so với quan sát bằng mắt thường.
Tàu CSB 2009 tham gia tìm kiếm cứu hộ 2 máy bay rơi ở Bình Thuận. Ảnh: Cảnh sát biển. |
Như tin tức đã đưa, lúc 11h 45 phút ngày 16/4, hai máy bay Su-22 của Trung đoàn 937, thuộc Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân) bay huấn luyện, bài bay công kích, bổ nhào, cơ động phức tạp, đường bay Phan Rang - Mũi Rinh, Phú Quý, Bình Thuận đã bị mất liên lạc với Sở Chỉ huy.
Ngay sau khi mất liên lạc, Sư đoàn Không quân 370 đã điều máy bay Mi-171 của Trung đoàn 917 tìm kiếm cứu nạn. Lúc 14h 50 phút ngày 16/4, máy bay tìm kiếm đã phát hiện tại vùng biển có tọa độ 10 độ, 36 phút, 36 giây vĩ Bắc; 108 độ, 51 phút, 30 giây kinh Đông có 4 bình dầu phụ trôi nổi và vết dầu loang trên biển.
Hai phi công gặp nạn gồm: Lê Văn Nghĩa (phi công cấp 1), lái máy bay Su-22, số hiệu 5857, cấp bậc Trung tá, chức vụ Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, Sư đoàn 370 và Phi công Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3) điều khiển máy bay Su-22, số hiệu 5863, cấp bậc Đại úy, Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370.
Một số nguồn tin cho rằng hai phi công đã nhảy dù xuống biển. Tuy nhiên đến hiện tại các lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy hai phi công này.
Hiện nay các cơ quan chức năng của Quân chủng Phòng không - Không quân đang tiếp tục tổ chức lực lượng tìm kiếm và xác định nguyên nhân tai nạn.
MAI NGUYÊN (Tổng hợp)
Xem thêm video vụ 2 máy bay rơi ở Bình Thuận:
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/may-bay-su-22-roi-o-binh-thuan-cam-tau-qua-lai-vung-bien-tim-kiem-a91394.html