Theo Modellbau, từ cuối năm 1943 đến đầu năm 1944, không quân Đồng minh đánh phá ác liệt các thành phố khiến sức mạnh quân sự của Đức suy giảm nghiêm trọng. Các máy bay chiến đấu Bf-109, Junker-88... trở nên lỗi thời so với chiến đấu cơ của phe Đồng minh.
Các nhà sử học hàng không đánh giá Triebflügel là ý tưởng phát triển máy bay kỳ lạ nhất của Đức Quốc xã. Ảnh: Modellbau |
Tiêm kích P-51 Mustang của Mỹ gần như không có đối thủ trên bầu trời, do đó những phi cơ ném bom B-17 dễ dàng oanh tạc nước Đức. Tư lệnh Không quân Đức Hermann Göring và giới lãnh đạo Bộ Không quân vội vàng tìm giải pháp khắc phục.
Họ kêu gọi gần như toàn bộ nhà thiết kế trình bày các ý tưởng mới. Một trong những yêu cầu khẩn cấp là phát triển máy bay đánh chặn rẻ tiền và dễ sản xuất với số lượng lớn.
Phi công gần như đặt cược tính mạng của họ khi ngồi vào buồng lái của Natter. Ảnh:Diseno |
Theo Diseno, một trong những ý tưởng kỳ quái đề xuất lên Bộ Không quân Đức là máy bay đánh chặn Bachem Ba 349 Natter. Phi cơ mới là ý tưởng của nhà thiết kế Erich Bachem. Về bản chất, Natter giống một tên lửa đất đối không có người lái.
Ý tưởng của Bachem sử dụng động cơ tên lửa để phóng máy bay ở phương thẳng đứng lên độ cao vượt trần bay của phi cơ Đồng minh. Sau đó, phi công sẽ tách động cơ tên lửa. Natter hoạt động như một chiếc dù lượn để tấn công máy bay đối phương trong khi hạ cánh từ từ xuống mặt đất.
Nhà sản xuất trang bị cho Natter hỏa lực mạnh. Phi cơ mang theo 24 đạn rocket để tấn công máy bay Đồng minh. Nếu không thể bắn hạ mục tiêu, phi công được khuyến khích nhảy dù và đâm tên lửa vào đối phương.
Thiết kế của Natter quá nguy hiểm và Bộ Không quân Đức đã từ chối chi tiền cho nó. Tuy nhiên, Bachem báo cáo vượt cấp, ông đã thuyết phục lãnh đạo Đảng Quốc xã Heinrich Himmler chi tiền cho dự án. Tuy vậy, ý tưởng kỳ lạ của Bachem chỉ cất cánh được một lần vào ngày 1/3/1944 và nhanh chóng đâm xuống đất.
Phi công thử nghiệm Lothar Sieber tử nạn. “Xét về độ kỳ quái trong các ý tưởng thiết kế máy bay của Đức, Natter đứng hàng đầu”, giáo sư Brian J. Ford, nhà sử học quân sự nhận xét.
Ảnh đồ họa tiêm kích đánh chặn Triebflügel cắt vào giữa đội hình máy bay ném bom B-17 của Mỹ. Ảnh: Worldofwarplanes |
Cuối tháng 3/1944, Không quân Đức tiếp tục gặp khó khăn khác. Các máy bay của Đồng minh có thể ném bom chính xác khiến họ không đủ đường băng để cất cánh. Göring cần mẫu máy bay có thể giấu ở trong rừng và cất, hạ cánh thẳng đứng làm nhiệm vụ chiến đấu.
Erich von Holst, giáo sư sinh học lập dị đã đề xuất ý tưởng phát triển máy bay cất cánh thẳng đứng có tên Triebflügel. Công ty sản xuất Focke-Wulf nhận thấy, đây là một thiết kế có tính khả thi. Với Göring, ý tưởng này có thể là một giải pháp để lật ngược thế cờ.
Triebflügel có thiết kế như một tên lửa với 3 cánh quay xung quanh thân máy bay. Mỗi đầu cánh được trang bị động cơ phản lực dòng thẳng. Khi động cơ hoạt động, nó sẽ nhấc phi cơ lên khỏi mặt đất tương tự nguyên tắc hoạt động của trực thăng.
Khi lên đến độ cao cần thiết, máy bay sẽ chuyển sang trạng thái bay ngang và sẵn sàng chiến đấu. Để hạ cánh, nó sẽ chuyển về trạng thái bay thẳng đứng như lúc cất cánh.
Giới lãnh đạo Không quân Đức kỳ vọng, Triebflügel có thể xuyên qua đội hình máy bay ném bom đối phương và tiêu diệt chúng. Tuy nhiên, Triebflügel mới dừng lại ở mức ý tưởng, Đức Quốc xã đã bị đánh bại trước khi dự án có thể triển khai.
“Tôi không nghĩ rằng, ý tưởng về mẫu máy bay như thế có thể triển khai trong thực tế. Đó là lý do tôi xếp nó vào thiết kế kỳ quái nhất của Đức Quốc xã”, David Myhra, nhà nghiên cứu lịch sử hàng không nhận xét.
Theo Tri thức trực tuyến